13/08/2008 - 21:43

Ông Chín "Hoa Đà"

PHƯƠNG TỬ NGHI

40 năm nay, ông nổi tiếng xa gần với cái nghề chữa bệnh gãy xương tay, xương chân, trật khớp, bong gân... Ông trị bệnh mà không lấy bất kỳ chi phí nào. “Thân chủ” của ông có người từ Lâm Đồng, Bình Phước cũng khăn gói tìm đến. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2008, cuốn sổ ghi danh sách bệnh nhân mà ông điều trị đã lên đến con số trên 1.500 người. Ông là Nguyễn Văn Hừng (Chín Hừng) nhà ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhưng chữa bệnh “mát tay” nên người ta gọi ông là ông Chín “Hoa Đà”.

Người bệnh cần, có ông Chín !

Tôi tìm đến nhà ông vào chiều chủ nhật ngày đầu tháng 8-2008. “Đi dọc theo quốc lộ 57 hướng Chợ Lách đi phà Đình Khao, qua chợ xã Vĩnh Bình độ 2 cây số rồi quẹo vào con đường tráng xi-măng khoảng 800 m là đến nhà ông Chín “Hoa Đà” - chị chủ quán cà phê ở trung tâm huyện lỵ Chợ Lách nhiệt tình chỉ vẽ. Chị còn “khoe” thằng con chị cách nay gần chục năm lúc tập chạy xe đạp té lọi tay, may nhờ ông Chín bó thuốc, thằng nhỏ không mang tật.

Ông Chín Hừng nắn lại xương hàm của một bệnh nhân. Ảnh: CHÍ DŨNG 

Nhà ông quay mặt ra hướng con rạch nhỏ, nằm khuất sau vườn nhãn xanh mướt mắt, được bài trí bình thường với bộ ván, bàn trà, dăm cái ghế đẩu... Bộ ván là nơi ông thăm bệnh, nắn xương, bó thuốc. Thím Tư, vợ ông Chín Hừng đang lúi húi rửa sạch mớ rau trai, cỏ mực ở sàn nước bên hông nhà, đon đả mời: “Chú ngồi chơi, chờ ông nhà tui chút xíu. Ổng đang đâm thuốc ở nhà sau”.

Một lát sau, một người đàn ông ngoài lục tuần, từ nhà sau đi lên, tay còn vương bê bết nước thuốc đen xì: “Chú em bị sao. Để tui coi”. Khi biết tôi không phải tìm ông để trị bệnh mà đến để xem ông trị bệnh cho thiên hạ, ông cười: “Tui trị bệnh có gì đặc biệt đâu mà coi. Chú thấy đó. Chỉ mấy thứ cỏ thôi mà”. Nói đoạn ông châm nước. Chưa kịp rót đầy ly nước, ông phải bỏ ngang khi một đôi thanh niên nam nữ chạy xe hon-đa ghé vào sân. Giọng chàng thanh niên gấp gáp: “Chú Chín ơi ! Chú coi giùm tay nhỏ em con. Nó mới té xe ngoài lộ”. Dường như quá quen với chuyện này, ông Chín Hừng vội ra nhà sau lấy thuốc và một đoạn băng vải mùng... Chưa đầy 10 phút ông đã nắn lại xương đắp thuốc cho cô gái. “Thù lao” mà ông nhận là lời cảm ơn rối rít của chàng trai và cô gái nọ. Tiễn “thân chủ” ra về, ông Chín Hừng không quên dặn với theo: “Chiều mai bây trở lại chú bó thêm lần thuốc nữa nghe”. Quay lại bàn nước tiếp chuyện tôi chưa đầy nửa tiếng, lại thêm hai người nữa đến nhờ ông bó thuốc. Một người bị trật hàm, người còn lại bong gân cổ tay. Mỗi khi bệnh nhân đến trị bệnh, ông ân cần hỏi han để nắm bắt việc bị chấn thương, sau đó rờ, nắn vào xương, khớp và gân là “biết” ngay người bệnh bị thương như thế nào: gãy xương, bong gân hay trật khớp để qua đó nắn sửa lại khớp bị trật hay nắn lại đoạn xương bị gãy rồi bó thuốc... dặn dò những điều cần thiết rồi mới cho về. “Chú thấy đó. Người ta cần mới tìm đến mình, không giúp thì coi sao được - ông nói với tôi như thanh minh- Nửa khuya họ đập cửa kêu bó thuốc mình cũng không từ chối. Lương tâm người thầy thuốc không cho phép mình từ chối giúp đời, giúp người chú à”.

Bởi vậy nhà ông quanh năm suốt tháng không khi nào vắng khách. Thậm chí mùng 1, mùng 2 Tết mới tờ mờ sáng vợ chồng ông chưa kịp lo mâm cơm cúng ông bà đã có người đến gõ cửa với cánh tay bị gãy lặc lè, máu me loang lổ. Vậy là ông dẹp ngang mọi việc lo chữa trị ngay cho người bệnh. Có trường hợp anh chồng bị gãy xương chân, vợ chở đến gởi chữa giùm và vợ chồng ông Chín Hừng lo luôn việc chăm sóc vì gia cảnh họ nghèo, vợ phải về để lo làm thuê kiếm tiền nuôi đàn con ở nhà.

Cơ duyên

Ông Chín Hừng là truyền nhân đời thứ tư theo đuổi nghề bó thuốc trị gãy xương, bong gân... Chuyện gia đình ông có nghề này cũng là một cơ duyên.

Ông kể: “Ông cố tôi (ông Nguyễn Văn Phi, tục danh Cả Phi) cách nay hơn trăm năm đã sinh sống ở vùng Phú Hiệp - Vĩnh Bình (Chợ Lách), có cất dãy nhà ở ven sông để tiện việc đậu ghe xuồng, chất lúa, trái cây. Vào một đêm mưa gió, ông Cả Phi đang ở nhà trong nghe tiếng chó sủa rồi tiếng dầm khua nước. Ông mở cửa, chạy ra mé sông thì bắt gặp một ông cụ ngoài lục tuần, đang cặp xuồng vô. Ông cụ run lập cập ngỏ ý xin đậu nhờ. Không ngần ngại, ông Cả Phi mời ông cụ vào dãy trại cặp mé sông đốt lửa lên sưởi và kêu vợ sửa soạn cơm nước cho khách phương xa lỡ đường. Cơm nước xong, chủ khách ngồi nói chuyện phiếm. Trong câu chuyện, ông khách nói: “Tui đi lỡ đường, ghé ngang gặp ông bà tiếp đãi thiệt cảm động. Không biết lấy gì trả ơn. Tui có bài thuốc trị gãy xương để chỉ cho ông để giúp đời. Ông có chịu học không?”. Nghe khách nói, ông Cả Phi khẩn khoản: “Gì chứ học nghề để giúp người đời thì học chứ”. Vậy là ông khách buộc ông Cả Phi lập bàn thờ giữa sân và tuyên thề để nhập môn học nghề thuốc. Trong đó có lời thề: Chỉ chữa trị để cứu người, giúp đời chứ không được lấy tiền. Sau thủ tục đó, ông khách ngồi tận tình chỉ dạy ông Cả Phi các loại thuốc trị bệnh gãy xương, cách thức bó thuốc, liều lượng và cách điều chế... Đến gần hửng sáng thì ông khách giã biệt, chống xuồng ra đi... Đến sáng hôm sau, con trai út ông Cả Phi đi chăn trâu bất cẩn cưỡi trâu bị té gãy tay... Vợ ông Cả khóc nức nở, trách chồng: “Thầy rắn thì rắn cắn. Học chi nghề bó xương tay, xương chân để con bị té gãy tay”. Ông Cả Phi bình tĩnh nhớ lại bài thuốc đã học hồi khuya từ ông khách lạ rồi đi tìm đúng những cây thuốc đem về nắn và bó xương tay cho con. Đến xế trưa, đột nhiên ông khách hồi khuya quay xuồng ghé lại nhà. Khi ông Cả Phi còn chưa hết ngạc nhiên thì ông khách thủng thẳng vào nhà trong coi con trai ông Cả Phi bị té gãy tay rồi nói: “Tui quay lại coi ông thực hành bài thuốc tui chỉ có trúng hay không. Ông làm như vậy là được rồi. Tui có thể an tâm đi”. Từ đó về sau ông khách một đi không trở lại. Còn ông Cả Phi bắt đầu tin vào bài thuốc và từng bước chữa trị cho bà con trong vùng mỗi khi họ nhờ đến... Mỗi đời chỉ có một người theo đuổi nghề này. Từ ông Cả Phi truyền sang cho con là Nguyễn Quảng Linh (ông Cả Vân- ông nội của ông Chín Hừng) rồi đến cha ông Chín Hừng là ông Nguyễn Văn Trưởng. Suốt nhiều năm qua nghề gia truyền của gia đình ông Chín Hừng đều chung tâm nguyện là chữa trị miễn phí cho mọi người.

Sống trên đời cần một tấm lòng...

Hỏi ông về “bí quyết” của nghề, ông cười: “Nghề gia truyền mà chú. Nhưng thiệt tình với chú, thuốc bó chỉ là mấy loại cỏ có sẵn ở vùng quê mình thôi. Tui gọi mấy loại cỏ đó là “ngũ thảo”. Có loại tui trồng sẵn, có loại mọc khắp vườn nên cũng dễ kiếm”. Nhưng theo ông Chín Hừng, điều quan trọng là “Làm nghề này ngoài việc có thuốc hay, tài năng của thầy thuốc thì yếu tố then chốt không thể thiếu chính là cái tâm”. Vì thế, với ông Chín Hừng, chữa bệnh, giúp người là bổn phận nên ông không nề hà sớm khuya. Có bận, vợ chồng ông phải thức đến 4 giờ sáng mới bó thuốc xong cho gần chục người bệnh... Hơn 40 năm qua, ông không nhớ hết mình đã trị cho bao nhiêu người. Cứ khoảng 5-7 ngày, tiền mua băng vải mùng để bó thuốc cho người bệnh lên đến gần 200 ngàn đồng và đều xuất tiền túi của gia đình ông. Gia đình ông mọi thu nhập đều nhờ vào hơn 1 mẫu vườn trồng chôm chôm và nhãn xuồng cơm vàng. Mọi công việc vườn tược, chuyện gia đình đều một tay thím Tư lo toan để dành thời gian cho ông Chín Hừng lo trị bệnh giúp đời. Nhờ huê lợi từ vườn cây ăn trái mà ông bà nuôi nấng 5 người con (3 trai, 2 gái) nên người, dựng vợ gả chồng và nói như lời ông: “Vợ chồng tui vui nhất khi con cái đều có nghề nghiệp ổn định, chí thú làm ăn, hiếu thuận với cha mẹ”.

Không chỉ chữa bệnh miễn phí mà những công tác từ thiện xã hội ở địa phương ông Chín Hừng đều nhiệt tình tham gia. Những gia đình xảy ra tang ma đều do ông Chín Hừng đến tẩm liệm cho người thân. Có những cụ già còn “đặt hàng” trước với ông Chín Hừng và dặn lại con cháu “mai mốt tao theo ông bà, phải mời bằng được Chín Hừng đến tẩm liệm”. Đầu năm 2005, một cụ bà ở Phú Phụng mất, theo lời dặn của người đã khuất, con cháu chạy xe đến tận nhà ông Chín Hừng để mời ông đến tẩm liệm. Ngặt nỗi lúc này ông đang bị tăng huyết áp, bệnh tình chưa thuyên giảm. Thím Tư can ngăn nói thôi ông đi thì có chuyện gì ai lo được. Nhưng ông nhất quyết phải đến tận nơi nên kêu vợ gói bọc thuốc mang theo rồi vội theo xe đến tận nhà người đã khuất để lo chuyện tẩm liệm. “Chuyện gì tui đã hứa là phải làm - ông Chín Hừng bày tỏ.

Con lộ xi - măng từ quốc lộ 57 vào nhà ông Chín Hừng và các hộ dân nằm sâu phía trong cũng từ sức huy động và tiền của gia đình ông. Cách nay khoảng 1 năm, đó là con đường đất nhỏ xíu, lầy lội rất khó đi. Có những người bệnh bị gãy chân, được thân nhân chở đến bó thuốc xong, ra về gặp đường trơn té ngã gãy tay lại quay lại bó tiếp khiến ông Chín Hừng suy nghĩ. Vậy là ông đề xuất cùng chính quyền địa phương để làm con lộ xi-măng cho người dân đi lại đỡ cực và người bệnh cũng khỏi chịu cảnh té ngã phải đi lại bó thuốc hai ba lần. Vậy là Nhà nước cho 6 triệu đồng, nhân dân đóng góp 6 triệu đồng, phần còn lại ông Chín Hừng lo. Con lộ xi măng dài khoảng 800m, trị giá trên 80 triệu đồng hoàn thành tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Hiện nay, hằng tháng ông còn bỏ tiền túi 400 ngàn đồng để giúp 3 hộ nghèo ở địa phương.

Không chỉ là thầy thuốc giỏi, gia đình ông Chín Hừng nhiều năm liền đều được công nhận là nông dân sản xuất giỏi. Cuối tháng 9-2007, ông Chín Hừng được ra Hà Nội tham dự “Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất” và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. “Đây quả là vinh dự cho gia đình tôi vì mình nằm trong số hơn 900 đại biểu đại diện cho hơn 13 triệu gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc từ 64 tỉnh, thành phố trong cả nước - ông Chín Hừng vui mừng nói - Đây quả là chuyến đi để đời. Lần đầu tôi ra Hà Nội, được đi tham quan các nơi, đặc biệt là vào thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xúc động lắm chú ơi !”.

Tôi rời nhà ông Chín Hừng khi ánh nắng cuối ngày chỉ còn le lói vài tia sáng vàng vọt, yếu ớt. Ông không kịp tiễn tôi tới cổng bởi lại thêm một người bệnh vừa được người thân đưa đến vì gãy chân do té xe. Quay bước vào nhà xem xét ca bệnh mới đến, ông chỉ kịp nói với theo như thanh minh: “Cái nghiệp là vậy đó chú em”.

Chia sẻ bài viết