15/04/2021 - 10:21

Ông Biden gởi “tín hiệu” tới Trung Quốc 

Chuyến đi của các quan chức Mỹ tới Ðài Loan hôm 13-4 thể hiện “thông điệp cá nhân” của Tổng thống Joe Biden (ảnh) về cam kết đối với an ninh và nền dân chủ của vùng lãnh thổ này, Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Nhà Trắng cho biết.

Ảnh: Japan Times

Theo yêu cầu của Tổng thống Biden, cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd cùng hai cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg đã lên đường tới Ðài Loan giữa thời điểm hai bên kỷ niệm 42 năm Ðạo luật Quan hệ Ðài Loan. Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Biden từng tham gia biểu quyết đạo luật nói trên, vốn là cơ sở xác định quan hệ chặt chẽ nhưng không có ngoại giao chính thức giữa Washington và Ðài Bắc.

Thông tin từ Ðài Bắc cho hay, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn sẽ gặp gỡ phái đoàn Mỹ vào hôm nay 15-4. Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến Trung Quốc tức giận khi đẩy mạnh sự ủng hộ dành cho Ðài Bắc bằng các thỏa thuận mua bán vũ khí và nhiều lần cử quan chức cấp cao đến hòn đảo này. Vài ngày trước khi ông Trump rời Nhà Trắng hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó tuyên bố ông đang tháo gỡ toàn bộ giới hạn mà Mỹ “tự đặt ra” trong tương tác giữa quan chức nước này và Ðài Loan. Ðến hôm 9-4, Bộ Ngoại giao xác nhận họ đang cân nhắc ban hành hướng dẫn mới cho phép giới chức Mỹ gặp gỡ tự do hơn với các chính trị gia Ðài Loan - động thái cho thấy chính quyền Biden sẵn sàng chính thức hóa sự ủng hộ ngày càng tăng đối với vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tiết lộ về mức độ các cuộc tiếp xúc trong tương lai, quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden chưa có kế hoạch cụ thể nhưng bất kỳ sự kiện nào đều đảm bảo phù hợp cam kết của Mỹ, thắt chặt quan hệ với Ðài Loan trên tinh thần chia sẻ lợi ích và không chệch khỏi chính sách “Một Trung Quốc”.

Quan điểm của Trung Quốc lâu nay luôn coi Ðài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Bắc Kinh cũng xác định đây là vấn đề “quan trọng và nhạy cảm nhất” trong quan hệ với Mỹ. Về phần Washington, các đời tổng thống tuy công nhận chính sách “Một Trung Quốc” nhưng vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Ðài Bắc và cung cấp đầy đủ phương tiện cho hòn đảo này vì mục đích tự vệ. Trong cuộc gặp theo kế hoạch với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Biden dự kiến tiếp tục thảo luận vấn đề đảm bảo hiện trạng quanh eo biển Ðài Loan trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường các hoạt động quân sự quanh vùng lãnh thổ này.

Theo Cơ quan Phòng vệ Ðài Loan, Trung Quốc trong hành động gia tăng sức ép “lớn nhất từ ​​trước đến nay” đã điều tổng cộng 25 máy bay bao gồm cả tiêm kích và oanh tạc cơ vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của họ vào ngày 12-4. Xác định “hành vi gây hấn” của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lập tức cảnh báo về “sai lầm nghiêm trọng” nếu bất kỳ ai cố thay đổi hiện trạng ở Tây Thái Bình Dương bằng vũ lực. Phản bác quan điểm trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đề nghị Washington “đừng đùa với lửa” trong vấn đề Ðài Loan. Theo quan chức này, Mỹ nên dừng ngay bất kỳ hình thức tiếp xúc chính thức nào với Ðài Bắc; xử lý vấn đề một cách thận trọng và phù hợp; không gửi tín hiệu sai cho các lực lượng đòi độc lập ở Ðài Loan để tránh làm tổn hại quan hệ Trung - Mỹ cũng như nền hòa bình và ổn định trên eo biển Ðài Loan.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết