|
Tổng thống Obama đang tích cực vận động các nghị sĩ quốc hội thông qua kế hoạch cải cách y tế đầy tham vọng của ông. Ảnh: AP
|
Tổng thống Barack Obama đã quyết định hoãn chuyến thăm Indonesia và Australia dự kiến từ ngày 21-26/3 để tập trung cho kế hoạch cải cách y tế sắp được quốc hội Mỹ xem xét thông qua. Thông báo khá bất ngờ này được Thư ký báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs đưa ra hôm 18-3. Ông Gibbs nói chủ nhân Nhà Trắng “vô cùng lấy làm tiếc” vì lần thứ hai phải tuyên bố như vậy chỉ trong vòng một tuần và cho biết Tổng thống Obama sẽ thực hiện chuyến công du quan trọng này trong tháng 6-2010.
Ông Gibbs khẳng định Tổng thống Obama nhận thức được chuyến thăm khu vực châu Á-Thái Bình Dương là “rất quan trọng” và các đồng minh quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn đối với an ninh và sự phát triển kinh tế của Mỹ, song việc thông qua dự luật cải cách y tế là điểm nhấn lớn trong chương trình nghị sự đối nội của chính quyền Obama. Nhà Trắng coi dự luật cải cách y tế của Hạ viện là “nỗ lực quan trọng nhất nhằm giảm thâm hụt ngân sách” kể từ khi có Đạo luật Cân bằng Ngân sách từ những năm 1990.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 18-3, ông Obama kêu gọi “mọi thành viên Hạ viện nghiên cứu dự luật này để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu thông qua vào cuối tuần”. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) thông báo tới năm 2019, dự luật cải cách y tế sẽ “ngốn” khoảng 940 tỉ USD nhưng sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách 138 tỉ USD và giảm thêm khoảng 1.200 tỉ USD trong thập kỷ tiếp theo. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng không còn lý do để các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối dự luật vì “đó là mức chi phí thấp cho một dự luật có tầm quan trọng như vậy trong lịch sử”.
Đảng Dân chủ đang sử dụng điều khoản “quy tắc hòa giải” để thông qua dự luật cải cách y tế, theo đó dự luật chỉ cần đa số thường (51%) ủng hộ (thay vì đa số tối đa - 60%), tức là cần sự ủng hộ của 216/435 Hạ nghị sĩ và 51/100 Thượng nghị sĩ. Đảng Dân chủ cho biết đến ngày 18-3, họ còn thiếu 5 phiếu nữa mới đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật tại Hạ viện. Theo quy định, Hạ viện lại phải phê chuẩn dự luật do Thượng viện thông qua, sau đó lãnh đạo của Thượng viện và Hạ viện phải xây dựng một dự luật mới xóa bỏ những điều khoản khác nhau giữa hai dự luật của hai viện. Dự luật thống nhất của hai viện sẽ được gửi lên tổng thống để ký ban hành.
Theo kênh truyền hình Foxnews, một cuộc thăm dò dư luận của hãng này công bố ngày 18-3 cho thấy có tới 55% cử tri Mỹ phản đối dự luật cải cách y tế của chính phủ, trong khi chỉ có 35% số người ủng hộ. Dù cuộc thăm dò này thể hiện sự đối kháng của Foxnews trước ông Obama, nhưng phần nào gây áp lực lên các nhà lập pháp Mỹ. Vì thế, tiến trình thông qua dự luật cải cách y tế như mong muốn của ông Obama sẽ còn rất khó khăn, khiến ông phải hoãn chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2010 tại châu Á - Thái Bình Dương.
Dư luận cho rằng việc ông Obama hoãn chuyến công du Indonesia và Australia sẽ gây thiệt cho Mỹ trong ngắn hạn. Ông Obama, người tự nhận mình là “tổng thống châu Á đầu tiên của nước Mỹ” vì có tuổi thơ sống tại Indonesia, mong muốn sang thăm và ký kết thỏa thuận “đối tác toàn diện” với Indonesia. Với dân số 230 triệu người, Indonesia là nước đông dân hàng thứ 4 thế giới và có người Hồi giáo sinh sống lớn nhất hành tinh. Mỹ coi Indonesia là “quốc gia có nền dân chủ lớn thứ 3 thế giới”, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 18 tỉ USD năm 2009, trong đó Mỹ xuất khẩu 5,1 tỉ USD. Thương mại của Indonesia với Mỹ còn thua xa với các nước láng giềng như Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Sự lỗi hẹn của ông Obama tại quốc gia đồng minh Australia còn gây thiệt nhiều hơn cho Mỹ. Hiện nay, Canberra đang đàm phán ký kết thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với 3 đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều khả năng Australia sẽ tham gia Khu vực tự do thương mại Đông Á và điều này, theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington, sẽ làm các công ty Mỹ mất ít nhất 25 tỉ USD/năm thị trường xuất khẩu hoặc khoảng 200.000 việc làm có mức thu nhập cao.
Chính quyền Washington tuyên bố châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới và là nơi có thể giúp Mỹ sớm vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng vừa qua. Nhưng để làm được điều này trong bối cảnh thế giới không ngừng chuyển động, các chuyên gia cho rằng Mỹ phải nhanh chân cụ thể hóa chính sách châu Á của mình.
PHÚC NGUYÊN (Theo AFP, FOXNews và Reuters)