01/10/2023 - 19:49

Ô nhiễm không khí nguy hiểm đến mức nào? 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, ô nhiễm không khí giết chết 7 triệu người mỗi năm. Nghiêm trọng hơn, nó làm tăng tình trạng kháng kháng sinh và các cộng đồng vốn đã thiệt thòi là bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Bụi bao phủ một thành phố ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Kẻ giết người thầm lặng

Hồi tháng 8, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến 480.000 ca tử vong sớm trên toàn cầu vào năm 2018. Nếu không có sự can thiệp, con số này sẽ tăng lên gần gấp đôi vào năm 2050. Cùng tháng đó, Ðại học Harvard (Mỹ) chỉ ra mối liên hệ giữa các chất ô nhiễm trong khí thải với việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Hiện có tới 99% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn hơn mức khuyến nghị của WHO. Trong đó, các chất ô nhiễm chủ yếu rơi vào 2 loại: khí và hạt vật chất được tạo trực tiếp từ quá trình đốt cháy carbon hoặc qua cơ chế thứ cấp. Ví dụ như oxit nitơ, nhóm khí được sản sinh từ xe cộ lưu thông, sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và nhà máy hóa chất. Trong đó, NO₂ là chất gây ô nhiễm chính và được chứng minh làm trầm trọng thêm bệnh suyễn cũng như nhiều vấn đề khác về hô hấp. NO₂ cùng với các oxit nitơ khác còn tương tác tia cực tím và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi để tạo ra các chất ô nhiễm thứ cấp như ozone trên mặt đất, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.

Những oxit nitơ tương tự cũng góp phần hình thành các hạt trong không khí. Nguy hiểm nhất là bụi mịn nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) vì chúng vượt qua nhiều hệ thống phòng vệ của cơ thể. Nghiên cứu mới cho thấy chúng thậm chí xâm nhập vào nhau thai và não của thai nhi, làm tăng đáng kể nguy cơ sinh non. Phơi nhiễm bụi PM2.5 thời gian dài cũng liên quan khả năng phát triển các bệnh thoái hóa thần kinh như chứng mất trí nhớ, hội chứng liệt rung (Parkinson) và sa sút trí tuệ (Alzheimer).

Tác động không đồng đều

Theo Ðại học Washington (Mỹ), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 sau cao huyết áp, hút thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh. Giống như nhiều thách thức sức khỏe cộng đồng khác, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí phân chia không đều với nhóm dân cư dễ bị tổn thương có nhiều khả năng bị phơi nhiễm ngay từ đầu.

Theo WHO, ô nhiễm không khí trong nhà liên quan 3,2 triệu ca tử vong/năm, phần lớn xảy ra ở châu Phi cận Sahara, tiểu lục địa Ấn Ðộ, một số nước Ðông Nam Á và Nga khi nhiều hộ gia đình nơi đây vẫn sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm như dầu hỏa, gỗ hoặc than để sưởi ấm hoặc nấu ăn. Các ca tử vong chủ yếu do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ với nạn nhân thường là phụ nữ, trẻ em. Trong khi đó, ô nhiễm không khí ngoài trời hoặc xung quanh liên quan 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới. Hầu hết gánh nặng đó đổ lên vai những người dân có thu nhập thấp và trung bình.

Thành công và thách thức chống ô nhiễm

Kể từ khi được thông qua vào năm 1970, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ ước tính Ðạo luật Không khí Sạch đã cứu sống hàng trăm ngàn người. Trong khi đó, Công ước về ô nhiễm không khí xuyên biên giới (LRTAP) năm 1979 tạo ra khuôn khổ khu vực giải quyết ô nhiễm không khí trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ, Liên Xô cũ và các đồng minh trong Hiệp ước Warsaw. Nhờ vào đây, các nước liên quan chứng kiến sự suy giảm đáng kể về ô nhiễm không khí, đặc biệt là khí thải
lưu huỳnh.

Cùng với tiến bộ, thách thức lớn hiện nay là mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng. Lượng khí thải amoniac vẫn cao do hoạt động nông nghiệp. Nhiều hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trở nên phổ biến do sử dụng dung môi, sản xuất năng lượng và giao thông.

MAI QUYÊN (Theo Aljazeera)

Chia sẻ bài viết