21/03/2008 - 21:53

Phát triển kinh tế biên mậu

Nút thắt!

Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang).

Theo số liệu gần đây của Bộ Công Thương, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào nước bạn Campuchia tăng bình quân trên 30%/năm trong giai đoạn 2001- 2007, thì xuất khẩu theo tuyến biên giới của một số tỉnh lại không tăng như mong muốn- thậm chí giảm!

Tụt hậu!

Điển hình là tỉnh Long An. Theo ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh, hoạt động thương mại biên giới của Long An đã giảm mạnh trong năm 2007. Như kim ngạch xuất nhập khẩu theo hợp đồng thương mại trong năm qua ước chỉ đạt 1,5 triệu USD, tức chỉ bằng 13% so với năm 2006! Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tiểu ngạch ước cũng chỉ đạt 4,5 tỉ đồng, cũng chỉ bằng 41% so năm 2006.

Sẽ chẳng là điều đáng nói, nếu như trước đó Long An không đạt mức tăng trưởng trong hoạt động thương mại biên giới khá cao. Chỉ trong năm 2006, kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch của tỉnh này tăng đến 44,5%, còn tiểu ngạch không giảm bao nhiêu so với năm trước đó. Long An là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có năm huyện biên giới và 137,7 km đường biên, với hai cửa khẩu quốc gia và ba cửa khẩu phụ. Đây chính là điều kiện thuận lợi để cư dân hai nước Việt Nam - Campuchia qua lại, trao đổi hàng hóa.

Đúng là điều bất bình thường, bởi theo Bộ Công Thương, vào cùng thời điểm mà Long An “tụt dốc” thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước lại dự kiến đạt đến 1,2 tỉ USD, tăng 28,5% so năm 2006. Chỉ riêng lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam đạt mức tăng bình quân 30%/năm trong giai đoạn 2001- 2007 và Campuchia đã trở thành thị trường lớn thứ 16, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: sắt thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp, thực phẩm chế biến...

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, từ năm 1998 đến nay, hai nước đã ký nhiều thỏa thuận quan trọng tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho phát triển thương mại như các Hiệp định Thương mại, Vận chuyển hàng hóa quá cảnh, Thanh toán, Mua bán trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới. Như vậy, phải chăng chuyện ở Long An chỉ là “sự cố”?

Tương tự “số phận” Long An, còn có tỉnh Gia Lai với kim ngạch xuất khẩu biên giới giảm đến 1,359 triệu USD - tụt khoảng 46% so với năm 2006. Còn tỉnh Bình Phước, cả năm qua kim ngạch xuất khẩu qua tuyến này cũng chỉ tăng hơn... 1,4%!

Trong khi đó, xuất nhập khẩu qua tuyến biên giới lại được nhiều doanh nghiệp đánh giá là có tính chủ động, tiết kiệm chi phí... Lẽ ra với lợi thế ấy, cộng thêm đường biên giới chung 1.137 km với mười tỉnh (phía Việt Nam) tiếp giáp và chín cửa khẩu quốc tế, chín cửa khẩu quốc gia, 30 cửa khẩu phụ, mậu dịch biên giới không chỉ dừng lại mức tỷ trọng 77% trong kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước như hiện nay.

Do cơ chế?

Ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng, nguyên nhân chính khiến địa phương “tụt dốc” là ảnh hưởng từ một số quy định trong Quyết định 254/2006/QĐ- TTg, ban hành ngày 7- 11- 2006 của Chính phủ. Theo ông Xuân, rất nhiều địa phương cũng gặp khó khăn tương tự và đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa có sự điều chỉnh.

Theo Quyết định này, cửa khẩu phụ chỉ được mở cho người, phương tiện, hàng hóa của Việt Nam và nước có chung biên giới ở khu vực biên giới, vùng biên giới qua lại. Bộ Công Thương cũng thừa nhận, nếu vậy thì hàng xuất khẩu theo mọi phương thức của các tỉnh ngoài khu vực biên giới, ngoài vùng biên giới đều không thể làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu phụ, trong khi đây là địa điểm thuận lợi và giảm được chi phí.

Về chi phí vận chuyển, chỉ dẫn chứng như tại hai cửa khẩu quốc tế ở An Giang, nếu doanh nghiệp từ An Giang xuất hàng sang Phnom Penh theo cửa khẩu Khánh Bình đã “tiết kiệm” được đoạn đường hơn 40 km, gần 1/3 đoạn đường trên địa phận Campuchia, so với đi theo cửa khẩu Tịnh Biên.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, một số quy định như đòi hỏi phải có chứng từ xác nhận xuất xứ “form S” của Bộ Thương mại Campuchia hoặc chứng từ xác nhận hợp pháp đối với hàng hóa nhập khẩu bán ở các chợ biên giới... làm tăng chi phí đầu vào - thậm chí khó đáp ứng được, cũng làm hạn chế nguồn hàng nông sản chuyển về Việt Nam. Như lúa gạo nhập khẩu của cư dân biên giới được thương nhân thu gom đưa về Việt Nam để chế biến xuất khẩu, làm sao có đầy đủ chứng từ để xuất trình chứng minh về nguồn gốc hàng hóa theo yêu cầu? Do đó, lợi thế là 25 mặt hàng nông sản có xuất xứ Campuchia được hưởng ưu đãi thuế suất nhập khẩu Việt Nam là 0%, doanh nghiệp đôi lúc chẳng thể tận dụng được.

“Kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để có thể tập trung khai thác thị trường có chung đường biên giới hai nước đạt hiệu quả tốt hơn, trước hết là đối với Quyết định số 254”- ông Xuân góp ý. Và theo ông Võ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nên bổ sung thêm một khoản của Quyết định này, là cửa khẩu phụ do các tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp giáp với tỉnh biên giới của nước có chung đường biên giới thỏa thuận mở và được Bộ Công Thương cho phép, thì được tiến hành làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho tất cả doanh nghiệp của hai nước.

• Bài, ảnh: HỒ HÙNG

 

Chia sẻ bài viết