07/05/2021 - 10:03

Nước mắt và chất bài tiết giúp chẩn đoán nhiều bệnh 

Giới khoa học cho biết nước mắt chứa đựng những chỉ dấu sinh học có thể giúp nhận biết sớm bệnh tự miễn, ung thư, tiểu đường và cả nguy cơ khởi phát Alzheimer. Tương tự, các chất bài tiết khác của cơ thể cũng hữu ích ở phương diện chẩn đoán bệnh. 

Theo các nhà nghiên cứu, nước mắt không chỉ là nước muối đơn thuần mà còn chứa những dấu vết quý giá về các hóa chất đang lưu thông trong cơ thể dùng để nhận diện một số bệnh. Bằng chứng là các kỹ sư tại Đại học Kobe (Nhật Bản) đang phát triển một thiết bị dùng nước mắt để phát hiện nhanh bệnh ung thư vú. Khi cần tầm soát, người dùng chỉ việc đặt dải giấy đã thấm nước mắt vào trong máy quét để kiểm tra xem nó có chứa các túi ngoại bào exosome hay không. Do exosome là “người truyền tin” giữa các tế bào và mang vật liệu di truyền như gien và prôtêin, nên nếu đến từ một tế bào ung thư, chúng sẽ mang gien và prôtêin đột biến, giúp ích cho việc tầm soát ung thư vú.

Năm ngoái, nhóm nghiên cứu này từng công bố họ đã phát triển một công nghệ dựa trên chip máy tính giúp truy tìm chỉ dấu sinh học exosome của ung thư vú trong nước mắt. “Sử dụng nước mắt có thể giúp giảm đáng kể chi phí xét nghiệm và cho phép phát hiện khối u ác tính nhanh hơn nhiều so với phương pháp nhũ ảnh hiện thời” - Giáo sư Toshifumi Takeuchi, trưởng nhóm, cho biết. Dự kiến, thiết bị sẽ được trình làng vào năm tới.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia do Tiến sĩ Masakazu Aihara dẫn đầu tại Đại học Tokyo cũng đang giúp người bị tiểu đường theo dõi đường huyết bằng nước mắt, thay vì chịu đau khi dùng cách trích máu ngón tay. Kết quả thử nghiệm trên 100 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cho thấy nồng độ glycoalbumin trong nước mắt tương tự nồng độ glycoalbumin trong máu. Kỹ thuật xét nghiệm này đang được hoàn thiện để tiến tới thương mại hóa.

Hồi tháng 2, nước mắt còn được phát hiện có thể dùng tầm soát Hội chứng Sjogren. Đây là bệnh lý khiến hệ miễn dịch tấn công nhầm các tuyến sản xuất chất dịch như tuyến lệ, tuyến nước bọt, cũng như ảnh hưởng đến các tuyến tiết chất nhờn trong phổi, gây viêm thận và hệ thần kinh. Mới đây, các chuyên gia tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) chứng thực rằng hàm lượng ATG5 trong nước mắt có thể giúp chẩn đoán Hội chứng Sjogren với độ chính xác cao hơn so với các xét nghiệm tiêu chuẩn như xét nghiệm máu và sinh thiết da. Kết quả thử nghiệm phương pháp xét nghiệm “nước mắt” trên 86 bệnh nhân Sjogren có biểu hiện khô mắt cho thấy tỷ lệ chẩn đoán chính xác lên đến 98,4%, cao hơn đáng kể so với các phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn - chỉ từ 50,8-81,7%.

Không dừng lại tại đó, các nhà khoa học thế giới cũng đang thử nghiệm dùng nước mắt tầm soát cả bệnh Alzheimer. Điều này bắt nguồn từ nghiên cứu của Đại học Debrecen (Hungary), công bố năm 2016 trên tạp chí PLOS One, trong đó khẳng định những người đang khởi phát Alzheimer có những thay đổi prôtêin trong nước mắt.

Chẩn đoán bệnh từ ráy tai, mồ hôi và dịch mũi

Ngoài nước mắt, các chuyên gia cho biết nhiều chất bài tiết khác của cơ thể cũng đang được sử dụng cho các xét nghiệm không đau và không xâm lấn. Đơn cử, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn (Anh) đã phát triển một thiết bị giúp xét nghiệm nồng độ hoóc-môn căng thẳng cortisol từ ráy tai. Cuộc thử nghiệm công cụ có công dụng như tăm bông ráy tai này trên 37 tình nguyện viên cho thấy mẫu ráy tai thu được nhiều lượng cortisol hơn các mẫu tóc và phương pháp này cũng có chi phí thấp hơn. Hiện nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm dùng thiết bị để xét nghiệm nồng độ glucose ở bệnh nhân tiểu đường và cả kháng thể COVID-19 được bài tiết trong ráy tai.

Trong khi đó, một nhóm chuyên gia Mỹ và Trung Quốc phát triển thành công một thiết bị đeo mới giúp tầm soát bệnh gút, nhờ trang bị một cảm biến hóa học có khả năng đo lượng axít uric có trong mồ hôi. Trong thử nghiệm, các bệnh nhân gút được cho đeo thiết bị suốt ngày đêm. Nhờ đó, họ có thể kịp thời dùng thuốc chống viêm ngay khi thiết bị phát hiện nồng độ axít uric tăng cao đến mức nguy hiểm. Nhóm sáng chế đang tiếp tục cải tiến cảm biến để thiết bị đeo có thêm khả năng giám sát liên tục các dấu hiệu của bệnh tim mạch, tiểu đường và bệnh thận.

Được biết, dịch mũi cũng đang trong tầm ngắm của các nhà nghiên cứu với mục tiêu chẩn đoán bệnh tật. Tiến sĩ người Mỹ Robert Henkin từng công bố một báo cáo cho thấy dịch mũi có chứa endoglin - một prôtêin trong máu thường được dùng để nhận biết sớm nguy cơ tiền sản giật ở thai phụ và prôtêin D-dimer - dấu hiệu cảnh báo sớm cục máu đông ở người mắc bệnh tim.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết