“Chuyện dây cà kéo ra dây bí” gồm 41 truyện trào phúng và bài phiếm luận nhẹ nhàng của nhà văn Vũ Đức Sao Biển với bút danh Đồ Bì đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười. Đó là những mẩu truyện hài hước, châm biếm gắn với thời sự. Tuyển tập do NXB Trẻ phát hành quí II/2010.
Nhất quán trong những câu chuyện ấy, Đồ Bì đem đến cho độc giả những tiếng cười nhẹ nhàng từ chuyện tảo hôn ở nông thôn, chuyện các bà vợ xếp hàng mua thần dược Viagra cho chồng đến những người bị lừa vì hám giàu, hám danh... Độc giả vừa cười vừa suy ngẫm, vừa buồn khi đọc “Chuyện dây cà kéo ra dây bí”: Một người chồng là giáo viên vì chán cảnh sống nghèo khổ nên muốn chết cho rồi. Ai dè khi anh ta tìm hiểu chế độ tử tuất dành cho cán bộ, công nhân viên Nhà nước thì anh sợ đến tháo mồ hôi hột và bỏ ngay ý định tự tử. Bởi vì khi anh chết, vợ anh sẽ được lĩnh 1.700 đồng tiền hỗ trợ tang lễ, nhưng để nhận được số tiền này, vợ anh phải xin được 16 loại giấy tờ với 64 con dấu, chữ ký và tốn khoảng 6.000 đồng!
“Hãy chăm sóc bộ thận”, “Cẩm nang cho đàn ông ham vui”, “Vạn tuế đàn ông”, “Chưa bao giờ phụ nữ mạnh như thế”... là những truyện khiến độc giả cười sảng khoái, tinh thần thoải mái bởi cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề vừa bất ngờ, vừa thú vị, văn phong rất dí dỏm.
Tác giả còn giới thiệu với bạn đọc những món ngon, vật lạ, bài thuốc hay và những vùng du lịch nổi tiếng của các tỉnh, thành trong cả nước, chứng tỏ tác giả đi nhiều, tìm hiểu và ghi nhận cuộc sống một cách tinh tế điển hình. Có thể thấy hầu hết những truyện này được tác giả viết với một phong cách không giống ai: “ba phần nói thiệt, bảy phần nói dóc” nhưng lại chân tình, chỉ ra cả cái hay và cái dở... nên rất ấn tượng.
Trọng tâm của tập truyện là những vấn đề mang tính thời sự, gai góc mà dư luận xã hội quan tâm như: thiếu nước, thiếu điện, nạn lô- cốt trên đường, nạn tham nhũng, những cuộc thi hoa hậu tai tiếng... Tác giả không chỉ phê phán mà còn góp ý khéo léo. Như trong “Dùi trật”, tác giả chỉ ra những sai lầm, thiếu sót của các cơ quan chức năng khi tham mưu với cấp trên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, rồi mượn lời người xưa mà khuyên nhủ: “Biết cái chi thì làm cái nớ, không biết thì làm cái không biết, rứa là biết vậy (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã)” (trang 194). Hay với “Nên khoan, đừng dùi”, tác giả hoan nghênh những việc làm hỗ trợ nhân dân, quyết định miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm, những chính sách kích cầu hợp lý của Chính phủ trong giai đoạn kinh tế khó khăn... Nhưng bên cạnh đó, phê phán những địa phương đặt ra những qui định hà khắc “dùi” vào sức dân, khiến dân than trời như bộng.
Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, lấy chuyện này để ám chỉ chuyện khác, truyện “Một đoạn bỏ sót trong Tây Du” là một điển hình của tiếng cười thâm thúy: Theo yêu cầu của Phật Như Lai, Tam Tạng họp các đệ tử lại để họp kiểm điểm, phê bình. Sa Tăng, Bát Giới đều khen sư phụ không có khuyết điểm nên rất được lòng thầy, riêng Tôn Hành Giả dám nói thẳng, nói thật về những sai lầm, thiếu sót của sư phụ khiến Tam Tạng sợ hãi, giận run vì “Các lời phê này mà lọt vào tai chư Phật thì chắc chắn thầy mất tiêu cái ghế Đường Tăng... Thầy nói: Sa Tăng, Bát Giới nghe đây, luận điệu của Tôn Hành Giả không phải là phê bình, góp ý mà là âm mưu xuyên tạc của yêu quái. Ta rất quí lời phê bình thẳng thắn nhưng cũng sẵn sàng nghiêm trị những tên có ác ý phá hoại uy tín thủ trưởng. Nói xong nhà sư liền niệm chú cẩn cô. Tôn Hành Giả vứt thiết bổng, đau đớn nhào lăn dưới đất trước bộ mặt xanh dờn của Bát Giới và Sa Tăng” (trang 68).
“Chuyện dây cà kéo ra dây bí” là một tuyển tập hay và ý nghĩa không chỉ cười để thư giãn mà người đọc cũng cảm nhận vị đắng của xã hội còn nhiều bất cập.
CÁT ĐẰNG