15/06/2012 - 14:00

Nông trại sinh thái không tạo ra rác thải

Một nhà máy cũ chuyên đóng gói thịt ở thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ) vừa được cải tạo thành một nông trại sinh thái. Nông trại chốn thành thị này được kỳ vọng sẽ sản xuất thực phẩm một cách bền vững, đặc biệt là quy trình hoạt động của nó không tạo ra rác thải.

Trong bối cảnh dân số thế giới sắp vượt ngưỡng 7 tỉ người và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, khiến không gian trồng trọt ngày càng bị thu hẹp, mô hình “nông trại thẳng đứng” được cho sẽ giải quyết đáng kể vấn đề này, nhất là ở các khu vực thành thị. Dự án “nông trại thẳng đứng” mới nhất mang tên “The Plant” do doanh nhân John Edel sáng lập với hy vọng sẽ chứng minh cho mọi người thấy sản xuất thực phẩm ở đô thị không quá khó khăn.

Chu trình sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản khép kín là một yếu tố giúp “The Plant” không tạo ra rác thải. Ảnh: CNN 

Theo các nhà khoa học, “nông trại thẳng đứng” (vertical farm) là một khái niệm chỉ việc làm nông nghiệp ở các vùng đô thị, nơi mà nông sản được trồng và thu hoạch ngay bên trong hoặc trên nóc các tòa nhà. Để cách trồng trọt mới mẻ này đạt hiệu quả, người ta sử dụng nhiều kỹ thuật, như hydroponics (thủy canh) - tức trồng cây trong nước - và aquaponics - trồng cây kết hợp với nuôi cá mà không cần đất và phân bón.

Thực ra, doanh nhân Edel cùng các cộng sự đã bắt tay vào cải tạo nhà máy đóng gói thịt thành nông trại sinh thái từ năm 2010 nhưng thời gian gần đây ông mới mở cửa cho mọi người tham quan, đồng thời tìm đối tác kinh doanh. Dù vẫn còn trong giai đoạn hoàn thiện nhưng “The Plant” hiện đã có 5 chủ cơ sở thuê để sản xuất, gồm các nông trại kết hợp trồng cây và nuôi cá, một nông trại thủy canh, khu gầy giống cá tilapia (một loại các rô phi lớn), vườn trồng nấm rơm, khu ủ trà kombucha (một loại trà được cho có nhiều lợi ích cho sức khỏe)... Các sản phẩm của họ được bán cho các nhà hàng, quán ăn và chợ tại địa phương.

Theo ông Edel, phương châm hoạt động của dự án là sử dụng càng ít nguồn tài nguyên càng tốt và mục tiêu tiếp theo là hoàn toàn không thải ra rác trong quá trình sản xuất thực phẩm. Edel tiết lộ để đạt được điều đó, dự án của ông sẽ dùng vi khuẩn để phân hủy rác hữu cơ thành biogas - một hỗn hợp của mêtan (CH4) và carbonic (CO2) - cùng một nguyên liệu có thể dùng làm phân bón. Sau đó, khí mêtan tiếp tục được chuyển hóa thành năng lượng, giúp các nông trại “tự cung tự cấp” về điện, giúp tăng hiệu quả sản xuất cho cả hệ thống đồng thời giải quyết được nguồn rác thải.

Tái chế cũng là một khâu quan trọng trong dự án “The Plant”. Các chủ cơ sở sản xuất sẽ phối hợp chặt chẽ để tận dụng tối đa rác thải của nhau phục vụ sản xuất. Chẳng hạn, cá tilapia thải ra phân có chứa chất ammoniac. Phân cá sẽ được đưa đến hệ thống lọc để chiết xuất ra chất nitrate, trước khi đưa đến các nông trại thủy canh để bón phân cho cây và làm sạch nước. Nguồn nước này kế đến sẽ được dẫn ngược trở lại hồ cá. Edel thổ lộ chìa khóa thành công của “The Plant” là nó được vận hành theo chu trình khép kín, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và tiền bạc. Nhờ đó, dự án được đánh giá là có tính bền vững cao.

Được Sở Thương mại và Cơ hội Kinh tế bang Illinois tài trợ 1,5 triệu USD nên “The Plant” đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, nghĩa là vừa phục vụ cộng đồng vừa tạo ra lợi nhuận. Dù đến năm 2014 dự án mới hoàn thành nhưng chủ dự án đã mở rộng cửa để đón khách đến tham quan, học hỏi, nghiên cứu... “Cha đẻ” của “The Plant” hy vọng “nông trại thẳng đứng” của ông sẽ tạo ra khoảng 125 việc làm cho người dân địa phương và sự thành công của dự án sẽ giúp nhân rộng mô hình nông trại trong thành phố.

HÀ LAN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết