14/01/2015 - 10:10

Nông thôn mới đã trở nên gần gũi!

 

Nông thôn mới đã trở nên gần gũi! Đó là nhận định của ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) TP Cần Thơ. Sau gần 4 năm triển khai Chương trình này, TP Cần Thơ có 5 xã thuộc 4 huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh được UBND TP Cần Thơ ra Quyết định công nhận xã nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn tại 31 xã còn lại ngày càng khang trang hơn, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Về thành quả này, ông Phạm Văn Quỳnh cho biết:

- Chỉ tính riêng năm 2014, 36 xã XDNTM trên địa bàn thành phố hoàn thành thêm được 89 tiêu chí, tăng trung bình 2,47 tiêu chí/xã. Kết quả này, nâng số tiêu chí trung bình mỗi xã của thành phố đạt 15,06 tiêu chí. Hiện TP Cần Thơ có 5 xã đạt 20/20 tiêu chí; 14 xã đạt từ 15 – 19 tiêu chí, 17 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí và không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới. Không chỉ hạ tầng nông thôn có bước phát triển rõ rệt mà đời sống người dân nông thôn cũng được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 1,913 triệu đồng/người/tháng (năm 2013) lên 2,093 triệu đồng/người/tháng (năm 2014), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,71% (năm 2013) xuống còn 4,48% (năm 2014)...

Sau gần 4 năm XDNTM, hiện TP Cần Thơ có 5 xã được UBND TP Cần Thơ ra Quyết định công nhận xã nông thôn mới, gồm: Trung An (huyện Cờ Đỏ); Mỹ Khánh và Giai Xuân (huyện Phong Điền); Trường Xuân (huyện Thới Lai) và Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh). Đáng ghi nhận, mặc dù nguồn vốn đầu tư thực hiện XDNTM năm 2014 giảm so với năm 2013 nhưng nguồn vốn do nhân dân đóng góp lại tăng hơn 21,7%. Điều này cho thấy nhận thức của người dân về XDNTM có sự chuyển biến mạnh mẽ, nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng" đã trở nên gần gũi, dần được người dân hiểu và hưởng ứng.

* 5 xã được công nhận là xã nông thôn mới rải đều tại 4 huyện của TP Cần Thơ. Các xã này đã và đang phát huy vai trò "mô hình điểm" như thế nào, thưa ông?

- Có thể thấy, sau khi 2 xã điểm trong XDNTM của thành phố là: Trung An (huyện Cờ Đỏ) và Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) được công nhận xã nông thôn mới đã tạo động lực, thúc đẩy thêm 3 xã "về đích" là: Giai Xuân (huyện Phong Điền), Trường Xuân (huyện Thới Lai) và Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh). Niềm vui này còn là chất "xúc tác" tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở các xã còn lại. Mặc dù đã đạt được 20/20 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới nhưng các xã này vẫn tiếp tục lên kế hoạch để nâng chất từng tiêu chí, nhất là các tiêu chí khó. Ban Chỉ đạo các xã đặc biệt quan tâm nhân rộng những mô hình hay, những điển hình tiên tiến cũng như tạo mọi điều kiện để các xã khác đến tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Quân và dân cùng nhau làm đường giao thông nông thôn 4m theo chuẩn nông thôn mới trong dịp Tết Quân dân 2014 tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Bài học rút ra từ công tác XDNTM tại TP Cần Thơ nói chung và tại các xã này nói riêng là khâu tuyên truyền đóng vai trò quyết định cho sự thành công trong XDNTM. Nhờ làm tốt khâu này mà nhận thức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. Đại bộ phận cư dân nông thôn – chủ thể của tiến trình XDNTM góp phần rất lớn để tạo nên thành quả hôm nay. Tại hầu khắp các xã, người dân hiến đất, hoa màu, ngày công lao động và tiền mặt để xây cầu, làm đường giao thông; đắp đập, kè mé, gia cố đê bao... ngày càng nhiều. Phong trào thi đua tăng gia sản xuất, giúp nhau thoát nghèo thể hiện qua việc mở rộng diện tích sản xuất của hợp tác xã; tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao... Để tạo nên diện mạo nông thôn mới, người dân còn năng nổ trong cải tạo cảnh quan môi trường, trồng cột cờ và hàng rào, cây xanh; thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, phân loại rác sinh hoạt để có phương pháp xử lý hợp lý ...

* Xin ông cho biết, đâu là những khó khăn mà các xã XDNTM trên địa bàn thành phố phải tập trung giải quyết trong thời gian tới?

- Cái khó nhất vẫn là vốn đầu tư. Vốn từ ngân sách hiện nay hạn hẹp trong khi huy động từ nhân dân không đơn giản. Bởi nói gì thì nói, dù có phát triển nhưng phần lớn các xã XDNTM có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Xác định doanh nghiệp giữ vai trò "đòn bẩy" trong XDNTM, thời gian qua, thành phố chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực sự thiết tha với bà con không nhiều. Nguyên nhân chính do những chính sách chưa thực sự thu hút; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nên chưa tạo sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhận thức của một số ngành, địa phương về XDNTM chưa sâu sắc, chưa lồng ghép nhuần nhuyễn các chương trình, dự án hiện có để tăng năng lực cho các xã. Điều này dẫn đến việc XDNTM tại các xã thiếu đồng bộ, một số tiêu chí tuy đạt nhưng tỷ lệ thấp và thiếu tính bền vững. Đơn cử là các công trình phục vụ ngành giáo dục, y tế tuy được củng cố và tăng cường nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho hai ngành này chưa đáp ứng được yêu cầu...

* Thời gian tới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia XDNTM ở TP Cần Thơ tập trung vào công tác trọng tâm trong nào, thưa ông?

- Năm 2015, TP Cần Thơ phấn đấu 10/36 xã (25%) đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Các xã còn lại nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đáp ứng yêu cầu XDNTM; văn hóa, môi trường nông thôn cải thiện một bước đáng kể; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, an ninh trật tự được đảm bảo. Ngoài ra, xã thấp nhất cũng phải đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Mục tiêu đến năm 2020, có 26/36 xã (72,22%) đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo thành phố xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cần phải tập trung, đột phá theo chiều sâu. Bởi đây là giải pháp tối ưu nhất để nâng cao nhận thức của toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân về mục tiêu, giải pháp, phương châm XDNTM...

Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo các xã cần ưu tiên triển khai lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án tại địa phương (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...) cùng với nguồn vốn từ Chương trình XDNTM để phát huy hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, các xã tiếp tục phát huy nội lực, nhất là sự đóng góp của cộng đồng dân cư để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Theo đó, các xã phải đảm bảo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đồng thời, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho người dân và các tổ chức kinh tế được vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập từ đó có điều kiện đóng góp nhiều hơn...

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết