Trong khi giá nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay, thì một số loại trái cây, rau củ dân dã đã tìm được đường vào thị trường thế giới với giá cả ổn định.
 |
Đóng gói bưởi Năm Roi xuất khẩu. Ảnh: vinhlong.gov.vn |
Từ giữa tháng 5 đến nay, Việt Nam đã xuất gần 30 tấn thanh long sang Mỹ. Hiện thanh long đang là loại trái cây có kim ngạch xuất cao nhất so với nhiều loại trái cây khác của Việt Nam được phân phối tại các khu chợ Việt tại Mỹ và bắt đầu xâm nhập vào hệ thống các siêu thị ở nước này. Theo Bộ Công thương, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã phê chuẩn việc nhập khẩu thương mại thanh long tươi từ Việt Nam với điều kiện phải đáp ứng các quy định.
Hàng trăm tấn bưởi da xanh, bưởi Năm Roi cũng được xuất sang Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc... Một chủ vựa thu mua bưởi da xanh ở Bến Tre đã ký hợp đồng xuất sang thị trường EU 200 tấn bưởi da xanh trong năm 2009, và đã xuất 80 tấn. Giá thu mua bưởi da xanh xuất khẩu (loại 1,5 kg/trái) hiện ở mức 24.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp ở Bến Tre, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa sang thị trường Trung Quốc cũng ước đạt gần 8,7 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay. Một doanh nghiệp khác ở Tiền Giang cũng đã tìm được đường vào thị trường Mỹ cho các sản phẩm rau quả tươi như: sả, bạc hà, đu đủ...
Trong khi đó, những tháng đầu năm nay, khoai lang và khoai mì có giá tương đối ổn định và sản xuất không đủ để xuất khẩu. Trung Quốc đã trở thành “cường quốc khoai”, nắm giữ 80% sản lượng khoai giao dịch toàn cầu, nhưng vẫn tìm mua khoai lang tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kim ngạch xuất khẩu khoai mì sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm tăng hơn 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc ngày càng có thêm nhiều loại nông sản Việt Nam mở được “cửa” vào thị trường thế giới là tín hiệu đáng mừng cho người nông dân. Những dự báo về tương lai thị trường nông sản thế giới cũng rất lạc quan, trong đó Trung Quốc được đánh giá là thị trường cho nông sản Việt Nam. Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc thời gian tới có thể lên đến 1.300 tỉ USD và buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Còn theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng nhu cầu nhập khẩu trái cây của thế giới sẽ tăng lên khoảng 3,6 triệu tấn vào năm 2014 và triển vọng tiêu thụ trái cây nhiệt đới cho thập niên tới sẽ tăng 24%. Mỹ được dự báo là nước có nhu cầu nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là EU, 2 thị trường này chiếm 70% nhu cầu nhập khẩu của thế giới, kế đến là Nhật Bản.
Hiện các loại nông sản và trái cây Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với nhiều loại đặc sản độc quyền như vú sữa, sơ ri... Việt Nam còn có nhiều cơ hội tăng cường xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đã đưa ra mục tiêu xuất khẩu riêng cho trái cây là đạt 760 triệu USD trong năm 2010 và 1,2 tỉ USD vào năm 2020.
Vấn đề là, cho đến nay đa phần các loại nông sản còn xuất khẩu ở dạng thô, đi theo đường tiểu ngạch. Đặc biệt, lượng trái cây xuất khẩu hiện vẫn còn rất hạn chế, năm 2008 mới chỉ đạt khoảng 350 triệu USD và dự kiến năm nay cũng chỉ đạt 400 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn than phiền tình trạng làm ăn kiểu “chụp giật” của một số doanh nghiệp khiến cho nông sản bị rớt giá, ảnh hưởng đến việc thu mua từ nông dân. Cánh cửa đã mở, tuy nhiên việc “chắp cánh” cho nông sản vẫn đang cần một chiến lược căn cơ với nỗ lực của nhiều ngành, nhiều phía để đạt hiệu quả đang được đặt ra.
N.MINH