17/08/2014 - 19:38

Nước lũ về sớm

Nông dân trồng lúa thấp thỏm lo!

Năm nay, nước lũ về sớm hơn mọi năm khoảng 1 tháng đã tràn vào nhiều cánh đồng. Nguy cơ lũ gây hại cho các trà lúa thu đông là rất lớn khi việc gieo sạ lúa thu đông 2014 của nhiều nông dân tại TP Cần Thơ lại trễ khoảng 1 tháng so với cùng kỳ năm trước bởi ảnh hưởng dây chuyền từ việc xuống giống trễ vụ đông xuân 2013-2014 do nước lũ rút chậm hồi đầu vụ.

* Nông dân nỗ lực cứu lúa

Sáng ngày 13-8, bất chấp cái lạnh vào buổi sáng sớm, ông Nguyễn Ngọc Lành ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ vẫn phải trầm mình xuống dòng nước sâu để móc sình be lại bờ bao quanh ruộng lúa, với hy vọng ngăn cho nước lũ không tiếp tục tràn vào ruộng. Ông Lành cho biết: “Không ngờ năm nay nước lũ về sớm và lên rất nhanh. Ruộng lúa của tôi sạ được gần 2,5 tháng, mới trổ lác đác mà đã bị ngập sâu trong nước, không biết lúa có tiếp tục trổ bông nổi không, nếu có chắc tỷ lệ lem lép hạt cũng nhiều. Tôi đang cố gắng gia cố lại bờ bao, nếu cứu được lúa thì đỡ, còn lúa hư cũng đành bỏ chứ biết sao”.

Đây không phải trường hợp cá biệt, bởi đợt nước lũ lên nhanh vừa qua có khá nhiều ruộng lúa bị ngập nước. Phần lớn các ruộng lúa này đều có đê bao, bờ bao nhưng do các hệ thống đê bao, bờ bao này chưa vững chắc hoặc bị thời gian làm bào mòn, lún thấp nên không thể ngăn được lũ lớn. Nhiều ruộng lúa đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ bông đã bất ngờ bị nước ngập sâu, đe dọa làm thiệt hại về năng suất, chất lượng sản phẩm. Anh Bùi Thanh Tâm ở ấp Trường Đông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, có 4 ha lúa thu đông đã gieo sạ được 55 ngày tuổi, lúa đang trong giai đoạn làm đòng nhưng đã bị ngập sâu trong nước. Anh Tâm cho biết: “Cánh đồng này đã có đê bao khá vững chắc ở phía mặt tiền (phía người dân xây dựng nhà ở), nhưng đê hậu phía sau cánh đồng còn tạm bợ nên bị nước lũ tràn qua. Để cứu lúa, tôi và các anh em tức tốc gia cố lại bờ bao và hùn nhau mua các loại vật tư để làm đập “dã chiến” ngăn nước lũ tràn vào ruộng từ con kênh hậu ở sau cánh đồng”. Anh Lê Văn Phèn có 4 công lúa, cũng rất lo lắng cho biết, các năm trước, thu hoạch lúa thu đông xong nước lũ mới tràn về, nhưng hiện nay lúa mới làm đòng mà ngập nước thế này rất lo. Hy vọng sau khi đắp đập tạm sẽ ngăn được nước lũ, đảm bảo an toàn cho lúa trong vụ này. Tuy nhiên, về lâu dài rất mong Nhà nước hỗ trợ xây dựng con đê vững chắc để giúp bà con ở đây an tâm sản xuất bởi khu vực cánh đồng này hằng năm có hàng trăm héc-ta sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông).

     Nông dân tại một cánh đồng ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai đang đắp đập để ngăn nước lũ tràn vào ruộng lúa. 

Để chủ động bảo vệ sản xuất lúa thu đông 2014, ngay từ đầu vụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đã yêu cầu các địa phương củng cố, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp về phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, phân công từng cán bộ chịu trách nhiệm địa bàn cụ thể để tăng cường công tác chỉ đạo một cách thường xuyên. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chỉ sản xuất lúa thu đông trong các vùng có đê bao đảm bảo an toàn và sớm rà soát lại hệ thống thủy lợi nội đồng, nhanh chóng tu sửa những nơi xuống cấp nhằm đảm bảo chủ động nước tưới tiêu phục vụ sản xuất và quản lý dịch bệnh. Ngành nông nghiệp thành phố cũng dự báo mực nước trên các sông rạch tại khu vực thành phố Cần Thơ bắt đầu lên cao dần từ tháng 7; sang các tháng 9,10,11 triều cường lên cao do ảnh hưởng của lũ đầu nguồn đổ về kết hợp với thủy triều biển Đông và lượng mưa trên khu vực. Mực nước cao nhất năm 2014 có khả năng vượt báo động 3 từ 0,1-0,2m. Trên sông Hậu tại Cần Thơ đỉnh triều cao nhất vào tháng 10 và tháng 11. Tuy nhiên, do lũ năm 2013 về trễ và lên chậm nên năm nay có không ít nông dân còn tâm lý chủ quan trong phát triển sản xuất lúa thu đông.

Thời gian qua, do lúa có giá nên nông dân tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã tích cực phát triển sản xuất lúa thu đông 2014. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn nghĩ rằng, lúa mình gieo sạ thu hoạch xong lúa vụ 3 nước lũ mới tràn về nên chưa quan tâm đúng mức việc gia cố lại đê bao và sẵn sàng các phương tiện để tiêu thoát nước từ sớm. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đến thời điểm gần giữa tháng 8-2014, nông dân trên địa bàn thành phố đã xuống giống hơn 61.800 ha lúa thu đông 2014, vượt 11.800 ha so với kế hoạch. Những ngày qua, dù nước lũ lên cao, nhưng nông dân tại một số xã có lúa hè thu thu hoạch trễ tại huyện Vĩnh Thạnh như: các xã Thạnh Thắng, Thạnh An…vẫn quyết tâm gieo sạ lúa vụ 3.

* Chí phí sản xuất lúa thu đông sẽ tăng cao?

Hiện nay, nông dân sản xuất lúa thu đông tại TP Cần Thơ không chỉ thường trực nỗi lo nước lũ gây thiệt hại cho các ruộng lúa mà còn lo chi phí sản xuất lúa thu đông sẽ tăng cao. Giá lúa đầu ra đến lúc thu hoạch lại chưa biết thế nào? Bà Nguyễn Thị Phượng ngụ ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Khu vực cánh đồng tôi sạ lúa có đê bao khá vững chắc. Nước lũ dâng cao trong những ngày qua chưa thể vượt qua đê tràn vào ruộng gây ảnh hưởng lúa, nhưng vụ lúa này có thể chi phí sản xuất sẽ tăng cao do phải tốn thêm công chăm sóc, bơm thoát nước cho lúa và sợ không thể thu hoạch được lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ruộng lúa của tôi mới 40 ngày tuổi, dự kiến gần 2 tháng nữa mới thu hoạch”. Gần đây, nước lũ dâng cao, nông dân trồng lúa phải tích cực gia cố lại đê bao và liên hệ với các dịch vụ bơm tát để sẵn sàng bơm nước cứu lúa. Bà Mai Ngọc Bảy ngụ ấp Thới Phước B, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, có 6 công lúa sản xuất vụ thu đông 2014, cho rằng: “Gần đây giá lúa giảm trở lại, không biết tới đây thu hoạch giá lúa đầu ra có đảm bảo lợi nhuận cho nông dân”.

Để bảo vệ lúa thu đông 2014, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang tích cực rà soát lại các đê bao và khuyến cáo người dân kịp thời duy tu, sửa chữa và theo dõi chặt diễn nước lũ để kịp thời ứng phó. Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, cho biết: “Thời điểm này, huyện đang tích cực khuyến cáo nông dân tranh thủ lúc nước lũ mới bắt đầu lên, tiến hành rà soát, gia cố lại các đê bao để bảo vệ hơn 17.700 ha lúa thu đông trên địa bàn huyện. Năm nay, nước lũ về sớm, ngành nông nghiệp không chỉ lo nông dân phải bơm thoát nước cho lúa liên tục làm chi phí tăng mà còn lo chuyện nhiều cánh đồng có nền đất yếu và bị ngập nước sẽ khó thực hiện việc thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trong thời gian tới…”. Theo Ông Phan Văn Năm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, huyện cũng đang tích cực rà soát lại các hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất nhằm kịp thời có phương án gia cố.Vụ thu đông 2014, huyện có kế hoạch giống 10.000 ha lúa, nhưng đến nay nông dân đã xuống giống hơn 13.000 ha và nhiều nông dân ở các xã nằm ở Bắc sông Cái Sắn có kế hoạch tiếp tục gieo sạ lúa thu đông trong thời gian tới. Nhìn chung, các diện tích lúa gieo sạ tại huyện đều nằm trong các vùng đê bao, nhưng có nhiều đê bao do ảnh hưởng của mưa lũ hằng năm bị lún và sạt lở đang cần phải được duy tu, nâng cấp.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết