25/01/2009 - 09:21

Nông dân thời đại mới!

Được mệnh danh là vùng đất trù phú với nhiều sản vật nổi tiếng, nhưng suốt thời gian qua, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với thị trường nông sản bấp bênh. Tuy nhiên, trong áp lực khó khăn đó, đã xuất hiện nhiều nông dân mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm mới để thích ứng với nền kinh tế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế...

BÁN LÚA GIỐNG LÀM GIÀU!

Trong những câu chuyện của nhà nông, hễ khi hoài nghi thì nhiều người thường bảo: “Tin ông (hay bà) có nước là bán... lúa giống!”. Cũng có cái lý để bà con bảo thế! Bởi ngày trước, người trồng lúa sau khi thu hoạch thường dành một phần, cất giữ cẩn thận để làm giống. Nếu đem bán thì coi như trắng tay! Nhưng trường hợp của những nhà nông làm giàu nhờ bán lúa giống lại là chuyện khác...

Một trong số những nhà nông làm giàu bằng việc bán lúa giống mà tôi đã gặp là ông Châu Thành Phú (Tư Phú), 62 tuổi, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm 1997, vốc hết vốn, Tư Phú mua 20 ha đất xã Tà Đảnh để làm ruộng. “Lạ đất, lạ nước” nên trong 2 năm đầu, việc trồng lúa của ông thất bại và ông nghiệm ra rằng mình vẫn còn thiếu kiến thức canh tác tiến bộ. Những tháng năm ấy, ngoài việc tự mày mò tìm hiểu qua sách vở, báo đài, ông thường xuyên qua Cần Thơ, đến Sở NN&PTNT liên hệ xin được học lớp canh tác trên đất phèn, học cách trồng lúa “ba giảm, ba tăng”... Nhờ vậy, vụ đông xuân 1999-2000, năng suất tại ruộng lúa của ông Tư Phú đạt 6 tấn/ha, trở thành kỷ lục chưa từng có ở vùng đất phèn Tà Đảnh!

Đất đã dần được cải tạo, năng suất lúa ngày càng cao, nhưng trung tâm giống lại cung cấp giống không đủ theo yêu cầu của nông dân. Điều này làm Tư Phú suy tư, trăn trở mãi. Cuối cùng, ông quyết định chuyển từ trồng lúa hàng hóa sang làm lúa giống. Thế là, ông lại tìm đến các trung tâm khuyến nông, viện trường trong vùng để tìm học các khóa về nhân giống lúa. Khi có kiến thức, ông mạnh dạn trồng 10 ha lúa giống cấp xác nhận. Năm đó, ruộng lúa đọt thì bằng chang, đến khi trổ thì bông vàng, hạt chắc mẩy. Nhiều nông dân nhìn thấy mê. Lúa giống của Tư Phú làm ra không đủ bán...

Ông Châu Thành Phú, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, làm giàu nhờ sản xuất và bán lúa giống. Ảnh: T. L 

Gần 10 năm gắn bó với sản xuất lúa giống, cuộc sống gia đình nông dân Tư Phú sung túc hơn. Trong thời gian làm giống ấy, chính sự tìm tòi, ham học hỏi đã giúp ông lai tạo thành công giống lúa TP1 và TP2 (TP: Tư Phú) bổ sung thêm giống lúa có khả năng kháng rầy, kháng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cho nông dân ĐBSCL. Vì lẽ đó, mỗi lần nói về Tư Phú, ông Hai Trường (Phan Văn Trường), một nông dân trở thành tỉ phú hơn 5 năm qua nhờ học nghề Tư Phú, đều bắt đầu: “Tôi nể Tư Phú lắm! Không những ổng giỏi kỹ thuật mà còn khả năng phán đoán thị trường tài tình. Có lúc, do không dự đoán được nhu cầu giống cho vụ mới, trang trại tôi tồn hàng chục tấn lúa giống. Lỗ bạc chục triệu! Nhưng từ lúc tôi biết Tư Phú đến giờ, bao nhiêu giống lúa ổng làm ra đều bán sạch. Thậm chí, có lúc Tư Phú còn qua trang trại tôi tìm lúa giống cho mối cũ vì đã lỡ bán hết khi.... lúa mới chín vàng”.

Hôm tôi đến nhà ông Tư Phú, đúng lúc anh Dương Thành Trung, ở xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đến mua lúa giống chuẩn bị cho vụ đông xuân 2008-2009. Tôi hỏi về chuyện làm ăn, anh Trung buồn buồn nói: “Vụ thu đông vừa rồi tôi lỗ nặng vì lúa làm ra giá thấp. Vậy mà, muốn bán cũng không được... Mấy vụ đông xuân trước, nhờ khuyến cáo của Tư Phú, tôi trồng lúa trúng lớn. Vụ này, tôi tiếp tục “tầm sư” ...”. Còn nhớ, hôm ấy, khi nghe anh Trung nói, ông Tư Phú liền bày tỏ trăn trở: “Đại bộ phận nông dân, nhất là những nông dân trồng lúa còn sản xuất theo phong trào nhiều lắm, chưa biết phân tích thiệt hơn. Các ngành hữu quan cần cung cấp thông tin đầy đủ hơn về nhu cầu của thị trường, nhất là xuất khẩu để người nông dân chủ động tính toán cơ cấu mùa vụ, giảm rủi ro trong cơ chế thị trường”.

“BẤT BẠI” NUÔI TÔM SINH THÁI

Nói về con tôm sú, đối tượng xuất khẩu thủy sản chủ lực ở ĐBSCL, không ai không biết ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) ở ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu. Bởi nhiều năm nay, ông được dân trong nghề gọi là “Vua nuôi tôm sinh thái” nhờ phát kiến ra mô hình nuôi tôm mật độ thưa, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, hóa chất gây hại môi trường.

Năm 2000, nhiều “đại gia” nuôi tôm ở Bạc Liêu chạy dài, do phải “ôm sổ đỏ” vào ngân hàng vì thua lỗ. Vậy mà, Sáu Ngoãn cầm trên 100 triệu đồng từ việc bán đàn bò, đàn dê để mua 3ha đất nuôi tôm. Vụ đầu tiên, vuông tôm Sáu Ngoãn lời trên 120 triệu đồng. Nhưng đến vụ nuôi sau chỉ hòa vốn vì ông nuôi mật độ dày (30-50 con/m2), tôm thương phẩm nhỏ, bán không được giá. Thế là, ông quyết định áp dụng cách thả thưa. Từ năm 2002, ông Sáu Ngoãn đã thành công và lời bạc tỉ với việc thả nuôi tôm mật độ 20 con/m2. Có được đồng lời, ông bỏ ra tích tụ ruộng đất, phát triển diện tích nuôi tôm lên 50ha. Ông ra sức xây dựng trang trại nuôi tôm Sáu Ngoãn và trở thành tỉ phú.

Tiếng tăm của ông bắt đầu lan xa từ năm 2004. Vụ nuôi tôm năm đó, do làm vệ sinh ao không kỹ khiến 1 trong 5 ao, tỷ lệ tôm sống chỉ còn 30%. Nhưng tới khi thu hoạch, ao này thu được 1,6 tấn tôm thương phẩm (cỡ 18 con/kg) lời tương đương các ao còn lại, trong khi công chăm sóc, chi phí thức ăn lại nhẹ hơn nhiều. Từ năm đó, quy trình nuôi tôm sinh thái mật độ 7 con/m2, hạn chế sử dụng hóa chất, thức ăn công nghiệp được ông Sáu Ngoãn hoàn thiện. Một năm sau, ông thử nghiệm và thành công dùng ốc bươu vàng thay thế thức ăn công nghiệp.

Vụ nuôi năm 2008, ngoài việc phải đối mặt với dịch bệnh vào đầu vụ, người nuôi tôm ĐBSCL còn phải chịu cảnh giá tôm nguyên liệu sụt giảm, chi phí lại tăng cao. Ông Nguyễn Văn Út, một nông dân nuôi tôm công nghiệp ở ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu phân trần: “Tôi đã nuôi tôm hơn 5 năm. Chưa năm nào như năm rồi. Giá thành nuôi được tôm cỡ 32 con/kg đã trên 80.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao nhất chỉ 75.000 đồng/kg. Đã vậy, nhiều doanh nghiệp không chịu mua tôm cỡ 30 con/kg trở lên vì họ nói là không có thị trường xuất khẩu”. Theo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, do dịch bệnh, giá cả tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm... khiến số nợ “khó đòi” trong lĩnh vực nuôi tôm ở các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã lên trên 1.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh khó khăn này, với “mô hình phát minh” của mình, ông Sáu Ngoãn tiếp tục là một trong số ít người nuôi tôm sú “bất bại”.

Một buổi trưa cuối năm, trong trang trại nuôi tôm của ông Sáu Ngoãn rộn ràng tiếng cười nói. Từng mẻ tôm được kéo lên là những tiếng trầm trồ, chen lẫn tiếng “hò lơ” của những công nhân thu hoạch:

“Anh ơi! (hò lơ) xin nhớ câu này
(hò lơ)

Nuôi tôm chớ có (hò lơ) thả dầy nghe anh (hò lơ)

Môi trường (hò lơ) quản lý khó khăn
(hò lơ)

Xài thuốc, hóa chất (hò lơ) làm

tăng phí nhiều (hò lơ)”-

hò lơ hó lơ lắng tai nghe chúng tôi

đang hò lờ...

Một công nhân trong trang trại, tay cầm con tôm giơ cao, không giấu được xúc động: “Tôm trúng như vầy (khoảng 18-20 con/kg - NV), tụi tui mừng lắm. Đây là 5 năm liên tiếp rồi, làm việc với ông Sáu Ngoãn, tụi tui được chia lợi nhuận phụ giúp gia đình”. Như lời anh công nhân này kể, trang trại có trên dưới 50 công nhân làm việc. Trong số này có trên 30 lao động thường xuyên có cổ phần. Tuy là hình thức hợp tác nhưng ông Sáu Ngoãn lại có quy định lạ đời: “Lợi nhuận thì cùng chia, còn năm nào có rủi ro thì một mình tui chịu”. Chính sự gắn kết này đã thôi thúc nhiều anh em công nhân dốc tâm làm việc, xem việc nuôi tôm ở trang trại như của gia đình mình...

CÓ LIÊN KẾT MỚI THÀNH CÔNG!

Khoảng 10 năm trước, đất nhà có 6 công ruộng trồng lúa, tự dưng anh Nguyễn Ngọc Hải, ở Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn thuê người lên liếp, đưa cây nhãn da bò về trồng đầu tiên trên vùng đất ven sông Hậu này. Khi đã thành công trong việc áp dụng cho trái vụ nghịch, đùng một cái, năm 2001 ông chủ vườn nhãn thuê người đốn nhãn, đào ao nuôi cá tra. Nhiều người thấy thế đều bảo: “Ông này liều quá! Chắc ăn gan cọp!”. Nhưng trước khi quyết định đốn nhãn để nuôi cá tra giống, anh Hải phải tự học kỹ thuật sản xuất cá giống, tích lũy thêm kiến thức từ tài liệu khuyến nông, đọc báo, nghe đài... Nhờ vậy, năm nào việc nuôi cá tra giống, nuôi cá tra thương phẩm cũng đem về cho anh Hải số lời cả trăm triệu đồng.

Khi chuyện làm ăn đang phát triển, anh Hải nghĩ: muốn trụ vững trong cơ chế thị trường, phải sản xuất đảm bảo cung ứng số lượng lớn. Thế là, anh chủ động gặp Hội Nông dân xã, trình bày kế hoạch thành lập Hợp tác xã (HTX), đứng ra vận động bà con trong khu vực hùn vốn lại để cùng làm ăn. Cuối năm 2003, HTX nuôi cá tra xuất khẩu Thới An ra đời. Và anh được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm.

Những tưởng chuyện làm ăn của HTX sẽ không ngừng phát triển. Nhưng năm 2005, con cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL rơi vào khủng hoảng thừa. Năm đó, HTX lỗ cả trăm triệu đồng. Mỗi khi nhắc lại chuyện này, giọng anh Hải buồn buồn: “Chỉ tại mình làm ăn không có kế hoạch, không có hợp đồng liên kết trước với các công ty, xí nghiệp để bao tiêu cá đến kỳ thu hoạch”.

Rút kinh nghiệm từ bài học đắt giá ấy, anh Hải tìm đến các công ty, xí nghiệp thủy sản ở ĐBSCL trình bày kế hoạch sản xuất, đề nghị ký kết hợp đồng tiêu thụ cá tra nguyên liệu. Nhưng cái yếu nhất của các hợp đồng là mạnh ai nấy “bẻ kèo”, nhưng chẳng ai xử phạt được ai. Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, nhắc đi nhắc lại: “Các hợp đồng bao tiêu, phần lớn doanh nghiệp chỉ đưa người có chức danh phó ra ký kết”. Nhưng theo luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn luật sư TP Cần Thơ: “Quy định pháp luật, cấp phó ký tên, hợp đồng không có giá trị pháp lý. Phải là người đứng đầu pháp nhân ký hợp đồng giao dịch. Nếu “cấp phó” ký phải có giấy ủy quyền riêng kèm theo”. Nắm được vấn đề này, anh Hải phải tự mày mò trang bị kiến thức về hợp đồng kinh tế, kiến thức về pháp luật để hợp đồng của HTX ký kết với các doanh nghiệp thật sự là những gắn kết bền chặt, lâu dài. Năm 2006 và 2007, HTX nuôi cá tra lời bạc tỉ. Riêng năm 2008, hàng chục ngàn tấn cá tra nguyên liệu quá lứa ở ĐBSCL không có người mua, hàng trăm hộ nông dân trắng tay vì nuôi cá. Vậy mà, tính sơ, HTX Thới An vẫn thu lời trên 800 triệu đồng.

Vụ nuôi 2008-2009, trong lúc giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm, nhưng anh Hải cùng Ban Chủ nhiệm HTX quyết định tiếp tục thả nuôi cá tra hết diện tích hiện có (3,5ha). Nhiều người cho rằng: “Ông Hải lần này lại liều!”. Nhưng nhiều người biết chuyện thì bảo: “Không phải thế! Bởi đầu ra con cá tra đã được đảm bảo bằng các hợp đồng liên kết”. Thì ra, trong vụ nuôi mới, anh Hải đã ký được hợp đồng đầu tư 70% chi phí nuôi, tiêu thụ 11.000 tấn cá tra nguyên liệu với Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương với mức giá sàn quy định trước. Nhưng để có được hợp đồng với Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương phải như Tổng Giám đốc Dương Ngọc Minh nói: “Doanh nghiệp đã “thẩm tra” tay nghề của các hộ nuôi cá tra khá kỹ. Những cá nhân, tập thể nào cùng biết giữ chữ tín, không quay lưng với doanh nghiệp khi giá cả thị trường lên cao, thì doanh nghiệp mới mạnh dạn ký hợp đồng”...

Cuối năm ngoái, hôm đến HTX Thới An, tôi hỏi anh Hải về tương lai của con cá tra, đối tượng xuất khẩu chủ lực thứ hai (sau tôm sú) ở ĐBSCL. Anh nói với giọng đầy quyết tâm: “Người nuôi cá tra quá mệt vì thua thiệt gần như cả năm rồi. Tôi đã soạn xong điều lệ để báo cáo chính quyền, tiến hành thành lập hội nghề nghiệp nuôi cá tra. Việc thành lập này, một mặt để có kế hoạch nuôi, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu. Mặt khác, cũng là để có lực lượng đối trọng với các doanh nghiệp, bênh vực quyền lợi hợp pháp cho người nuôi. Tôi nghĩ, từng địa phương làm được chuyện này, nghề nuôi cá tra mới trụ vững khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới”.

Thanh Long

Chia sẻ bài viết