12/02/2008 - 10:30

Nông dân chủ động liên kết nắm bắt khoa học - công nghệ

Sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều loại nông sản hàng hóa của nước ta nói chung và của ĐBSCL nói riêng đã bộc lộ nhiều nhược điểm và trở nên khó cạnh tranh ngay trên “sân nhà”, từ chất lượng đến sản lượng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều nơi chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến vai trò của khoa học-công nghệ (KH-CN) trong sản xuất.

Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do trình độ dân trí nhiều nơi còn thấp, nên cuộc sống của đa số nông dân vùng ĐBSCL nhiều năm qua vẫn chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn ở trình độ tương đối thấp. Vấn đề ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống, tuy những năm gần đây có được quan tâm hơn, nhưng vẫn còn khá chậm, chưa đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu. Vì thế, trên phạm vi cả nước cũng như ở vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL, chúng ta vẫn còn quá ít những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, những mô hình sản xuất bền vững, có sản lượng lớn ổn định, “đủ sức cạnh tranh” trên thương trường sau khi đã gia nhập WTO.

Đây thật sự là một thách thức lớn trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế quốc tế. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng điều quan trọng, chi phối hơn hết là do trình độ dân trí của nông dân còn hạn chế, lại thiếu vốn, thiếu người có trình độ cao dẫn dắt chân tình, nên họ chưa đủ sức nhận thức tầm quan trọng của KH-CN và những tác động của yếu tố môi trường trong các quá trình sản xuất; chưa có đủ điều kiện, kiến thức phù hợp để tiếp nhận, phân tích và vận dụng các nguồn thông tin vào sản xuất kinh doanh, để phát triển kinh tế hộ bền vững. Nông dân ĐBSCL phần lớn vẫn đang đưa ra thị trường cái mình đang có mà chưa tạo ra thứ thị trường cần!

Mặt khác, do tồn tại của nền sản xuất nhỏ, cá thể, thiếu sự tổ chức phù hợp, thường xuyên thiếu vốn và không gắn với thị trường ổn định nên nhiều nơi ở vùng ĐBSCL chưa được đầu tư KH -CN đúng mức và hợp lý. Kết cấu hạ tầng không đồng bộ, tình trạng ô nhiễm môi trường- nhất là môi trường nước- ngày càng tràn lan, khó kiểm soát... Hậu quả là năng suất cây trồng, vật nuôi thấp và bấp bênh, nhiều loại dịch bệnh xuất hiện, sản lượng ít, chất lượng lại không đồng đều, không ổn định. Thêm vào đó là tình trạng bơm chích, pha trộn tạp chất trong sản phẩm chưa được kiểm soát tốt, gây nhiều khó khăn cho việc chế biến, xuất khẩu khi bị vướng các rào cản kỹ thuật ở thị trường ngoài nước. Còn ngay trên “sân nhà, ngày càng có nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản giảm sức cạnh tranh so với hàng ngoại... Những thực trạng trên đòi hỏi chúng ta phải thật sự quan tâm và quan tâm đúng mức việc đầu tư ứng dụng những thành tựu, tiến bộ KH-CN vào quá trình sản xuất để gia tăng giá trị nông phẩm hàng hóa trên thị trường.

Muốn nâng cao hàm lượng KH- CN trong nông- lâm -thủy sản hàng hóa, đủ sức đứng vững trên thị trường nội địa, cạnh tranh trên thị trường quốc tế, điều quan trọng là chính bản thân người nông dân phải chủ động “hội nhập” trước. Điều đó đòi hỏi nông dân phải được tiếp cận nhanh với những thành tựu KH-CN; nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật, tìm hiểu và biết các rào cản kỹ thuật của các nước khi mình có tham gia cung cấp, mua bán nông phẩm, để chủ động tìm cách khắc phục những khiếm khuyết, thỏa mãn những tiêu chí của nhà nhập khẩu và đủ sức vượt qua các rào cản đó.

Một yêu cầu lớn đang đặt ra là nông dân phải tự nguyện tập hợp lại để hình thành những tổ chức sản xuất mới, phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Những tổ chức đó phải có qui mô hợp lý, có thực chất hơn trong mối “liên kết nhiều nhà”, để đủ sức đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thỏa mãn các qui định giao thương như: sản lượng hàng hóa đủ lớn, chất lượng và phẩm chất đồng đều, đạt các tiêu chí kỹ thuật cũng như đáp ứng thị hiếu của người tiêu thụ khó tính. Đã đến lúc khi chuẩn bị nuôi trồng, nông dân cần phải quan tâm đến điều đầu tiên là sản phẩm mình làm ra sẽ bán cho ai? bán ở đâu là có lợi nhất? cần phải đáp ứng được những yêu cầu gì của họ? giá cả như thế nào?... Nên chấm dứt tình trạng “cứ nuôi trồng rồi bán được chăng hay chớ”, lãi lỗ cầu may, không quan tâm đến ứng dụng KH-CN trong sản xuất.

Muốn làm được những điều trên nông dân cần có sự hỗ trợ của KH-CN, phải có kiến thức nhất định, có tinh thần cầu thị, có mục tiêu rõ ràng. Nói chung, mỗi nông dân cần trước tiên cần phải học, phải chủ động “liên kết và hội nhập” ngay tại trong thôn xóm mình, không thể cứ ngồi đó trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hay một ai khác.

MỤC ĐỒNG

Chia sẻ bài viết