25/11/2010 - 22:44

Nỗi lo sợ vẫn bao trùm khu vực đồng euro

Đồng euro đang mất giá so với USD.
Ảnh: AFP

Chính phủ Ireland ngày 24-11 đã công bố kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” nhằm giảm chi tiêu từ ngân sách quốc gia khoảng 15 tỉ euro trong 4 năm (2011-2014). Theo đó, ngân sách dành cho phúc lợi xã hội bị cắt giảm gần 15%, cắt giảm khoảng 24.750 biên chế trong cơ quan công quyền, giảm 1 euro lương tối thiểu của một giờ làm việc xuống còn 7,65 euro/giờ, tăng thuế giá trị gia tăng và mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng học phí đại học lên gấp 3 lần... Tuy nhiên, thuế thu nhập doanh nghiệp 12,5% - mức được coi là thấp và hấp dẫn nhất ở châu Âu - vẫn tiếp tục được giữ nguyên. Với kế hoạch trên, Ireland hy vọng sẽ giảm mức thâm hụt ngân sách từ con số kỷ lục hiện nay 32% GDP “về đích” 3% GDP (theo Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định của châu Âu), phấn đấu đạt mức tăng trưởng trung bình 2,75% trong giai đoạn 2011-2014, đặc biệt giảm tỷ lệ thất nghiệp từ trên 13% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2014.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi Chính phủ Ireland buộc phải cầu viện cứu trợ khẩn cấp từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tránh rơi xuống vực khủng hoảng nợ công. Hai tổ chức này đã cam kết một khoản vay cho Chính phủ Ireland lên tới 85 tỉ euro, tuy nhiên, kèm theo đó là những điều kiện cải cách được ví như một “liều thuốc đắng”. Nhiều người chỉ trích rằng kế hoạch thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Ireland sẽ tác động nặng nề đến người nghèo. Nói cách khác, nó bắt người nghèo phải gánh chịu hậu quả sai lầm kinh tế của các chính trị gia và ngân hàng. Một số nhà phân tích còn cảnh báo sẽ diễn ra một làn sóng phá sản ngân hàng và doanh nghiệp thứ hai ở Ireland, sau khi kế hoạch cắt giảm ngân sách bắt đầu tác động vào nền kinh tế.

Do lo sợ nền kinh tế Ireland không đủ “đô” thoát khỏi vũng lầy suy thoái, thị trường tài chính ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý đã có dấu hiệu bất ổn, khiến dư luận tin rằng các nước này trước sau gì cũng phải xin “viện binh” từ EU và IMF. Trong số đó, Bồ Đào Nha là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do tiềm lực kinh tế yếu, dù thâm hụt ngân sách của Lisbon chỉ chiếm 7% GDP năm 2010 (so với 9,5% của Tây Ban Nha) và nợ công chiếm 83% GDP (so với 116% GDP của Ý). Để phòng ngừa nguy cơ vỡ nợ, Chính phủ Bồ Đào Nha đã lên kế hoạch tiết kiệm chi tiêu sơ bộ như cắt giảm 5% lương công nhân viên chức, tăng thuế giá trị gia tăng từ 21% lên 23% và giảm ngân sách phúc lợi xã hội.

Và không chỉ các nước kể trên, báo Guardian của Anh ngày 23-11 cho biết tại Bỉ cũng đang xảy ra hiện tượng chi phí bảo hiểm nợ tăng. Chi phí bảo hiểm vỡ nợ có giá trị 5 năm ở Bỉ đã tăng 1,55%, so với 3,12% của Tây Ban Nha, 5,1% của Bồ Đào Nha và 5,95% của Ireland. Báo này cho rằng nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Bỉ có thể diễn ra nhanh hơn, bởi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới giữa các đảng phái sau cuộc bầu cử hồi tháng 6 năm nay vẫn chưa ngã ngũ, khó có thể tập trung điều hành các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Tài chính Slovakia Ivan Miklos cho rằng nguy cơ tan rã khu vực đồng euro là “rất thật”, dù một lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu khẳng định cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ không thể phá vỡ liên minh tiền tệ của EU.

PHÚC NGUYÊN (Theo Guardian, Reuters và AFP)

Đồng euro đang mất giá so với USD. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết