18/01/2009 - 20:47

Nuôi cá lồng bè trên biển Kiên Giang

Nỗi lo con giống và môi trường

Trong năm 2008, tỉnh Kiên Giang có 546 lồng bè nuôi cá trên biển, thu hoạch được 693 tấn, tăng 221 lồng nuôi và 328 tấn so với năm trước. Hiện nay, nghề này tập trung chủ yếu tại huyện Phú Quốc, Kiên Hải và các xã đảo thuộc thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương. Bên cạnh sự phát triển, mô hình nuôi này đang có những cảnh báo đáng lo ngại…

* NGUY CƠ CẠN KIỆT NGUỒN GIỐNG

 Một lồng bè nuôi cá bống mú trên biển ở Kiên Giang.

Anh Đinh Văn Trung, ngụ ấp An Phú, xã Nam Du (Kiên Hải), cho biết: Vốn đầu tư để nuôi cá lồng bè trên biển không lớn, kỹ thuật nuôi ít phức tạp. Với 4 lồng bè thả nuôi cá bống mú và cá bớp, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 150 triệu đồng. Trong số 6 hộ làm nghề này tại đây, họ đang dần khá lên. Phát huy lợi thế bờ biển để nuôi trồng thủy sản hiệu quả là hướng đi đúng, song cần có quy hoạch và quản lý phù hợp. Một cán bộ xã Tiên Hải (thị xã Hà Tiên) phản ảnh: Nếu như 4 năm trước, Tiên Hải chỉ có 1 hộ bỏ vốn nuôi cá lồng bè, bây giờ toàn xã đã có 9 hộ nuôi với 30 lồng bè. Đối tượng nuôi chủ yếu gồm: cá mú sao, mú đen, cá hường bạc, cá bớp. Đó là những loài có giá trị kinh tế cao được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Từ khi thả cá giống đến lúc thu hoạch, thời gian khoảng 8-10 tháng. Nguồn thức ăn cho chúng chủ yếu là cá tạp băm nhỏ, rẻ và rất dễ mua. Nếu chăm sóc tốt, không gặp rủi ro thì trừ các khoản chi phí, lãi 50-60 triệu đồng/bè đối với cá bớp và 30-35 triệu/bè đối với cá hường bạc. Tuy nhiên, nguy cơ cạn kiệt con giống đang là nỗi bức xúc của nhiều người. Hiện tại, chưa có nơi nào trong tỉnh nhân giống thành công được các loài cá nói trên. Thế nên, con giống được khai thác hoàn toàn trong tự nhiên bằng cách đặt bẫy hoặc lựa ra những con còn khỏe nằm lẫn với sản lượng tôm cá thu được từ các mẻ của nghề lưới vây. Nhưng tỷ lệ sống của con giống khai thác theo phương thức thủ công đạt 90% trở lên, thì con giống đưa từ lưới vây về nuôi chỉ đạt 20-30%. Lại nữa, bẫy cá giống gần như chỉ còn là “ăn may”, bởi thậm chí cả tuần cũng không được con nào.

Ông Trần Quang Long, người nuôi cá lồng bè ở ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, than thở: “Nuôi cá lồng bè trên biển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngặt nỗi, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên vào thời điểm thả giống thích hợp lại không có ai bán. Giá cá giống đã tăng gấp 4-5 lần so với cách nay 2 năm. Đắt nhưng vẫn phải mua. Nếu tình trạng này kéo dài, có lẽ phải chuyển nghề khác”...

* Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC

Theo ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2009, chỉ tiêu nuôi cá lồng bè trên biển của tỉnh là 575 lồng, sản lượng thu hoạch 725 tấn. Kỹ sư Nguyễn Vân Thanh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản Kiên Giang, quả quyết: Chỉ tiêu này hoàn toàn có khả năng đạt được, song quá trình thực hiện sẽ phải đối mặt với khó khăn về con giống và ô nhiễm môi trường nước. Bởi lồng nuôi cá làm bằng gỗ tốt, chiều cao 3-3,5 m, rộng 4-4,5 m, được bao quanh bằng lưới và gắn với các phao nhựa lớn nhằm di chuyển dễ dàng trên biển. Để có một bè nuôi cá đúng kích cỡ và chắc chắn, phải bỏ ra 20- 40 triệu đồng. Cứ 4 lồng kết thành một bè. Bình thường là vậy, song lúc biển động, sóng cấp 5-6 nhiều hộ đã trắng tay vì không kéo kịp lồng bè đến vị trí an toàn, bè vỡ cá thoát ra biển. Những nơi khuất sóng gió thì lại là điểm neo đậu của các tàu đánh cá, tàu chở khách, tàu tải... khi biển động mạnh. Điều đáng lo là trong số hàng trăm tàu ghe cặp bến lên cá hoặc sửa chữa nhỏ thường hay xả dầu, nhớt cặn xuống biển. Những chất thải độc hại này kết từng mảng lớn theo chiều gió tấp vào các lồng bè, cá không sống nổi. Vào mỗi buổi chiều tối, rác thải từ các chợ trên đảo cũng được tuôn thẳng xuống biển. Hôm sau, đã thấy những đống chai lọ, bọc ni lon bập bềnh bám quanh lồng bè, chẳng vớt xuể. Với hơn 7.300 tàu cá các loại hiện có, cộng với gần ngàn tàu từ các tỉnh bạn đến khai thác thủy sản, khiến môi trường vùng biển Kiên Giang càng thêm nguy cơ ô nhiễm...

Bài, ảnh: MẠNH CHUNG

Chia sẻ bài viết