24/11/2019 - 18:37

Nỗi lo “cái chết trắng”
Bài 2: Vực thẳm ma túy 

Gục đầu né tránh ánh mắt của những người trong Hội đồng xét xử (HĐXX), Nguyễn Nhân Tạo (sinh năm 1979, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) lý nhí giải thích: “Chỉ tại bị cáo cần tiền nên mới làm ẩu, giờ hối hận lắm. Xin HĐXX cho bị cáo mức án nhẹ để sớm về đi làm nuôi con”. Tạo lãnh 17 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, nhưng điều khiến bị cáo luôn bị dằn vặt là tự tay phá nát mái ấm của mình: vợ ly hôn, gia đình tan nát, con thơ bơ vơ không người chăm sóc...
Không chỉ riêng Tạo mà đa số các trường hợp vướng vào ma túy, không nghe lời khuyên nhủ của người thân đều dẫn đến hệ lụy đau lòng...

Hệ lụy

Ba đối tượng cướp tài sản tại quận Ô Môn (Từ trái qua An, Tâm và Vạng).

Lư Diệp Hưng (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) học tới lớp 11 rồi nghỉ học, tụ tập bạn bè lêu lổng, bỏ ngoài tai những lời khuyên của người thân. Thấy nhiều con nghiện ở quận Ninh Kiều cần ma túy đá sử dụng, Hưng móc nối mua ma túy số lượng lớn từ TP Hồ Chí Minh mang về Cần Thơ tiêu thụ, tạo thành một đường dây hoạt động khép kín. Chân rết của đường dây này chủ yếu là dân nghiện để Hưng dễ điều khiển. Dù hoạt động với thủ đoạn tinh vi, nhưng đường dây của Hưng cũng không qua khỏi mắt của các trinh sát và bị sa lưới. Ở tuổi 24, độ tuổi lẽ ra có nhiều đóng góp cho đời, nhưng Hưng lại chọn con đường phạm pháp để rồi phải chôn vùi thêm 16 năm tuổi trẻ trong tù.  

“Ma túy là chất độc, chỉ cần dùng quá liều sẽ dẫn đến tử vong. Ma túy không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân người sử dụng mà còn tác động đến gia đình và xã hội. Trong gia đình có người nghiện ma túy, cuộc sống mọi thành viên bị xáo trộn, tình cảm rạn nứt. Chưa kể người nghiện thay đổi trạng thái tâm lý, thường xa lánh nếp sống, sinh hoạt lành mạnh, xa lánh người thân, bạn bè tốt. Họ có thể làm bất cứ việc gì kể cả trộm cắp, lừa đảo, cướp giật tài sản,... miễn là có tiền mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện của bản thân…” - Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Cần Thơ, trăn trở.

Người dân ở quận Ô Môn vẫn chưa quên vụ cướp tài sản xảy ra tại nhà bà Võ Thị Đèo (phường Trường Lạc, quận Ô Môn). Đau lòng hơn, 3 đối tượng Trương Thanh Tâm (20 tuổi), Lê Văn Vạng (25 tuổi) và Dương Tuấn An (24 tuổi) cùng ngụ tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, rủ nhau đi cướp tài sản của bà Đèo là để có tiền mua ma túy sử dụng… Khi bị phát hiện, các đối tượng đã khống chế, dùng dây trói và nhét giẻ vào miệng bà Đèo. Cũng may bà Đèo chỉ hoảng sợ, ngất xỉu, còn các đối tượng lấy tài sản tẩu thoát, chưa gây ra án mạng.

Trò chuyện cùng em N.T.Đ., đang điều trị tại Trung tâm cai nghiện bắt buộc tỉnh Hậu Giang, có thể hiểu được sự đau khổ của những người thân trong gia đình Đ. Vì buồn chuyện gia đình, nghe bạn bè rủ rê, Đ. dùng thử ma túy rồi nghiện. Mỗi lần lên cơn nghiện, Đ. không kiềm chế được bản thân, phải tìm mọi cách lấy tiền của gia đình để thỏa mãn cơn thèm thuốc. Khi phát hiện, cha mẹ Đ. lo lắng rất nhiều và quyết định đưa Đ. vào Trung tâm cai nghiện. “Thấy cha mẹ đau khổ, em hối hận vô cùng. Em sẽ cố gắng cai nghiện, từ bỏ thứ chết chóc đó để làm lại cuộc đời” - Đ. bộc bạch.

Cả đời tận lực vì con, ở tuổi ngoài 60, ông T. (ở huyện Cờ Đỏ) như “chết đứng” khi biết con trai nghiện ma túy. Người cha đau khổ trải lòng: “Ban đầu thấy con có những biểu hiện lạ, gia đình cũng không nghĩ nó dính vào ma túy. Qua một thời gian để ý và gặng hỏi, nó thú thiệt với tôi. Nghe xong tôi thấy như trời đổ sập xuống đầu mình. Tôi không nói được tiếng nào, trong đầu cứ lẩn quẩn sợ người ta dị nghị, không dám nhìn bà con. Nhưng ngẫm lại, phải giúp con thoát khỏi “cái chết trắng” này, làm lại cuộc đời…”. Ông T. tất tả lên Cần Thơ, hỏi thăm, tìm hiểu các thủ tục để đưa con đi cai nghiện. Nhìn dáng gầy gò của ông mà không khỏi chạnh lòng…    

Cam go cuộc chiến cai nghiện, phòng ngừa

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 3.069 người nghiện, tăng 326 người so với năm 2018. Trong đó, số người nghiện lứa tuổi thanh thiếu niên là 1.603 người, chiếm 54,1% và ngày càng trẻ hóa. Kết quả điều tra, phân tích cho thấy nguyên nhân do một bộ phận thanh thiếu niên suy nghĩ còn nông cạn, không hiểu tác hại của ma túy, muốn thể hiện bản thân…; một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, thiếu hiểu biết, đua đòi, cho rằng sử dụng ma túy mới sành điệu; một số em thiếu người chăm sóc, giáo dục hoặc gia đình không hạnh phúc khiến các em chán nản, dễ bị kẻ xấu lôi kéo… Việc quản lý thanh thiếu niên lang thang cũng còn gặp nhiều khó khăn, chưa có biện pháp giúp đỡ một cách căn bản…

Các học viên tham gia thi đấu cờ vua tại  Cơ sở cai nghiện ma  túy.

Bên cạnh đó, với mong muốn làm giàu nhanh chóng, một số người bất chấp vi phạm pháp luật, lao vào mua bán ma túy. Các đối tượng không từ thủ đoạn nào để dụ dỗ, lôi kéo người khác sử dụng. Trong đó, một số người nghiện ma túy tham gia mua bán ma túy để có ma túy sử dụng hằng ngày.

Hiện nay, công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai nghiện được thành phố thực hiện khá đồng bộ. Ngoài các cơ sở cai nghiện, thành phố còn thành lập 61 Tổ công tác cai nghiện ma túy tại các xã, phường, thị trấn; 8 điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình tái nghiện và số người nghiện vẫn gia tăng.

Đối với việc điều trị Methadone, dù thành phố duy trì 5 cơ sở điều trị (tại quận Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS); 5 cơ sở cấp phát thuốc Methadone (tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cơ sở cai nghiện ma túy thành phố), nhưng theo lãnh đạo Công an thành phố, số trường hợp duy trì điều trị Methadone ngày càng giảm, số trường hợp đăng ký điều trị mới và điều trị lại còn thấp.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Vấn đề quản lý, chữa trị cho người sử dụng ma túy bị loạn thần là rất khó khăn; công tác cai nghiện tại cộng đồng, các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm còn ít. Hiệu quả cai nghiện và giải pháp sau cai nghiện còn thấp. Quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở, bất cập để tội phạm lợi dụng hoạt động; công tác phối hợp kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn xã hội chưa nhịp nhàng, chưa thật sự phát huy hiệu quả…”

Tại cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng chống ma túy trên địa bàn thành phố vào giữa năm 2019, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cũng cho rằng công tác điều trị đối với các đối tượng nghiện ma túy tổng hợp còn gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị, do không có biểu hiện cụ thể. Nghiện ma túy là loại bệnh mãn tính, tái phát, cần được điều trị lâu dài bằng các giải pháp y tế, xã hội, nhưng vẫn còn quan điểm thiên về giải pháp hành chính, ý thức phòng ngừa chưa cao. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chưa có biện pháp giúp đỡ thanh, thiếu niên lang thang một cách căn bản. Công tác quản lý, chăm lo giáo dục của gia đình, nhà trường lỏng lẻo, thiếu phương pháp giáo dục thích hợp với tâm lý lứa tuổi, thiếu tri thức về phòng chống ma túy. Nhiều em thiếu người chăm sóc, giáo dục hoặc gia đình không hòa thuận, làm cho các em chán nản dễ bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo; một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn về đời sống, bị đồng tiền cám dỗ nên bị tội phạm lợi dụng lôi kéo tiếp tay tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy…

Hoàng Yến

Còn tiếp

Bài cuối: Chung tay phòng, chống ma túy

Chia sẻ bài viết