12/11/2020 - 11:33

Nói không với lựa chọn giới tính thai nhi 

Nhiều năm qua, TP Cần Thơ duy trì tỷ lệ giới tính khi sinh tự nhiên trong giới hạn bình thường từ 103-107 bé trai/100 bé gái. Đó là kết quả của ngành dân số phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp, tuyên truyền thường xuyên, nâng cao ý thức cộng đồng.

 Cộng tác viên dân số quận Thốt Nốt tuyên truyền cho chị em về hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi.

 Cộng tác viên dân số quận Thốt Nốt tuyên truyền cho chị em về hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi. 

Giai đoạn 2016-2020, TP Cần Thơ thực hiện Ðề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Ðây là một trong hai đề án lớn trong lĩnh vực dân số của thành phố, hướng đến mục tiêu đảm bảo cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.

BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) TP Cần Thơ, cho biết: Ðề án được thành phố cấp kinh phí từ năm 2017, nhưng ngành dân số đã thực hiện các hoạt động liên quan từ nhiều năm trước. Theo đó, phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương, tuyên truyền về những hệ lụy trong tương lai của vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh, nhắm đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Xây dựng các chương trình tuyên truyền trong trường học, trung tâm bồi dưỡng chính trị, triển khai các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan truyền thông, như Ðài Phát thanh và truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền định kỳ; phát huy vai trò của hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; dựng pano, bảng tuyên truyền ở các tuyến đường, khu dân cư. Hàng năm, phối hợp với Thành đoàn Cần Thơ tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên hiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Tháng 11-2020, Chi cục Dân số - KHHGÐ thành phố cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực trạng mất cân bằng giới tính ở nhiều quốc gia cho khoảng 2.000 sinh viên của Trường Ðại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, kết quả thực hiện Ðề án giai đoạn qua cho thấy, người dân nhận thức tốt hơn về việc lựa chọn giới tính thai nhi tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Các cặp vợ chồng không còn đặt nặng vấn đề sinh con trai hay gái mà chú trọng hơn việc nuôi dạy con khỏe mạnh, phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh tuyên truyền cho cộng đồng, ngành dân số mở các lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác dân số các cấp về kiến thức chuyên môn và kỹ năng truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh cho biết, thuận lợi của Ðề án chính là sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Sở Y tế thành phố, chỉ đạo, phê duyệt thực hiện Ðề án, cấp kinh phí thực hiện; sự phối hợp tốt giữa ngành dân số với ban ngành đoàn thể các cấp để triển khai các hoạt động đạt hiệu quả. Về mặt hệ thống, Trung tâm Y tế các quận, huyện là đầu mối chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời cho Phòng Dân số - KHHGÐ, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và hệ thống trạm y tế phối hợp nhịp nhàng trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tuyên truyền cho người dân. Song song đó, đội ngũ làm công tác dân số từ tuyến thành phố đến xã phường nhiệt tình, quản lý sát sao địa bàn dân cư, tập trung vào các nhóm đối tượng đích của các chương trình, trong đó có Ðề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, ngành dân số tiếp tục xây dựng Ðề án ở giai đoạn tiếp theo, chuyển đổi giải pháp phù hợp với thực tiễn, tầm nhìn đến năm 2030. “Các chương trình, mục tiêu dân số - KHHGÐ thành phố đòi hỏi phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp cùng chung tay thực hiện mới đạt hiệu quả lâu dài, tác động mạnh mẽ trong cộng đồng”- BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh chia sẻ.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết