13/07/2008 - 10:46

Nơi không có rác thải !

Ở Kamikatsu, chăn màn, áo kimono cũ được “tái chế” thành túi xách. Ảnh: BBC

Chỉ là thị trấn nhỏ nằm khuất sau dải núi cao 1.500 m ở phía Đông Nhật Bản, nhưng Kamikatsu được biết đến như một địa phương tiên phong trong phong trào “nói không với rác thải”, không chỉ ở xứ Mặt trời mọc mà cả trên thế giới. Từ nhiều năm nay, thị trấn vỏn vẹn 2.000 dân này không còn bóng dáng bãi chứa rác cũng như xe thu gom rác. Mỗi hộ gia đình đã tự chế tất cả rác thực phẩm thành phân bón cây, và phân loại rác phi thực phẩm để tái sử dụng hoặc tái chế. Nói như thị trưởng Kasamatsu Kasuichi thì cư dân Kamikatsu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả những thứ họ vứt đi.

Phong trào “không rác thải” ở Kamikatsu khởi nguồn từ năm 2001 khi nhà máy đốt rác thải ở địa phương không đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm soát chất thải dioxin. Lãnh đạo Kamikatsu lúc bấy giờ quyết định đóng cửa nhà máy để chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường, và phát động chương trình “không rác thải”. Theo đó, mỗi gia đình được hỗ trợ tiền sắm máy chế biến rác thực phẩm thành phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Đối với những loại rác thải khác, người dân hoặc mang bán lại cho những cửa hàng phế liệu để tái chế hoặc mang đến Trung tâm Không Rác thải. Tại đây, đích thân người dân tự phân rác của mình thành 34 loại khác nhau, chẳng hạn như lon nhôm, chai nhựa, giấy báo, pin, bút viết, khay nhựa đựng thực phẩm... Trước khi đưa vào đây, tất cả phế liệu phải được rửa sạch và phơi khô.

Chương trình nói “không” với rác thải được cư dân Kamikatsu đồng tình ủng hộ. Sau khi dùng xong đồ uống, Kikue Nii luôn gỡ bỏ nhãn chai rồi rửa sạch chai nhựa và phơi khô. Cứ cách một ngày, cô mang số chai nhựa này đến cửa hàng thu mua đồ tái chế, và đổi lại cô được nhận một phiếu rút thăm trúng thưởng. Cô may mắn 4 lần trúng được phiếu mua thực phẩm trị giá 1.000 yen (gần 160.000 đồng). Với Kikue, phần thưởng chẳng lớn lao gì nhưng nó sẽ chẳng thể đến với cô nếu chai nhựa sau khi dùng xong bị vứt bỏ. “Lúc đầu, tôi cảm thấy thật bất tiện khi phân loại và xử lý rác thải nhưng giờ đã trở thành thói quen hằng ngày. Hiện tại, tôi chuộng mua hàng hóa ít đóng gói”, Chiaki Hasegawa, công chức ở Kamikatsu, tâm sự.

Với thị trưởng Kasamatsu Kasuichi, “vấn đề không chỉ là phân loại rác thải khi vứt bỏ chúng mà còn là việc chọn mua hàng hóa có thể tái sử dụng hoặc tái chế”. Nói cách khác, các nhà sản xuất phải chung tay giải quyết bài toán rác thải, không sản xuất bao bì đựng hàng khó tái chế hoặc không thể sử dụng lại. Ông nêu ví dụ về hộp đựng khoai tây rán, hình trụ làm bằng kim loại và giấy. Mặc dù được làm bằng những chất liệu có thể tái sử dụng nhưng nó lại bị xếp vào loại rác thải khó tái chế do phần giấy bị dán keo cứng nên khó sử dụng lại trong khi phần đáy bằng kim loại cũng khó tách ra. “Quá trình tái chế rác thải không thể thực hiện khi không có sự hợp tác của các nhà sản xuất”, thị trưởng Kasamatsu khẳng định.

Không những góp phần bảo vệ môi trường, chương trình “không rác thải” còn giúp chính quyền Kamikatsu tiết kiệm đáng kể chi phí xử lý rác thải sinh hoạt so với thời sử dụng lò đốt rác. Từ năm 2002 đến nay, gần 80% rác thải ở thị trấn này được tái chế, so với mức bình quân 14% ở các địa phương khác của Nhật. Theo hãng tin Anh BBC, nếu được nhân rộng, chính sách “không rác thải” của Kamikatsu sẽ góp phần hạn chế đáng kể rác thải thực phẩm - một trong những nguồn giải phóng khí methane và carbon dioxide, tác nhân chính gây ra hiện tượng ấm nóng toàn cầu làm biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời có thể hạ nhiệt phần nào cơn sốt giá lương thực đang lan ra khắp toàn cầu.

MAI DIỆP (Theo BBC, Asahi Shimbun)

Chia sẻ bài viết