02/06/2020 - 06:18

Nơi hồi sinh những giấc mơ huấn luyện 

Sau nhiều năm tránh thuê HLV ngoại, giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) đang dần trở thành mảnh đất lý tưởng cho các nhà cầm quân trẻ phát triển tài năng.

Frank de Boer đang dẫn dắt Atlanta United. Ảnh: Goal

Ở những mùa giải đầu tiên của MLS, các đội ồ ạt thuê “thầy” ngoại nhưng rồi nhận ra: thuê HLV không có hoặc ít kinh nghiệm tại đấu trường này đều bị coi như “bản án tử” cho cả CLB lẫn chiến lược gia đó. Những người từng thất bại tại Mỹ gồm có cựu HLV Brazil Carlos Alberto Parreira, cựu HLV Real Madrid Carlos Queiroz và cả cựu danh thủ Hà Lan Ruud Gullit. “Có quá nhiều xung đột xảy ra giữa cách làm việc quen thuộc của tôi và các quy định tại MLS”, Gullit, người có thời gian dẫn dắt LA Galaxy 19 trận, chia sẻ.

Giải MLS bị kiểm soát bởi mức lương trần, Quy định cầu thủ được chỉ định (còn gọi là Luật Beckham), nên việc huấn luyện tại đây đòi hỏi kỹ năng khác xa so với những gì cần có để thành công ở châu Âu hoặc Nam Mỹ. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, lương trần tăng dần lên, một số HLV tên tuổi nhảy vào MLS và làm nên chuyện. Nhờ vậy, cánh cửa cũng rộng mở hơn. Với việc FC Cincinnati hồi tuần rồi thuê huyền thoại người Hà Lan Jaap Stam làm HLV trưởng, MLS hiện có 12 đội bóng sử dụng HLV ngoại, trong đó 5 người chưa bao giờ thi đấu hoặc cầm quân tại xứ cờ hoa trước đây.

Khởi tranh từ năm 1993, MLS hiện có 24 đội tranh tài và không có CLB xuống hạng. MLS đưa ra mức lương trần áp dụng cho các đội bóng dự giải năm 2019 là 4,24 triệu USD, nhưng cho phép mỗi CLB chỉ định một số trường hợp “ngoại lệ”, tức những cầu thủ được hưởng lương tùy theo khả năng chi trả của đội bóng. Áp lương trần nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng, ngăn các đội chi đậm cho các cầu thủ. Hiệu quả của nó thấy rõ qua việc có tới 10 CLB khác nhau lên ngôi MLS trong 13 mùa giải qua. Sau khi ra đời vào năm 2007, Luật Beckham cũng đã mở đường cho hàng loạt ngôi sao đổ bộ đến MLS, như Thierry Henry, Kaka, Andrea Pirlo, Wayne Rooney và Zlatan Ibrahimovic.

Những con số trên báo hiệu sự chuyển mình ở MLS. Nhiều chiến lược gia bóng đá phát hiện đây là môi trường để khởi nghiệp hoặc hồi sinh sự nghiệp huấn luyện. Câu chuyện thành công nhất cho tới nay là Patrick Vieira, người tiếp quản New York City FC (NYCFC) hồi năm 2015. Do từng làm Giám đốc học viện trẻ của Manchester City, nên thời gian làm việc cùng những cầu thủ chuyên nghiệp ở MLS tiếp tục là cơ hội để cựu tuyển thủ Pháp trau dồi khả năng chỉ đạo. Trong 2 năm rưỡi tại NYCFC, Vieira đã tạo nên một hệ thống và văn hóa giúp định hình buổi đầu lịch sử đội bóng này. Qua 91 trận dẫn dắt NYCFC, Vieira giành 40 chiến thắng, 23 hòa và 28 thất bại, tỷ lệ thắng là 44%. Năm 2018, CLB Pháp Nice chú ý tới và mời Vieira về làm HLV trưởng.

Thật ra, Vieira không phải là trường hợp duy nhất “đổi đời” nhờ chinh chiến tại MLS. Sau ông còn có Gerardo Tata Martino cùng CLB Atlanta United giành Cúp MLS cuối năm 2018. Ngay cả HLV người Mỹ Jesse Marsch cũng chuyển đến châu Âu làm thuyền trưởng Red Bull Salzburg sau thời gian lèo lái New York Red Bulls ở MLS.

Do vậy, các HLV trẻ như Thierry Henry, Frank de Boer và Stam có cơ sở để tin rằng MLS giúp hồi sinh sự nghiệp sau những cuộc chia tay không kèn không trống tại trời Âu. Henry nhanh chóng được bổ nhiệm làm HLV Monaco hồi tháng 10-2018, nhưng chỉ trụ được vài tháng thì bị sa thải do chuỗi thành tích bết bát (4 chiến thắng/20 trận). De Boer thì gia nhập Atlanta United sau những mùa giải đáng quên tại Crystal Palace và Inter Milan. Đồng hương của ông là Stam từng có vỏn vẹn 4 tháng ngồi “ghế nóng” Feyenoord trước khi chia tay đội bóng Hà Lan này hồi tháng 10 năm ngoái.      

BÌNH DƯƠNG (Theo Goal, Reuters)

Chia sẻ bài viết