19/02/2010 - 21:38

Nơi ấy có hai dòng mặn, ngọt...

Ngồi chung bữa tiệc thôi nôi ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, Châu Thành A-Hậu Giang, nghe một nông dân quê ở Kinh Ba, Vĩnh Thuận-Kiên Giang, kể chuyện dân biển nuôi tôm càng xanh trên vùng nước mặn. Thú thật, lúc bấy giờ tôi cũng bán tín bán nghi, ai đời con tôm càng xanh là giống nước ngọt lại sống được trên đất nuôi tôm sú là loại chỉ thích nghi với nước mặn! Nhân chuyến công tác về 2 tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh vừa qua, mọi nghi vấn đã được giải tỏa...

CON TÔM “ÔM” CÂY LÚA

Không chỉ ở vùng nước ngọt như các quận Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh -TP Cần Thơ, huyện Phụng Hiệp-Hậu Giang, từ hai năm nay, mô hình nuôi tôm càng xanh (TCX) xen canh tác lúa mùa 1 bụi đỏ hoặc 1 bụi vàng đã xuất hiện vùng nước mặn ven biển Đông, tạo tâm lý phấn khởi cho người nông dân ở những vùng đất khó như hai tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh...

Anh Nguyễn Phi Long ở ấp 14, xã Kinh Ba, huyện Vĩnh Thuận-Kiên Giang cấy 30 công lúa 1 bụi đỏ, xong rồi thả TCX theo mật độ 3.000 con/1m2; nuôi theo phương thức quảng canh nên thức ăn cho tôm cũng rất đơn giản, đã có cá biển xay khô, giá mỗi ký 3-4 ngàn đồng là đủ.

 Cán bộ chuyên môn hướng dẫn nông dân chế biến thức ăn nuôi tôm càng xanh.

Theo các nông dân nuôi tôm, độ mặn ở đây chỉ cần 6,5 độ là vừa, nếu lên đến 7-8 độ phải pha nước ngọt nửa tháng rồi mới thả tôm được.

Cứ 1ha cho thu hoạch 1 tấn tôm, theo thời giá 120.000 đồng/ký.Chỉ cần điện thoại là thương lái vựa Vĩnh Thuận , TP Rạch Giá vào mua không thấy tay! Các thương lái chỉ cần trang bị bình ôxy, cân về bỏ mối tôm tươi sống cho nhà hàng, siêu thị. Thùng đựng tôm thì chủ vựa có bán sẵn, mỗi cái 120.000 đồng. Ở ấp 14 này nhà nhà nuôi tôm càng xanh, ngoài anh Long, tiêu biểu còn có Lê Văn Đáng (Tư Đáng), nhà cách trụ sở UBND xã khoảng 7km, nuôi 23 công; Trần Văn Tứ 13 công... Cũng có những người do đơn chiếc thì cho thuê đất nuôi tôm cứ 6 tháng, mỗi công thu 20 giạ quy lúa.

Tại huyện Trà Cú, nơi có hơn 60% là người Khmer. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhiều xã còn nằm trong Chương trình 135 thuộc diện ưu đãi của Chính phủ.

Ông Trần Văn Tưa, cán bộ phụ trách thủy sản Phòng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT), cho biết: Trà Cú có 6 tháng mặn từ tháng 12 đến tháng 6 âm lịch, muà nắng, độ mặn cao, nhưng từ tháng 7-11 âm lịch là mùa mưa, nước ngọt ở sông đo là không phần ngàn, thích hợp nuôi TCX. Môi trường nước mặn dưới 5 phần ngàn có thể là môi trường cho TCX sinh trưởng tốt.

Theo anh Trang Văn Cường ở ấp Vàm Bến Tranh, xã Định An, nguồn con giống lấy từ Bến Tre và thị xã Trà Vinh. Thức ăn nuôi tôm rất phong phú, đa dạng: thức ăn công nghiệp, cá biển vụn, dừa khô xắt nhuyễn, khoai mì sống lột vỏ, gạo, cám mịn rang vàng, cá nấu trộn hỗn hợp. Ai kỹ lưỡng hơn có thể mua thêm thuốc bồi dưỡng cho tôm thì ăn chắc... Nhưng nếu quá tiết kiệm chỉ cho tôm ăn thức ăn duy nhất là dừa, con tôm sẽ thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển lại dễ bị bệnh đường ruột. Anh Cường thông tin thêm, nơi đây ứng dụng theo phương thức nuôi của Tiền Giang và An Giang. Chỉ cần 5-6 tháng thả nuôi, so với cá tra, ít vốn hơn nhiều lại ít bị rủi ro.

Theo các chủ vuông tôm, quy trình xử lý ao hồ cũng tương đối giản đơn. Sau khi thu hoạch xong vụ trước, bơm nước vào để vệ sinh môi trường, kế đến sẽ tiến hành cạo đất, lấy lên một lớp bùn, đồng thời xử lý bằng vôi bột nhằm tránh nước không bị ô nhiễm. Nơi nào đo độ mặn cao phải pha thêm nước ngọt, sau nửa tháng mới bắt đầu thả tôm. Cứ cấy thưa để tôm lỏng chân bò lên ăn được. Khi thu hoạch lúa mùa cũng là lúc bắt tôm thương phẩm đem bán.

Những nông dân nuôi tôm có kinh nghiệm ở địa phương bảo rằng trước khi thu hoạch, bố trí đặt lú, một loại có hom giống như lọp nhưng lớn hơn, sau đó bơm nước đầy khoảng 3-4 tấc, cứ 6-7 giờ tối xả nước từ từ, nước chảy đến đâu, tôm theo đến đó. Mỗi vuông tùy theo rộng hẹp có thể đặt từ 20-30 chiếc lú là được, cứ 3-4 giờ giở lú một lần. Ban đêm mỗi lú giở ra 7-8 ký tôm là chuyện bình thường. Nếu dùng chài quăng bắt thì biết bao giờ mới kịp!

Ông Hà Thanh Phương, Chủ tịch UBND xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú cho hay, toàn xã hiện có 193 hộ nuôi trên diện tích 221,3ha mặt nước. Mấy năm trước chỉ có ít hộ nuôi, chủ yếu lấy nguồn giống từ tôm thiên nhiên. Bây giờ, đã có trại giống của ông Sáu Tiếp ở thị xã Trà Vinh và một số hộ từ Bến Tre mang sang, tha hồ chọn lựa. Giá con giống cũng không tăng nhiều, từ 100-150 đồng/con tôm giống. Nếu giống toàn đực giá có thể nhỉnh hơn đôi chút nhưng bù lại thu hoạch đạt năng suất và sản lượng cao hơn. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Công ở xã Hàm Tân, đầu tư con giống toàn đực trên 5.000m2 mặt nước, sau vụ thu hoạch lời 17 triệu đồng...

NUÔI TÔM LIỀN NHÀ

Kỹ sư Trần Thị Ngọc Bích, cán bộ nông nghiệp xã Đôn Xuân khoe: “Hiện nay, ở miệt này, từ cán bộ đến dân đang hình thành phong trào “Nhà nhà, người người đều nuôi tôm”. Nhiều hộ làm quen với mô hình này mang lại lợi nhuận khá cao như: hộ anh Trần Văn Triệu ở ấp Cây Còng thả nuôi 17 công, Trần Văn Nhã 15 công, mỗi năm thu lời trên 30 triệu đồng, gấp nhiều lần so với chỉ đơn thuần trồng lúa... Với đà này địa phương có khả năng mở rộng lên 300ha TCX”.

Dạo quanh một vòng các xã nuôi tôm càng xanh trong huyện, không khí mua bán nhộn nhịp hẳn lên. Giá tôm xô lên đến 100.000đồng/ký cân không xuể. Hễ đến mùa thu hoạch nhà tôm chỉ cần alô là thương lái Cầu Quan, huyện Tiểu Cần đến tận nơi. Ông Quách Mẹo nuôi theo mô hình lúa+TCX lời 80 triệu đồng. Ông Mẹo nói rằng mọi năm bà con nuôi tôm sú thất thoát nhiều, việc chuyển qua nuôi tôm càng xanh ngày càng phát huy tác dụng nên mô hình 50 triệu đồng/ha do Bộ NN&PTNT phát động là có cơ sở thực hiện.

Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, cơ cấu vụ mùa ở đây là một mùa tôm sú cùng với một vụ TCX trong lúa mùa bụi vàng. Dự án lúa-tôm khu vực Xà Lôn (Đại An)-Lộ Sỏi (Đôn Xuân) do Sở NN&PTNT Trà Vinh đầu tư đào kinh làm cống bọng đê liên kết với xây dựng hệ thống giao thông cho dân theo mô hình khép kín kinh hở, lấy nước tự do theo thủy triều. Nhờ trục kinh chính, các tiểu vùng ngăn mặn, dễ dàng cho việc trồng lúa kết hợp nuôi TCX. Mô hình 1vụ tôm sú+ 1vụ lúa xen TCX nuôi quảng canh tỏ ra có hiệu quả trong nhiều năm qua, bởi lẽ sau vụ tôm sú thải ra chất dinh dưỡng có lợi cho trồng lúa, bên cạnh đó thả tôm trên nền lúa sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo gìn giữ môi trường.

Ông Trần Hoàng Bá, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trà Cú cho hay, năm 2009, huyện có 419 hộ thả nuôi hơn 360ha TCX, tăng hơn gấp 7 lần so với kế hoạch và gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, tổng giá trị gần 7,5 tỉ đồng, tăng 4,8 tỉ đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống nông dân. Từ bước chuyển dịch cơ cầu cây trồng vật nuôi có hiệu quả này, năm 2010, trong số 5.445ha trồng lúa và nuôi tôm sú kém hiệu quả của huyện sẽ được chuyển sang cơ cấu khác, Trà Cú tiếp tục phát triển thêm 400ha TCX.

Thạc sĩ Phạm Văn Tình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia-Bộ NN&PTNT thông tin, hiện Bộ đang khuyến khích nông dân vùng ĐBSCL thực hiện mô hình nuôi luân canh tôm-lúa bởi lẽ nếu chỉ nuôi tôm độc canh, vấn đề nhiễm mặn trở nên khó giải quyết và đe dọa đến sự phát triển lâu dài của ngành...

NGUYỄN HÀ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết