24/05/2018 - 07:31

Nỗ lực “phủ xanh” thành phố 

Mùa xuân năm 1959, Bác Hồ phát động “Tết trồng cây” và từ đó đến nay, phong trào ngày càng phát triển lớn mạnh, sâu rộng, trở thành tập quán tốt đẹp của nhân dân ta, góp phần giữ đất rừng, tích cực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tại TP Cần Thơ, phong trào trồng cây đã và đang được các cấp chính quyền, người dân quan tâm, hưởng ứng rất tích cực.

Trồng cây xanh tại xã Trường Thắng, huyện Thới Lai. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Trồng cây xanh tại xã Trường Thắng, huyện Thới Lai. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ông Phạm Văn Toàn, ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ việc phát triển trồng và bảo vệ cây xanh để tạo môi trường sống trong lành, xanh tươi... Các cấp chính quyền thành phố cũng rất quan tâm phát triển các mảng xanh đô thị, với nhiều tuyến đường được trồng cây xanh, nhiều công viên được cải tạo, xây mới... vừa tạo cảnh đẹp, bóng mát, vừa thanh lọc không khí”.

Phát biểu tại lễ phát động hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2018 được tổ chức tại xã Trường Thắng, huyện Thới Lai vào ngày 19-5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức Tết trồng cây TP Cần Thơ, kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các đoàn viên thanh niên, các cháu thiếu niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, hưởng ứng mạnh mẽ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đặc biệt là tập trung cho cao điểm “Tuần lễ trồng cây nhớ ơn Bác” thành phong trào sôi nổi, rộng khắp từ cơ quan, trường học, bệnh viện, đơn vị, lực lượng vũ trang đến các xóm, ấp, khu dân cư… góp phần tạo cảnh quan, môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp trên toàn thành phố.

Hệ thống cây xanh tại nhiều nơi trên địa bàn TP Cần Thơ đã phát huy tác dụng và hiệu quả trong tạo bóng mát, chống sạt lở, xói mòn đất, ngăn giữ các chất khí bụi độc hại, ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm đất và độ ẩm không khí, kiểm soát gió và lưu thông gió… Ngoài ra, cây xanh cũng có vai trò quan trọng trong tạo cảnh quan môi trường xanh tươi, mang lại  lợi ích kinh tế cho con người. Ông Huỳnh Tự Do, ngụ xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho rằng: “Cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống. Mỗi khi chính quyền địa phương phát động Tết trồng cây hay các phong trào trồng cây cảnh tạo cảnh quan, gia đình tôi đều hưởng ứng”. Theo em Nguyễn Văn Hóa, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai, thầy cô của trường thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh về lợi ích của cây xanh, vận động học sinh tham gia trồng cây xanh, bảo vệ môi trường. Năm nay, học sinh và giáo viên Trường THPT Thới Lai hưởng ứng phong trào này bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Những năm qua chính quyền, các ban ngành đoàn thể và nhân dân tại huyện Thới Lai nỗ lực trồng cây xanh, tạo môi trường “xanh- sạch- đẹp” và thực hiện các quy định về bảo vệ cây xanh. Hằng năm, huyện đầu tư hàng trăm triệu đồng cho công tác trồng cây, bảo vệ, gìn giữ cảnh quan. Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Năm qua, toàn huyện đã trồng hơn 312.600 cây xanh các loại, đạt 100,48% kế hoạch thành phố giao. Trong đó, có 1.500 cây sao, 167.750 cây bạch đàn, 35.000 cây tràm và 108.350 các loại cây khác”.

Theo Ban chỉ đạo tổ chức Tết trồng cây- UBND TP Cần Thơ, thực hiện Kế hoạch số 30/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2017, toàn thành phố trồng được 1.018.490 cây các loại: dầu, sao, xà cừ, keo lai, bạch đàn, hoàng hậu, tràm, bằng lăng và một số loại cây khác... đạt 107,21% kế hoạch, tương đương diện tích trồng mới 491,1ha. Cây xanh được trồng khắp cả 9 quận, huyện của thành phố, trong đó Vĩnh Thạnh trồng 313.200 cây, Thới Lai: 312.600 cây, Phong Điền 93.100 cây, Cờ Đỏ 56.920 cây, Bình Thủy 57.020 cây, Thốt Nốt 40.600 cây… Năm 2018, TP Cần Thơ đề ra kế hoạch trồng 900.000 cây xanh các loại. Địa điểm trồng cây là đất tại công sở, trường học, nhà văn hóa, chùa, các trục đường mới mở, đất đã quy hoạch, trang trại, vườn hộ gia đình.v.v... Thành phố khuyến khích các địa phương ưu tiên chọn trồng các loại cây bản địa, đặc thù, có hiệu quả kinh tế, có sức sống, sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của thành phố, như: sao, dầu, xà cừ, hoàng hậu, gáo, tre, trúc, tầm vông, bạch đàn, keo lai...

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết