04/11/2015 - 20:53

THỐT NỐT

Nỗ lực ngăn bệnh sốt xuất huyết lan rộng

Tính đến 30-10-2015, toàn quận Thốt Nốt có 69 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 43 ca so với cùng kỳ năm 2014. Trước tình hình đó, quận triển khai nhiều giải pháp tích cực ngăn chặn bệnh SXH lan rộng và bùng phát...

Cùng phường Tân Hưng dập dịch

  Cán bộ Trạm Y tế phường Tân Hưng gắn loa tuyên truyền SXH lên xe gắn máy để tuyên truyền “lưu động” ở các khu dân cư.

Theo thống kê, quận Thốt Nốt có 3 phường số ca mắc SXH cao: Tân Hưng (19 ca), Thuận Hưng (16 ca), Trung Kiên (14 ca). Trong đó phường Tân Hưng, tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp nhất. Toàn phường có 8 ổ dịch SXH. So với cùng kỳ 2014, phường tăng đến 18 ca SXH. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng trạm Y tế phường Tân Hưng, cho biết: "Bắt đầu từ tháng 4-2015, số ca SXH ở phường bắt đầu tăng, rải rác các khu vực. Riêng ở khu vực Tân Phước, tháng 4 có 5 ca mắc SXH. Trong đó 1 gia đình có 3 người mắc SXH. Trạm Y tế phường kết hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tổ chức diệt lăng quăng, phun thuốc diện rộng toàn khu vực này". Tháng 8 và 10, phường Tân Hưng tổ chức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và phun thuốc diện rộng. Mỗi khu vực thành lập 3-4 đoàn, đến các hộ dân phát tờ rơi, kiểm tra lăng quăng các dụng cụ chứa nước. Để tránh dịch bệnh lây lan, khi nhận tin khu vực có ca SXH từ cộng tác viên, tổ y tế... dù chưa có thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP), trạm y tế tổ chức xác minh thông tin. Nếu có ca bệnh thì lập đoàn diệt lăng quăng và muỗi ngay, không để mầm bệnh có dịp lây lan, phát tán. Bên cạnh công tác vãng gia, tuyên truyền, Trạm Y tế chủ động phối hợp với các trường sinh hoạt phòng, chống dịch SXH cho giáo viên, học sinh trong sinh hoạt dưới cờ. Các trường cũng nhắc nhở học sinh về diệt lăng quăng trong phạm vi gia đình mình. Trạm Y tế cộng tác với đài truyền thanh tuyên truyền về SXH, phát thanh rộng rãi trong dân.

Ngành y tế phường Tân Hưng không đơn độc trong phòng, chống dịch SXH. Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Chí Hiếu cho biết: "Phường quan tâm chỉ đạo, huy động lực lượng các khu vực, ban, ngành, đoàn thể... kết hợp chặt chẽ với ngành y tế tham gia phòng, chống dịch SXH. UBND phường hỗ trợ xăng, dầu, tiền công cho người phun hóa chất diệt muỗi; tiền vãng gia 200.000 đồng/khu vực/tháng. Thời gian tới, phường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội, họp lệ... của các ngành, đoàn thể, từ đó nâng cao tính gương mẫu, đi đầu trong việc phòng, chống dịch bệnh SXH của cán bộ, hội viên". Trước tình hình dịch bệnh SXH ở phường Tân Hưng, vừa qua, TTYTDP quận Thốt Nốt cũng huy động lực lượng các phường hỗ trợ phường Tân Hưng vãng gia, diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi... Theo chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, tình hình SXH ở phường có xu hướng lắng dịu, 4 tuần qua, không ghi nhận ca SXH mới.

Sáng kiến "xe truyền thông" lưu động

Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp trên địa bàn quận Thốt Nốt, TTYTDP TP Cần Thơ, UBND và TTYTDP quận chi trên 80 triệu đồng (trong đó UBND quận hỗ trợ gần 35.500.000 đồng) để triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng, phòng, chống SXH. Ngoài ra, một số phường chi hỗ trợ xăng, dầu, tiền công phun hóa chất..., TTYTDP quận phân bổ 7.000 tờ rơi, 100 áp phích, 24 băng rôn, 72 lít hóa chất diệt muỗi... cho các phường. Trên địa bàn quận cũng đã tổ chức nhiều đợt chiến dịch diệt lăng quăng, phòng, chống SXH. Trong đó, đặc biệt chú trọng hiệu quả truyền thông. Ở các tuyến đường nội ô, TTYTDP quận bố trí ô tô, gắn loa tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, thời lượng phát mỗi tháng 1 lần. Riêng các tuyến đường ô tô không đến được, TTYTDP quận có sáng kiến sử dụng xe gắn máy, gồm thùng loa kèm 2 panô (gắn USB có nội dung tuyên truyền), chạy khắp các tuyến đường để tuyên truyền cho người dân về bệnh SXH. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc TTYTDP quận Thốt Nốt, cho biết: "Quận cấp thùng loa, USB cho các phường để tuyên truyền định kỳ (2 lần/tháng) rộng khắp địa bàn. Quận chỉ đạo các trạm y tế tuyên truyền qua truyền hình, cung cấp thông tin phòng, chống SXH cho người dân đến khám bệnh, tiêm ngừa". Nói về sáng kiến này, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: "Hình thức tuyên truyền bằng loa phát thanh rất hữu hiệu, thu hút sự quan tâm lắng nghe của người dân đối với việc phòng, chống bệnh SXH".

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, vài tháng gần đây, bệnh SXH ở quận Thốt Nốt có dấu hiệu giảm so với quý I và quý II. Tuy nhiên, thời điểm này trời đang mưa, thời tiết diễn biến bất thường, vì thế không nên chủ quan với bệnh SXH. Thời gian tới, TTYTDP tiếp tục chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch nhỏ. Đồng thời phối hợp bệnh viện quận tổ chức tập huấn về giám sát, xử lý, tiếp nhận và điều trị bệnh SXH; tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng cũng như củng cố các đội chống dịch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất… để sẵn sàng ứng phó khi có dịch lớn xảy ra trên địa bàn.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết