30/11/2022 - 15:48

Nỗ lực đảm bảo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm miền Tây 

Hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu kết nối… là điểm nghẽn đối với sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ưu tiên nguồn vốn lên đến khoảng 86.000 tỉ đồng đầu tư hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm để gỡ nút thắt phát triển cho ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Tăng ca, tăng kíp đảm bảo tiến độ

Trong chuyến kiểm tra hiện trường thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ ngày 23-11-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các nhà thầu tăng "ba ca, bốn kíp", nghiên cứu các sáng kiến rút ngắn tiến độ các dự án, hoàn thành sớm hơn dự kiến. Đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng công trình, yếu tố an toàn lao động.

Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có chiều dài hơn 6,6km. Trong đó, cầu chính dây văng dài 650m; tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 5.000 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 3-2020, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Đến nay, trong 5 gói thầu xây lắp, một gói thầu đã hoàn thành vào năm 2021, các gói còn lại đang được triển khai đảm bảo tiến độ. Riêng gói thầu chính XL.03B thi công thân trụ từ T14 đến T17 và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng, hiện khối lượng thi công đang vượt hơn 3%. Các nhà thầu đang triển khai 3 mũi thi công, thi công xong 30/33 đốt thân trụ T15, 29/33 đốt thân trụ T16. Dự kiến xong toàn bộ trụ vào cuối tháng 12-2022. Nhịp chính dây văng dự kiến đến ngày 30-10-2023 hoàn thành 16 đốt đúc nhịp chính trên mỗi trụ tháp. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2023.

Còn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ kết nối cao tốc cầu Mỹ Thuận 2, kéo dài 23km đến cầu Cần Thơ, được đầu tư với quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17m. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.826 tỉ đồng, khởi công năm 2021 và dự kiến hoàn thành năm 2023.

Ông Phan Duy Lai, Phó Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện 15 cầu trên tuyến cơ bản đã hoàn thành. Trong 20km đường, đã có 17km đang gia tải giai đoạn 1, còn lại 3km đang thực hiện. Dự kiến ngày 31-12-2022 sẽ cơ bản hoàn thành tuyến.

Nguy cơ đội vốn một số dự án thành phần

Hiện nay, 3 tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đang được chủ đầu tư và các địa phương tập trung triển khai.

Ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài gần 190km, đi qua 4 tỉnh, thành gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỉ đồng. Giai đoạn 1, tuyến được đầu tư bốn làn xe và được phân thành bốn dự án thành phần độc lập, giao cho các địa phương có dự án đi qua thực hiện. Các dự án này đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thẩm định.

Về hướng tuyến, cơ bản không thay đổi so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được phê duyệt. Tuy nhiên các chủ đầu có kiến nghị vi chỉnh một số vị trí đi qua khu dân cư đông đúc, các công trình văn hoá, chùa... để giảm khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã chủ trì các cuộc họp với các địa phương; đồng thời cơ bản thống nhất phương án tuyến do các chủ đầu tư và tư vấn giám sát kiến nghị…

Công trình cầu Mỹ Thuận 2.

Mặc dù các chủ đầu tư quyết liệt triển khai dự án, tiến độ đáp ứng so với kế hoạch, nhưng theo báo cáo của các chủ đầu tư thì trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, một số dự án thành phần đang có nguy cơ bị “đội” vốn. Đơn cử, dự án thành phần 4 (thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư. Theo tính toán của tư vấn, tổng mức đầu tư của dự án có thể vượt hơn 950 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư dự kiến 11.120 tỉ đồng đã được phê duyệt.

Còn dự án thành phần 1 (thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu), theo báo cáo từ chủ đầu tư là Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chi phí dự án tăng hơn 350 tỉ đồng về chi phí GPMB và chi phí xây dựng.

Công nhân thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Trong buổi làm việc với các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua vừa qua,  Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với chủ đầu tư các dự án thành phần, rà soát lại mức đầu tư của các dự án. Từ đó, báo cáo về Bộ GTVT để có phương án xử lý. Các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, bám sát theo các mốc tiến độ của Nghị quyết Chính phủ đã đề ra.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, các cơ quan của Chính phủ hoàn thành thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB... để đảm bảo tiến độ các tuyến cao tốc.

Công nhân thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Bài, ảnh: AN CHI

Chia sẻ bài viết