05/07/2022 - 09:05

Nỗ lực đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 6-2022 diễn ra mới đây, nội dung chính được đề cập là làm sao đảm bảo nguồn cung và ổn định giá; trong đó có giá xăng dầu và giá hàng hóa đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu tăng cao.  Tại TP Cần Thơ, từ sự nỗ lực của chính quyền cùng các cấp, ngành, nguồn cung hàng hóa trên thị trường ổn định, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hoạt động mua sắm tại Siêu thị GO! Cần Thơ.

Ổn định thị trường

Báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa trong nước thời gian qua vẫn chịu tác động mạnh mẽ của những biến động về địa chính trị, nguồn cung cũng như giá cả hàng hóa trên thế giới. Hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 6 có xu hướng tăng giảm đan xen. Giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Ðể bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.

Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong những giai đoạn nhu cầu tăng mạnh như Tết Nguyên đán, giai đoạn mùa vụ sản xuất... Lưu thông hàng hóa trên thị trường vẫn diễn ra sôi động và gần như không còn bị hạn chế của dịch COVID-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.717.000 tỉ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, tại thị trường TP Cần Thơ, tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu của thành phố ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ðặc biệt với việc khôi phục các hoạt động du lịch, các hoạt động xúc tiến thương mại, văn hóa diễn ra trong tháng 4 và tháng 5 như Lễ khánh thành Ðền Hùng, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2022, Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ 2022… đã góp phần kích cầu tiêu dùng, nâng giá trị thương mại của thành phố tăng. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng năm 2022 ước đạt gần 57.180 tỉ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ.

Không để thiếu hàng, tăng giá

Nửa cuối năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các vấn đề địa chính trị và các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 nên tiềm ẩn nhiều biến động. Giá hàng hóa trên thị trường thế giới sẽ có thể còn tăng và ở mức cao nên sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Trong nước, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu luôn được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và có chính sách điều hành kịp thời để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên, giá hàng hóa sẽ chịu ảnh hưởng từ giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên sẽ vẫn ở mức cao.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường trong những tháng cuối năm, Sở tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, tham mưu thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu. Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nắm tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, kịp thời báo cáo UBND thành phố, Bộ Công Thương trường hợp vượt thẩm quyền. Tập trung nguồn lực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Chỉ đạo hỗ trợ, xúc tiến tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tổ chức các hoạt động kết nối đầu ra, thu mua nông sản gặp khó khăn về đầu ra trên địa bàn thành phố…

Ðảm bảo cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu là một trong những yếu tố quan trọng nhất để ổn định thị trường. Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá xăng dầu thời gian tới dự báo vẫn phụ thuộc diễn biến căng thẳng chính trị trên thế giới. Giá xăng dầu có thể dao động từ 100-120 USD/thùng. Trong nước, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cam kết đảm bảo nguồn cung cho thị trường xăng dầu đến hết quý III. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã có kiến nghị giảm thuế MFN (mức thuế Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO và phải tuân thủ cam kết WTO của Việt Nam) từ 20% hiện nay xuống 10% hoặc 8%. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp và các đơn vị tăng cường nguồn cung, đảm bảo từ nay đến quý III, quý IV. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn tại TP Cần Thơ cũng đưa ra cam kết đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường những tháng cuối năm 2022.

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Ðồng thời, Bộ cũng đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng; giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước. Kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ðồng thời, tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành thị trường trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.

Chia sẻ bài viết