24/09/2020 - 09:12

Mời gọi đầu tư mới, nâng công suất các nhà máy nước

Nỗ lực cung cấp nước sạch đến người dân 

Nước sạch là một nhu cầu cơ bản thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước sạch, nhất là khu vực nông thôn.

Đảm bảo chất lượng nước

Trạm cấp nước nông thôn tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Trạm cấp nước nông thôn tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Năm 2015, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, thời gian qua, thành phố đã và đang tiến hành kêu gọi đầu tư mới, nâng công suất các nhà máy nước trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt. Đến nay, đã có 3 dự án cấp nước đang được tiến hành nghiên cứu và triển khai thực hiện gồm: dự án xây dựng mới Nhà máy nước Sài Gòn - Mê Kông công suất 50.000m3/ngày đêm; dự án nâng công suất Nhà máy nước Bông Vang từ 2.500m3/ngày đêm lên 10.000m3/ngày đêm; dự án xây dựng Nhà máy cấp nước Cờ Đỏ công suất 3.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, các công ty cấp nước trên địa bàn đang tiến hành đầu tư, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước để phục vụ người dân. Song song đó, thực hiện các dự án nhằm chống thất thoát, thất thu nước sạch, cấp nước an toàn theo lộ trình quy hoạch được duyệt.

Thành phố hiện có 12 nhà máy cấp nước đô thị với công suất 174.420m3/ngày đêm và hệ thống 188 trạm cấp nước nông thôn với công suất 30.164m3/ngày  đêm. Đến nay, tỷ lệ cấp nước đô thị đạt 97% và tỷ lệ cấp nước nông thôn đạt 84,5%. Các đơn vị cấp nước phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thường xuyên lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước theo định kỳ. Năm 2019, Sở Xây dựng tổ chức đoàn kiểm tra chất lượng nguồn nước thô của 19 nhà máy, trạm cấp nước trên địa bàn. Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu xét nghiệm đều đạt chất lượng theo quy chuẩn hiện hành.

Ông Nguyễn Tùng Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ, cho biết: Để đảm bảo chất lượng nguồn nước, công ty lắp đặt hệ thống quan trắc tự động các chỉ tiêu nguồn nước thô và nước đầu ra. Đến nay, chất lượng nguồn nước cấp cho người dân đảm bảo theo các tiêu chuẩn hiện hành.

Theo ông Nguyễn Thế Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP Cần Thơ: Đối với các trạm cấp nước được xây dựng mới giai đoạn từ năm 2016 đến nay đều được thiết kế theo tiêu chuẩn các quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo QCVN 01:2009/BYT. Đối với hệ thống trạm cấp nước đầu tư giai đoạn trước 2016, đơn vị tiến hành cải tiến quy trình công nghệ, đầu tư các trang thiết bị, thay thế các đường ống cũ, rò rỉ. Đồng thời, triển khai tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo các nhân viên về cấp nước an toàn.

Tăng tỷ lệ hộ dân tiếp cận nước sạch, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện thường xuyên rà soát nhu cầu dùng nước của các địa phương. Trên cơ sở đó, kêu gọi đầu tư, mở rộng đường ống cấp nước, kiểm tra kế hoạch cấp nước an toàn, chất lượng nước sạch của các đơn vị cấp nước theo từng năm và theo chỉ tiêu kế hoạch giao.

Gỡ khó cho cấp nước

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, công tác cấp nước trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt. Nguồn nước ô nhiễm từ các kênh rạch, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý triệt để có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước thô, đặc biệt vào thời điểm khô hạn. Vì vậy, công tác xử lý, theo dõi chất lượng nước thô và nước sạch cũng gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp, đơn vị cấp nước chưa được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi để cải tạo, mở rộng mạng lưới đường ống, nhà máy cấp nước (một số nhà máy đã đầu tư hơn 20 năm) để thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch. Nguồn nhân lực cũng như trình độ chuyên môn còn hạn chế.

Trước thực trạng trên, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, kiến nghị: Bộ Xây dựng xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học tiên tiến trong việc quản lý chất lượng nước sạch, nước thô, áp lực, mạng lưới hệ thống cấp nước. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao kiến thức, thực hiện công tác cấp nước an toàn, chống thất thu, thất thoát nước sạch trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, hỗ trợ thành phố, các đơn vị cấp nước tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại, các chương trình hợp tác trong nước, ngoài nước để thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn thành phố.

Tạo điều kiện cho đơn vị cấp nước hoạt động ổn định, hiệu quả, ông Nguyễn Tùng Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ, chia sẻ: Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ sớm ban hành Luật cấp nước. Đây là hành lang pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân có cơ sở thực hiện tốt. Chẳng hạn như cơ chế bảo vệ nguồn nước thô, các trạm lấy nước, tài sản doanh nghiệp cấp nước… Như vậy, hoạt động cấp nước từng bước vận hành tốt hơn. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn ban hành từ năm 2012, cần sớm có Thông tư thay thế phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Qua đó, doanh nghiệp nắm được nguyên tắc xây dựng mức giá nước bảo đảm tính đúng, tính đủ đảm bảo nguồn lực hoạt động…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, cho biết: TP Cần Thơ rất quan tâm đến vấn đề cấp nước cho người dân. Do vậy, thành phố tập trung đầu tư và phát triển hệ thống phân phối nước đô thị và nông thôn trong thời gian qua. Riêng vùng nông thôn sử dụng nhiều nguồn vốn như: vốn vay, vốn ngân sách, vốn viện trợ… để nâng cấp, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng nước vùng nông thôn và tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch. Giai đoạn 2020-2025, thành phố tiếp tục quan tâm cấp nước, đảm bảo đến năm 2025, tỷ lệ cấp nước đô thị đạt 100%, tỷ lệ cấp nước nông thôn là 85%. Hiện nay, phần còn lại ở khu vực nông thôn chủ yếu nơi vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, chi phí đầu tư cấp nước sạch khá lớn nhưng nhu cầu sử dụng nước sạch cao. Vì vậy, Chính phủ quan tâm dành nguồn kinh phí cho nước sạch nông thôn, góp phần giải quyết nhu cầu nước sạch của khu vực này… 

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết