21/07/2024 - 07:41

Niềm hy vọng mới của NATO 

Sau 4 lần gia hạn nhiệm kỳ, Tổng Thư ký thứ 13 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ chính thức rời khỏi chức vụ từ ngày 1-10. Tiếp quản “ghế nóng”, trách nhiệm đặt lên vai cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte được dự đoán không đơn giản khi phải duy trì sự ổn định của liên minh quân sự trước sức ép từ cuộc chiến ở Ðông Âu và viễn cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Tổng Thư ký  NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg (phải) kỳ vọng vào nhà lãnh đạo mới  Mark Rutte. Ảnh: NATO

Kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng

Quyết định bổ nhiệm ông Mark Rutte được đưa ra hồi tháng 6 khi đại diện của 32 quốc gia thành viên NATO nhóm họp tại trụ sở của khối ở Brussels, Bỉ. “Liên minh vẫn đang và sẽ là nền tảng cho an ninh chung của chúng ta. Dẫn dắt NATO là trách nhiệm mà tôi không thể xem nhẹ” - nhà lãnh đạo 57 tuổi chia sẻ. Theo đánh giá của Tổng Thư ký Stoltenberg, Mark Rutte là người theo chủ nghĩa xuyên Ðại Tây Dương thực thụ, có năng lực lãnh đạo mạnh mẽ và xây dựng sự đồng thuận.

Ông Rutte tốt nghiệp ngành lịch sử và từng giữ chức giám đốc nhân sự tại tập đoàn đa quốc gia Unilever. Trước khi trở thành lãnh đạo đảng trung hữu Nhân dân Tự do và Dân chủ (VVD) của Hà Lan vào năm 2006, ông đảm nhiệm vai trò quốc vụ khanh về các vấn đề xã hội, việc làm và văn hóa. Năm 2010, ông đắc cử thủ tướng Hà Lan và là người đầu tiên của đảng bảo thủ lãnh đạo nước này trong 92 năm. Sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp, ông Rutte từ chức và nỗ lực vận động cho vị trí lãnh đạo NATO từ tháng 7-2023.

Trong 14 năm lãnh đạo chính trường Hà Lan, ông Rutte vướng phải nhiều rắc rối trong vấn đề thiếu nhà ở, tiêu dùng giảm sút và bê bối gian lận lợi ích trẻ em. Ông cũng từng bị cáo buộc không quan tâm đầy đủ đến chất lượng giáo dục cũng như hành động quá chậm khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Mặc dù cởi mở trong việc hợp tác với nhiều đảng phái chính trị, đôi khi ông vẫn đối mặt với chỉ trích vì thiếu minh bạch và ưu tiên lợi ích chiến lược hơn trách nhiệm giải trình dân chủ.

Nhưng với ý tưởng và nghị lực, ông Rutte đã vượt qua vô số bê bối để trở thành nhà lãnh đạo được bầu tại chức lâu thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia, chỉ sau Thủ tướng Viktor Orban của Hungary. Những kinh nghiệm ứng phó biến động chính trị trong nước đồng thời mang lại cho cựu lãnh đạo Hà Lan nền tảng vững chắc trong quản lý khủng hoảng, đặc biệt có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong EU. Chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) những năm 2010, ông đã kiên quyết với việc triển khai các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và cải cách kinh tế ở Nam châu Âu. Thời điểm đó, chính trị gia trung hữu của Hà Lan được mệnh danh nhà đàm phán cứng rắn, thậm chí không khoan nhượng. Những năm gần đây, ông Rutte nổi tiếng với vai trò “người chốt thỏa thuận” khi là nhân tố quan trọng giúp định hình các chính sách di cư của EU, bao gồm thỏa thuận về tị nạn giữa khối này với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Năm ngoái, ông cùng với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tiếp tục khởi xướng thỏa thuận tương tự giữa EU và Tunisia. Nổi tiếng với đường lối “chính trị thích nghi” đặc trưng, ông Rutte cũng được Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn người tiền nhiệm Donald Trump ca ngợi.

Sứ mệnh ổn định liên minh

Là người đứng đầu NATO, trách nhiệm của Tổng Thư ký là chủ trì các cuộc họp và hướng dẫn tiến trình tham vấn đôi khi nhạy cảm giữa 32 quốc gia thành viên để duy trì hoạt động tổ chức theo sự đồng thuận. Tổng Thư ký cũng đảm bảo các quyết định được đưa vào hành động và phát biểu thay mặt cho tất cả các thành viên.

Khác với Tổng Thư ký Stoltenberg, người Na Uy, ông Rutte đến từ quốc gia hội nhập hoàn toàn trong cả NATO và EU. Theo chuyên gia Camille Grand tại Hội đồng Quan hệ Ðối ngoại châu Âu, đây là yếu tố quan trọng giữa lúc khu vực thực sự cần 2 tổ chức này phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề. Sức mạnh tổng hợp còn đóng vai trò cốt lõi giúp châu Âu tăng cường năng lực phòng thủ khi Mỹ đang hướng sang châu Á. Cùng với lợi thế về bối cảnh, khả năng thích nghi và phong cách lãnh đạo được các đồng nghiệp mô tả “thực dụng” của ông Rutte được dự đoán sẽ có ích với tư cách người đứng đầu NATO trong kỷ nguyên đa khủng hoảng hiện nay.

Nhìn chung, với kinh nghiệm lãnh đạo 4 chính phủ đa đảng của Hà Lan trong hơn một thập kỷ, ông Rutte được kỳ vọng sẽ vận dụng tốt nghệ thuật đàm phán và năng lực hòa giải khi tiếp quản vị trí cao nhất trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Ðây có thể là kỹ năng quan trọng khi khối quân sự này phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn trong việc ứng phó cuộc khủng hoảng ở Ukraine, sự khó chịu của các quốc gia ở sườn phía Ðông về tính công bằng xen lẫn chủ nghĩa dân tộc gia tăng và sự thay đổi quyền lực toàn cầu.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất là cuộc chiến ở Ukraine. Tại Hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra ở Mỹ, NATO vốn được thành lập để ngăn chặn Liên Xô cũ mở rộng ở châu Âu, đã tìm thấy mục đích mới trong việc hỗ trợ Kiev. Khi còn là thủ tướng Hà Lan, ông Rutte là tích cực ủng hộ Ukraine và quyền tự vệ của nước này trước “chiến dịch quân sự” của Nga. Dưới sự lãnh đạo của ông, Amsterdam cam kết cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm xe tăng Leopard và máy bay chiến đấu F-16. Khi vận động cho vị trí đứng đầu NATO, ông Rutte khẳng định cuộc chiến ở sườn phía Ðông châu Âu là một trong những lý do thôi thúc ông ứng cử.

Giờ đây, ở cương vị mới, giới quan sát dự đoán chính trị gia Hà Lan sẽ cần vận dụng mọi kỹ năng ngoại giao để thuyết phục những người theo chủ nghĩa hoài nghi, bao gồm Thủ tướng Hungary Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho các kế hoạch hỗ trợ mới của NATO đối với Ukraine. Bên cạnh đó, tân lãnh đạo phải thận trọng trước thách thức từ mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Nga với Trung Quốc và Iran trong bối cảnh làn sóng cực hữu có thiện cảm rõ ràng với Mát-xcơ-va đang trỗi dậy ở nhiều quốc gia thành viên trụ cột như Pháp, Ðức.

Trong mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương, ông Rutte được cảnh báo phải sẵn sàng cho khả năng cựu Tổng thống Trump, người luôn hoài nghi về NATO và phản đối viện trợ cho Ukraine, sẽ trở lại Nhà Trắng và gây áp lực lên các thành viên khác về chi tiêu quân sự. Ðánh giá tình hình, cựu phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho biết ông Rutte là lựa chọn phù hợp nhất hiện nay để lãnh đạo khối quân sự này dựa trên mối quan hệ tích cực đáng ngạc nhiên với ông Trump khi còn đương chức. Cựu Thủ tướng Hà Lan cũng là một trong số ít nhà lãnh đạo chính trị có khả năng ứng phó phong cách lãnh đạo khó đoán của cựu Tổng thống Trump. Năng lực này đã được chứng minh tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018, khi đó ông Rutte đã hợp tác với Nhà Trắng và thành công xoa dịu căng thẳng về chi tiêu quốc phòng.

MAI QUYÊN (Theo AP, Conversation)

 

Chia sẻ bài viết