03/10/2021 - 06:33

Những thước phim “dữ dội và dịu êm” về dịch COVID-19 

Thời gian gần đây, nhiều bộ phim tài liệu về dịch COVID-19 do các đài truyền hình trung ương và địa phương thực hiện đã tạo được tiếng vang. Có những “dữ dội” và khốc liệt do virus SARS-CoV-2 gây ra, nhưng cũng có những “dịu êm” và ấm áp của tình người dành cho nhau trong mùa dịch - những thước phim đã chuyển tải điều đó.

Anh Phạm Đỗ Minh Trung cùng cô Nguyễn Thị Hồng và cháu nội, những nhân vật trong phim “Niềm tin vững bước”.

Một trong những thước phim “dịu êm” phải kể đến là phim tài liệu “Niềm tin vững bước” do kênh VTV9 thực hiện. Nhân vật dẫn chuyện trong phim là vợ chồng anh Phạm Ðỗ Minh Trung ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Từ một chàng trai yêu thích làm từ thiện, rồi cú sốc khi trải qua căn bệnh “thập tử nhất sinh”, anh lại càng trân quý sự sống và ý nghĩa việc làm thiện nguyện. Thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Cần Thơ, anh Trung vẫn đều đặn hết ngày đến đêm, trao yêu thương đến các hoàn cảnh khó khăn.

Qua lời dẫn của anh Trung, người xem còn cảm động trước những tấm lòng người Cần Thơ nhân hậu: sinh viên Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ tình nguyện xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, là một nữ bác sĩ về hưu tình nguyện ở lại để cùng đồng nghiệp kiên cường cuộc chiến chống dịch COVID-19 và còn những mảnh đời cần được chở che, những tấm lòng ấm áp mùa dịch... “Niềm tin vững bước” kể về những câu chuyện đẹp như thế.

Nếu nói đến “dữ dội”, hẳn khán giả sẽ nghĩ ngay đến phim “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, do Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Ðài Truyền hình Việt Nam, sản xuất. Bộ phim không lời bình, không hiệu ứng nhưng sự chân thật, khốc liệt về cuộc chiến các y, bác sĩ giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19 khiến người xem như bị bóp nghẹt. Ðó thực sự là một cuộc chiến đúng nghĩa và các y, bác sĩ như những chiến binh dũng cảm. Nhiều người xem đã phải thốt lên rằng: “Xem xong “Ranh giới”, đưa tay lên ngực, thấy mình còn thở đều, là cả niềm hạnh phúc”. Ðọng lại sau bộ phim là sự khốc liệt, nguy hiểm của dịch COVID-19, đích thực là một loại “giặc”, không cho phép bất cứ ai chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác. Vì một phút chủ quan với COVID-19, đôi khi cái giá phải trả là mạng sống.

Sau “dữ dội” của “Ranh giới”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ê-kíp lại mang đến cho khán giả sự “dịu êm” trong phim “Ngày con chào đời”. Ðó là những sản phụ mắc COVID-19 vượt cạn “cút côi một mình”. Vẫn là thông điệp về sự nguy hiểm của dịch COVID-19, nhưng “Ngày con chào đời” lại khiến khán giả ấm áp với sự hy sinh của người mẹ và cả những người mẹ thứ hai - các y, bác sĩ chăm sóc trẻ sơ sinh khi sinh ra không được gần mẹ, cha, người thân.

Còn rất nhiều phim tài liệu về dịch COVID-19 tạo được tiếng vang, đó là “Dã chiến và ngày về”, “Cùng nhau vượt qua đại dịch”, “Lựa chọn của tôi”, “Trở về cuộc sống”... Mỗi thước phim là một lát cắt về cuộc sống mùa dịch, với những hiểm nguy, nhọc nhằn và cả những ấm áp tình thương.

Ðằng sau những thước phim lên sóng phải kể đến sự dấn thân của đội ngũ làm phim. Họ đã xông pha nơi “đầu sóng ngọn gió” để mang đến cho khán giả những hình ảnh, câu chuyện thật nhất, gần gũi nhất. Nhiều người đã phải chịu cách ly tập trung, tại nhà sau những chuyến làm phim. “Trái ngọt” cho những gian nan ấy là những thước phim nhân văn được lên sóng.

Phim tài liệu về dịch COVID-19 có sự giao thoa, hòa quyện giữa nghệ thuật và báo chí. Ðiều đó làm nên tính hấp dẫn của truyền hình hiện đại, nhất là thể loại phim tài liệu.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết