Đánh giá tổng quan về những tiến bộ công nghệ giúp ích cho cuộc sống, trang công nghệ Mashable đã liệt kê hàng loạt sáng chế trên khắp thế giới được cho là đã góp phần thay đổi tích cực mọi mặt đời sống con người trong năm qua.
Giày thiết kế riêng cho người khuyết tật
Năm 2012, bệnh nhân khuyết tật Matthew Walzer đã viết thư cho Nike đề nghị tạo ra loại giày thể thao giúp người khuyết tật dễ dàng sử dụng. Từ ý tưởng này, Nike đã nghiên cứu và cho ra đời mẫu giày đế mềm Flyease trong năm 2015.
Giám đốc bộ phận sáng tạo Tobie Hatfield cho biết Flyease không sử dụng dây giày bình thường mà dùng khóa kéo, nhờ đó những người bị rối loạn vận động, đột quị hoặc khuyết tật bàn tay có thể tự mang một mình. Phần khóa kéo được thiết kế quấn quanh gót chân nên người dùng dễ xỏ chân vào chỉ với một tay. Nhà thiết kế Hatfield hiện đang làm việc với anh Walzer để thử nghiệm sản phẩm mới này.
Bàn tay nhân tạo có thể cảm nhận xúc giác

Nhằm khôi phục cảm giác cho người dùng tay giả, Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) đã tạo ra bàn tay giả truyền cảm giác như tay thật nhờ công nghệ thần kinh (neurotechnology). Khi kết nối bàn tay giả của một người đàn ông 28 tuổi với các điện cực cấy ở vùng vỏ não kiểm soát cảm giác và vận động, nhóm nghiên cứu đã giúp anh này phục hồi xúc giác.
Thiết bị cầm máu tức thì

Phát minh của hãng RevMedx trong lĩnh vực cấp cứu vừa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành. XSTAT 30 là ống tiêm chứa bọt biển có tính tương thích sinh học và có thể giãn nở gấp 15 lần kích thước khi tiếp xúc với máu. Khi tiêm vào vết thương sâu, vật liệu này tạo áp lực lên bề mặt vết thương để ngăn máu chảy và cầm máu hoàn toàn chỉ trong 1 phút. XSTAT 30 được cho sẽ thay thế hiệu quả phương pháp băng bó hiện hành trong qui trình cấp cứu.
Thiết bị hỗ trợ bệnh nhi suy hô hấp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh hô hấp cấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Giải pháp hỗ trợ y tế thông thường là dùng máy thông khí nhân tạo áp lực dương liên tục (CPAP), nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhi cần dùng máy thông khí nhân tạo không xâm nhập áp lực dương (NIPPV) khá tốn kém. Do vậy, nhóm sinh viên tại Đại học Tây Michigan (Mỹ) đã sáng chế thiết bị NeoVent có thể tạo ra 2 mức độ áp lực khí cần thiết để hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhi. Với thiết kế đơn giản và chi phí thấp, thiết bị này có thể áp dụng tại các cơ sở y tế của các nước đang phát triển.
Tua-bin in 3D chiết xuất nước ngọt từ nước biển

Vốn nổi tiếng với công nghệ tua-bin hơi nước dùng khử muối trong nước, Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ trong năm 2015 tiếp tục cải tiến công nghệ khi ra mắt tua-bin thu nhỏ. Thiết bị được in 3D này có chức năng đóng băng nước biển. Khi đó, muối ở thể rắn sẽ được tách ra còn phần nước sạch được trưng thu sau khi băng tan chảy. Với thiết kế giá rẻ và ít tiêu tốn năng lượng để tạo ra nước ngọt, GE cho biết họ sẽ tiếp tục thử nghiệm công nghệ này đến giữa năm 2016 để đánh giá hiệu quả.
Biến sóng biển thành điện năng

Thiết kế của cô bé Hannah Herbst (15 tuổi) đến từ bang Florida đã giành giải nhất trong cuộc thi sáng tạo dành cho các nhà khoa học trẻ Young Scientist Challenge do kênh Discovery Education và 3M tổ chức. Sử dụng công nghệ in 3D, Herbst đã tạo ra mô hình máy phát điện nhờ sóng biển. Nguồn điện này được dùng để vận hành một máy khử muối giúp tách nước ngọt từ nước biển.
Vật liệu mới giúp khắc phục sự cố tràn dầu

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Deakin (Úc) và hai trường đại học Mỹ là Drexel và Missouri đã phát triển vật liệu gọi là nanosheet, có thể dọn sạch dầu tràn nhờ tính năng thấm hút như bọt biển. Theo nhóm nghiên cứu, nanosheet dày chỉ vài nanomét (1 nanomét bằng một phần tỉ mét) với vô số lỗ nhỏ, nhưng có thể giãn nở kích thước gấp 5,5 lần sân tennis. Nhờ vậy, chúng có khả năng hút dầu và dung môi hữu cơ gấp 33 lần trọng lượng.
Bộ lọc máy giặt tái chế nước thải
Thông thường, máy giặt cần 20 lít nước để làm sạch quần áo. Nhằm tiết kiệm nguồn nước và nâng cao hiệu quả, 3 sinh viên thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT-Mỹ) đã sáng tạo bộ lọc AquaFresco cho phép máy giặt tái sử dụng 95% lượng nước sau mỗi lần giặt. Theo đó, AquaFresco sẽ lọc bỏ chất bẩn và chất giặt tẩy để lấy nước sạch dùng cho những lần giặt kế tiếp.Qui trình này có hiệu quả đến nửa năm.
Đèn điện từ cây xanh

Trước thực trạng 42% khu vực nông thôn ở Peru không có điện, các chuyên gia Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Peru (UTEC) đã phát minh Plantalámparas, loại đèn chiếu sáng từ cây xanh. Trong quá trình quang hợp, chất thải của cây phân hủy trong đất và sản xuất điện tích suốt quá trình ôxy hóa. Các hạt điện tích này được lưu trữ trong pin và dùng để thắp sáng một bóng đèn LED trong khoảng 2 giờ/ngày.
Sản xuất gạch sinh thái
Để giảm lượng khí thải phát sinh từ qui trình sản xuất gạch cũng như giải quyết lượng tro phế thải (cũng là tác nhân gây ô nhiễm) từ các nhà máy giấy ở Ấn Độ, nhóm sinh viên MIT đã phát triển loại gạch mới thân thiện môi trường có tên Eco Blac. Sản phẩm kết hợp giữa tro phế thải và công nghệ hoạt hóa kiềm có độ cứng và chắc tương đương gạch nung bởi qui trình thông thường. Hiện tại, nhóm sinh viên MIT đang hợp tác với một chủ nhà máy giấy tại thành phố Muzaffarnagar, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ để sản xuất thí điểm loại gạch mới.
Giấy xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm
Sản phẩm được phát triển bởi 3 trường đại học Mỹ gồm Florida Atlantic, Stanford và Harvard có thể giúp người dùng xét nghiệm HIV, vi khuẩn E.coli, tụ cầu khuẩn cùng nhiều loại vi khuẩn khác ngay tại nhà. Giấy xét nghiệm này được làm từ vật liệu cellulose và nhựa polyester mỏng và mềm dẻo, trên đó in sẵn các hoạt chất sinh học cũng như các dải cảm biến điện và cảm biến quang học. Ví dụ với giấy xét nghiệm vi khuẩn E.coli, nhóm nghiên cứu cho in hỗn hợp gồm các kháng thể và hạt nano vàng. Nếu màu sắc của giấy thử thay đổi đồng nghĩa dương tính với vi khuẩn.
Hình xăm tạm thời giúp theo dõi đường huyết
Nhằm giúp bệnh nhân tiểu đường khỏi phải trích máu mỗi khi cần đo đường huyết, các kỹ sư công nghệ nano tại Đại học San Diego (Mỹ) đã phát triển hình xăm tạm thời có thể kiểm tra nồng độ glucose qua chất dịch trong da. Tuy chưa cung cấp nhiều thông số cần thiết, nhưng nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp này có thể ứng dụng vào việc chữa bệnh, như tiêm thuốc qua da chẳng hạn.
Sáng kiến bổ sung iốt cho phụ nữ Ấn Độ
Theo truyền thống, phụ nữ Ấn Độ thường điểm xuyết một chấm đỏ (gọi là Bindi) giữa 2 chân mày vì mục đích tôn giáo hoặc để thể hiện đã có gia đình. Nhưng sản phẩm Talwar Bindi do tập đoàn Grey Group (Singapore) sáng tạo dưới tên gọi Life Saving Dot còn mang mục đích lớn hơn, đó là cải thiện sức khỏe phụ nữ nông thôn vốn hay bị thiếu iốt. Theo đó, mặt sau của những chấm đỏ này được tráng iốt và cung cấp từ 150-220 mcg iốt qua da mỗi ngày. Giá mỗi gói gồm 30 Bindi rất rẻ, khoảng 10 rupee (4.000 đồng) nên sản phẩm đã nhanh chóng đến tay phụ nữ nông thôn trên khắp Ấn Độ thông qua các chương trình tài trợ.
Cải tiến phương pháp trị vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da là nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh phải nhập viện, nhưng mỗi năm vẫn có hàng triệu ca không thể điều trị dứt điểm. Đó là lý do công ty phi lợi nhuận D-Rev cải tiến thiết bị quang trị liệu của họ với tên mới là Brilliance Pro. Sản phẩm được giới chuyên gia đánh giá cao nhờ điều trị hiệu quả chứng bệnh vàng da và là dụng cụ y tế rất hữu ích đối với các phòng cấp cứu sơ sinh. Thiết bị có giá 400 USD hiện được phân phối bởi công ty Phoenix Medical Systems chuyên cung cấp các giải pháp y tế tiên tiến giá rẻ tại Ấn Độ.
Khớp gối nhân tạo
Ngoài hỗ trợ chăm sóc trẻ sơ sinh, D-Rev trong năm 2015 còn nâng cấp phiên bản khớp gối giả ReMotion hiệu quả cao dành cho người dân ở các nước đang phát triển. Không chỉ phù hợp hệ thống chân giả tiêu chuẩn, khớp gối ReMotion có giá chỉ 80 USD còn chịu được khí hậu nóng và ẩm ướt. Hiện sản phẩm đã được áp dụng cho 7.351 bệnh nhân.
Xét nghiệm bệnh tình dục bằng thiết bị di dộng
Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Colombia cho biết thiết bị tích hợp với điện thoại di động do họ chế tạo tuy giá rẻ nhưng có thể phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong vòng 15 phút, chỉ với một ít máu trích từ ngón tay. Kết quả sau đó sẽ hiển thị trên điện thoại thông minh. Sau chương trình thử nghiệm, có đến 97% tình nguyện viên cho biết họ tin tưởng thiết bị vì nó dễ sử dụng, cho kết quả nhanh, tiện lợi và xét nghiệm được nhiều căn bệnh.
Ứng dụng giúp người khiếm thị "nhìn thấy"
Be My Eyes là một ứng dụng trên iPhone, kết nối người khiếm thị với các tình nguyện viên trên khắp thế giới. Họ có thể cho người khiếm thị "mượn" đôi mắt của mình bằng cách mô tả những gì mình thấy và trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà người khiếm thị đặt ra thông qua phần mềm chat trực tiếp. Thống kê trên web cho thấy ứng dụng này đã giúp ích cho gần 115.000 người khiếm thị.
Cảm biến theo dõi quá trình axít hóa đại dương
Wendy Schmidt Ocean Health XPRIZE 2015 là cuộc thi nhằm nâng cao hiểu biết về tác hại của việc thải khí CO2 với tình trạng axít hóa đại dương vốn ảnh hưởng đến đời sống biển và chuỗi thức ăn. Và cảm biến do hãng Sunburst Sensors phát triển đã giành chiến thắng chung cuộc do có thể theo dõi lâu dài áp suất của khí cácbon điôxít (pCO2) và nồng độ pH. Nó có tiềm năng trở thành công cụ hữu ích trong việc tìm hiểu quá trình axít hóa đại dương và bảo vệ hệ sinh thái biển.
Nhà trú ẩn tạm thời Better Shelter
Với ý tưởng giúp người tị nạn có chỗ tạm trú an toàn, nhóm thiết kế thuộc công ty nội thất nổi tiếng Thụy Điển Ikea đã tạo ra mẫu nhà có thể tháo ráp trong vài giờ mà không cần dụng cụ. Better Shelter còn được trang bị tấm pin quang năng ở trên mái để cấp điện cho bóng đèn trong nhà hoặc sạc các thiết bị di động.
Gần đây, Quỹ từ thiện IKEA Foundation đã cam kết cung cấp 10.000 nhà Better Shelter (có độ bền khoảng 3 năm) cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR).
Thiết bị tái chế chất thải thành nước sạch
Năm 2015, khoảng 2,4 tỉ người trên thế giới không được tiếp cận hệ thống vệ sinh an toàn và hơn 660 triệu người sử dụng nguồn nước không sạch sẽ. Để cải thiện chất lượng sống ở những nơi nghèo khó, Quỹ từ thiện của tỉ phú Bill Gates phối hợp công ty Janicki Bioenergy phát triển thiết bị Omni Processor chuyên xử lý chất thải rắn (kể cả phân người) thành nước sạch, điện năng và tro sạch chỉ trong vài phút. Để chứng minh hiệu quả, nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft hồi tháng Giêng năm nay đã tung đoạn clip cho thấy ông đứng cạnh máy Omni Processor và uống nước xử lý từ chất thải cách đó vài phút. Được biết, điện và tro sạch sẽ là nguồn năng lượng hữu ích cho các khu vực hẻo lánh.
ĐƯỜNG THẤT (Theo Mashable)