16/04/2020 - 19:48

Những “nữ tướng” trong cuộc chiến chống COVID-19 

Tại Đài Loan, các biện pháp can thiệp sớm đã giúp hòn đảo này không những kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 mà còn xuất khẩu hàng triệu khẩu trang sang Liên minh châu Âu và nhiều nước khác. Trong khi đó, Đức đang giám sát chương trình xét nghiệm SARS-CoV-2 quy mô lớn nhất châu Âu, với 350.000 ca/tuần. Còn tại New Zealand, Thủ tướng nước này đã sớm hành động, tạm đóng cửa ngành du lịch, phong tỏa toàn bộ đất nước, mang lại hiệu đáng ghi nhận.

Bà Thái Anh Văn (trái) - người giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Đài Loan. Ảnh: AFP

Dù nằm ở 3 khu vực khác nhau, một ở châu Á, một ở châu Âu và một ở Nam Thái Bình Dương nhưng 3 nơi này có một điểm chung, đó là tất cả lãnh đạo của họ đều là phụ nữ.

Khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nghe tin về một loại virus bí ẩn mới, lây nhiễm cho công dân thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hồi tháng 12 năm ngoái, bà ngay lập tức ra lệnh kiểm tra tất cả các chuyến bay đến từ thành phố này. Bà sau đó cho thành lập trung tâm chỉ huy dịch bệnh, theo dõi những người Đài Loan từng đến Trung Quốc đại lục, buộc họ phải xét nghiệm virus và tự cách ly, tiến hành xét nghiệm đối với những người từng bị viêm phổi không rõ nguyên nhân; đẩy mạnh sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân; hạn chế tất cả chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Ma Cao; áp dụng hình phạt nghiêm khắc dành cho những ai vi phạm lệnh cách ly tại nhà cũng như truyền bá thông tin sai lệch về dịch bệnh. Nhờ các biện pháp can thiệp sớm, tích cực, Đài Loan đã hạn chế sự bùng phát của COVID-19 khi mà cho đến nay chỉ ghi nhận chưa tới 400 ca nhiễm.

Đáng chú ý, Đức với hơn 135 ngàn ca nhiễm COVID-19 nhưng lại có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác. Thành công này là nhờ vào khả năng xử lý đại dịch của Thủ tướng Angela Merkel. "Có lẽ sức mạnh lớn nhất của chúng tôi là việc đưa ra các quyết định hợp lý ở cấp chính phủ kết hợp với sự tin tưởng của công chúng vào chính phủ" - Giáo sư Hans-Georg Kräusslich, người đứng đầu ngành virus học tại Bệnh viện Đại học ở Heidelberg, phát biểu với tờ Thời báo New York.

Đặc biệt, New Zealand, quốc đảo với chỉ gần 5 triệu người, chủ yếu dựa vào du lịch nhưng Thủ tướng Jacinda Ardern hôm 19-3 đã mạnh dạn yêu cầu đóng cửa biên giới và tuyên bố phong tỏa toàn bộ đất nước trong vòng 4 tuần từ ngày 23-3, lệnh cho tất cả người dân ở nhà trừ khi phải ra ngoài mua lương thực cũng như những vật dụng thiết yếu khác. Bà cũng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng và đến nay mới ghi nhận khoảng 1.400 ca nhiễm virus Corona chủng mới. "Trước mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, người dân New Zealand đã âm thầm và chung sức dựng một bức tường phòng bệnh trên toàn quốc" - Thủ tướng Ardern nói về cách phòng chống dịch bệnh của nước này.

Ngoài những "bóng hồng" nói trên, các nữ lãnh đạo khác cũng rất xông xáo trong chống dịch, đặc biệt là các nước Bắc Âu. Theo CNN, 4 quốc gia trong khu vực do phụ nữ lãnh đạo đều có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn so với phần còn lại của châu Âu. Chẳng hạn như tại Phần Lan, nơi Thủ tướng Sanna Marin nhận được sự ủng hộ của 85% người dân về cách đối phó đại dịch, chỉ có 72 ca tử vong/3.237 ca nhiễm. Còn tại Iceland, quốc đảo 360.000 dân, cách chống dịch của Thủ tướng Katrín Jakobsdóttir đã được nhiều nước trên thế giới noi theo. Cụ thể, bà yêu cầu xét nghiệm virus trên diện rộng đối với người dân nước này cũng như can thiệp sớm, ráo riết truy tìm và cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Đến nay, Iceland có 1.727 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19, trong đó có 8 ca tử vong.

TRÍ VĂN (Theo CNN, Theceomagazine)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
chống COVID-19