03/04/2013 - 21:14

“Tiếng hát liêu điêu”

Những nỗi buồn và nghị lực sống

13 truyện ngắn trong tập truyện "Tiếng hát liêu điêu" của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chứa đựng nhiều trăn trở, ưu tư của những con người trong xã hội hiện đại. Từ nỗi buồn hôn nhân tan vỡ của những người phụ nữ đến sự bất đắc chí của những người đàn ông muốn gánh vác gia đình nhưng lực bất tòng tâm…Dù vậy, khát khao sống tốt, sống đẹp vẫn toát lên ở từng phận người trong sách.

Sách do NXB Trẻ phát hành quý I năm 2013.


 

Tựa của mỗi truyện ngắn trong tập truyện như lời chia sẻ tâm tình: "Và đêm lặng nghe tôi hát", "Nhốt hộ những tiếng thở dài", "Giêng hai vênh một nỗi buồn", "Có một người đứng ngang bậc cửa", "Hỏi thăm nỗi buồn"… Những cái tựa mở ra cảm xúc trong từng câu chuyện lan tỏa theo mạch văn khúc chiết, chậm rãi đưa người đọc bước vào thế giới nội tâm của nhân vật. Truyện ngắn mở đầu "Và đêm lặng nghe tôi hát" đặt trong bối cảnh phố thị hiện đại, Trang - một cô gái tuổi đôi mươi chán nản, hụt hẫng sau cuộc hôn nhân không mong đợi đổ vỡ đã buông thả mình vào những cuộc tình chớp nhoáng. Một lần, khi cô nhìn thấy đứa con mà mình chối bỏ nay trưởng thành trong vòng tay người khác, những khát khao về tình mẫu tử và cuộc sống cho ra sống giúp cô biết mình cần phải làm lại cuộc đời.

Ở tập truyện, góc khuất về cuộc sống hôn nhân được đề cập trực diện. Không khai thác màu hồng của hôn nhân, mảng màu xám trong cuộc sống lứa đôi với sự đổ vỡ, trúc trắc được khắc họa rất đời: đó là sự vô tâm của người chồng (trong truyện "Nhốt hộ những tiếng thở dài") trước những lo toan, nỗi buồn của người vợ đã đẩy họ ngày càng xa nhau; là tâm trạng giằng xé giữa "ra đi" và "ở lại" của một người vợ trong "Giêng hai vênh một nỗi buồn" khi bị phát hiện chồng ngoại tình, là sự chán nhau của đôi vợ chồng trong "Hỏi thăm nỗi buồn" vì không tìm được tiếng nói chung… Các câu chuyện trên mở đầu bằng nghịch cảnh, sự đổ vỡ nhưng có cái kết lại nhẹ nhàng, gợi mở về tương lai tràn đầy hy vọng với những khao khát hạnh phúc, can đảm bức ra khỏi cuộc sống mỏi mòn, u tối.

Có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất là truyện ngắn chủ đạo "Tiếng hát liêu điêu". Câu chuyện kể về bi kịch của một gia đình chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà khi người vợ bỏ nhà ra đi, người chồng sa sút, sống những ngày tháng đau buồn, cô độc. Cái kết của câu chuyện khiến người ta đau đáu lòng: người chồng từ giã cõi đời sau một cơn say, sau khi cất tiếng hát yếu ớt, lào khào khi nhớ về những ngày tháng hạnh phúc xưa kia, "nhớ đến một ai đó, hằng mấy năm liền vẫn ngồi sau chiếc xe đòn dông của anh. Một ai đó tóc thả dài bay vờn lượn trên tấm lưng thon thả, nụ cười hiền, giọng hát mỏng…" (trang 80). Cái chết của người chồng là sự giải thoát cho một cuộc đời bế tắc, nhưng nó cũng nói lên bi kịch của lòng vị kỷ, vô tâm.

13 truyện ngắn được viết với văn phong giản dị giàu cảm xúc, chạm vào những góc khuất sâu kín trong đời sống con người, đọng lại trong lòng người đọc nỗi niềm thương cảm, xót xa và cả niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn khi con người biết vượt qua nghịch cảnh.

THẢO YÊN

Chia sẻ bài viết