06/02/2019 - 10:08

Hòa nhịp giao thương

Những “người tiên phong” mang dịch vụ đến mọi nhà 

Còn nhớ hôm dự lễ khai trương siêu thị Metro Hưng Lợi (Trung tâm phân phối Metro Cash & Carry Hưng Lợi, nay là MM Mega Market), ông bạn đồng nghiệp làm ở Thời báo kinh tế Sài Gòn quay qua nói nhỏ “Cần Thơ bây giờ quá trời siêu thị, không biết mở ra có mấy người đi!”. Tôi “gật đầu” và cũng “lo giùm thiên hạ”! Nhưng đó là suy nghĩ của 15 năm trước, giờ mới thấy mình đã không đoán hết sự phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ của TP Cần Thơ hôm nay.

Phát triển ngoài dự đoán…

Đó là một trong rất nhiều điều bất ngờ mang đến cho người dân đô thị Cần Thơ và cũng như những ai quan tâm đến sự phát triển của Tây Đô - “trái tim” của vùng ĐBSCL. Bởi đó là sự nhiệt huyết của những nhà doanh nghiệp với hành trang kiến thức, những kinh nghiệm thương trường có thừa “đón đầu” mở mang lĩnh vực thương mại - dịch vụ, một thế mạnh, một tiềm năng vô cùng to lớn của TP Cần Thơ mà họ đã nhận ra. Giờ đây, TP Cần Thơ có hàng chục siêu thị quy mô rất lớn có thể kể đến như: Siêu thị Co.opmart, Trung tâm thương mại Sense City Cần Thơ, Big C, LOTTE Mart Cần Thơ, Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim, Vincom và hàng loạt cửa hàng tiện ích VinMart đua nhau ra đời... Và điều đáng mừng hơn là các siêu thị, trung tâm thương mại nào cũng tấp nập khách hàng!

Khách hàng mua sắm hàng hóa Tết tại siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ. Ảnh: Nam Hương

Thời điểm những năm 2008-2011, do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế trong nước suy thoái, lạm phát tăng cao, lãi suất tiền gửi có lúc lên đến 18%-19%/năm; lãi suất cho vay trên 20%/năm; cũng thời điểm ấy, thị trường bất động sản “đóng băng”... Nhưng ngược lại, hệ thống chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch ở Cần Thơ mọc lên như “nấm sau mưa”. Người dân không quá khi nói “ra cửa gặp ngân hàng”, chẳng biết kiếm đâu khách hàng để giao dịch, tiền đâu mà người dân có để gửi! Thêm một “nhận xét sai” nữa. Ấy vậy mà giờ đây theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, toàn thành phố có 46 tổ chức tín dụng, 255 địa điểm có giao dịch ngân hàng trải khắp cả quận, huyện, mà người dân đến các ngân hàng lớn phàn nàn vì phải “xếp hàng” chờ giao dịch… Có phải chăng người dân Cần Thơ đang ngày càng giàu hơn, nhu cầu giao dịch tài chính ngân hàng đang “trăm hoa đua nở”; doanh nghiệp Cần Thơ có lớn mạnh không khi nhu cầu của họ trong mua bán, kinh doanh, luân chuyển tiền tệ ngày càng nhiều như vậy? Câu trả lời chắc chắn là có!

Ông Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn TP Cần Thơ (nay là Viện Quy hoạch Xây dựng) đương nhiệm vào những năm đầu chia tách TP Cần Thơ, trong một lần “trà dư tửu  hậu”, chính ông là một trong những người “chấp bút” cho ra đời những khu quy hoạch tỷ lệ 1/2000 hay cụ thể hơi là những đồ án quy hoạch khu dân cư đô thị mới 1/500 ngày hôm nay, cũng băn khoăn “thành phố đang triển khai hơn 40 đồ án quy hoạch khu dân cư như thế không biết bao giờ mới lấp đầy nhà ở, mới tạo được diện mạo như các quy hoạch đã duyệt!”. Và tôi cũng hoài nghi về điều ấy. Nhưng bây giờ, lại thêm một lần sai! Các khu dân cư đô thị mới ở ven thành phố như khu Nam Cần Thơ, quận Cái Răng; khu 91B, khu Hồng Phát, khu Thới Nhựt... quận Ninh Kiều giờ đây đã “kín” chủ. Tuy nhà cửa chưa được xây dựng hết, nhưng giá đất nền hay các khu nhà hoàn thiện giờ đây không thể tính bằng trăm triệu nữa, mà là tiền tỉ hoặc vài tỉ đồng mới có thể sở hữu, “an cư” được ở những nơi như thế này!

Hướng đi đúng

Anh bạn tôi - Trần Văn Lâm, nhà ở đường Võ Văn Kiệt đã 20 năm “bôn ba” trong lĩnh vực ngân hàng khắp ĐBSCL, anh tâm sự: “Chắc có lẽ do duyên số, sau khi tốt nghiệp đại học đã gắn bó với ngành ngân hàng đến nay. Khởi nghiệp tại Cần Thơ, sau đó chuyển công tác đến An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… và giờ lại trở về Cần Thơ. Đi nhiều nơi tôi càng nhận ra rằng, TP Cần Thơ phát triển nhanh rất nhiều mặt từ cơ sở hạ tầng, diện mạo đô thị, y tế, giáo dục, đặc biệt là thương mại - dịch vụ, tài chính ngân hàng vô cùng phong phú, đa dạng. Người Cần Thơ “thiện lành”, nhưng cực kỳ năng động, có lẽ tôi không muốn xa rời mảnh đất thân yêu này thêm một lần nữa!”.

Hai mươi năm xuôi ngược của anh Lâm đã cảm nhận được sự vất vả, thậm chí hơn “ba phần tư đời người” cống hiến một phần công sức cho xã hội hay suy nghĩ nhẹ nhàng hơn là để vun đắp cho tương lai con trẻ, một mái ấm gia đình! Nhưng cũng quỹ thời gian ấy là cả một chặng đường dài, trải qua 4 nhiệm kỳ các thế hệ lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố trưng cầu ý kiến từ nhiều thành phần dân cư, các chuyên gia, các nhà khoa học để đưa ra những đề xuất, những định hướng quy hoạch, những chính sách mời gọi đầu tư. Rồi bắt tay đầu tư cơ sở hạ tầng một cách toàn diện, đồng bộ bằng mồ hôi, công sức của bao thế hệ công nhân, những kỹ sư chuyên ngành, cán bộ quản lý, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân đã phát huy hiệu quả, trong đó thương mại - dịch vụ đã trở thành đầu tàu, là diện mạo góp phần khẳng định vị thế của TP Cần Thơ. Trong đó, Quyết định 1533/QĐ-TTg (ngày 30-8-2013) của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được thành phố cụ thể hóa trên từng lĩnh vực cụ thể.

Từ năm 2015, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp công nghệ cao; hướng vào những điều kiện tạo thế và lực cho phát triển (kết cấu hạ tầng then chốt, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, công nghệ và nhân lực). Cơ cấu kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững, công bằng, tiến bộ xã hội. Đầu tư phát triển kinh tế theo chiều rộng và chiều sâu, chủ yếu là chiều sâu. Đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực mà thành phố có lợi thế cạnh tranh như: Dịch vụ, du lịch, công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao; logistics; các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao... Liên kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL; xây dựng và phát triển TP Cần Thơ là một động lực thúc đẩy phát triển của vùng…

Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, chia sẻ: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1515/QĐ-TTg (ngày 28-8-2013) phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ những chủ trương cụ thể và cơ sở pháp lý này, thành phố đã tổ chức lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và các quy hoạch phân khu đô thị để làm cơ sở định hướng phát triển đô thị TP Cần Thơ, gồm 5 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng. Hướng tới, ngành xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, rà soát điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị làm nền tảng để thương mại - dịch vụ vững bước phát triển.

Nhận định của Sở Công thương thành phố, lĩnh vực thương mại - dịch vụ đang phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình, hướng tới những ngành dịch vụ có giá trị lớn, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Với vị thế trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ có rất nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Thị trường nội địa được quan tâm mở rộng, kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Từ đó góp phần tăng thêm năng lực bán buôn, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn và từng bước thể hiện vai trò trung tâm phân phối hàng hóa cho toàn vùng ĐBSCL. “Sở Công thương tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị trong và ngoài thành phố tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng thương mại theo hướng văn minh hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ đời sống nhân dân và đổi mới diện mạo của thành phố… Cùng với việc phát triển hạ tầng thương mại, mời gọi đầu tư, cải tạo chợ truyền thống…, ngành công thương cũng chủ động kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm ở các kênh phân phối hiện đại, hướng tới phát triển thương mại điện tử…” - Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Toại, chia sẻ.

Thiện Khiêm

Chia sẻ bài viết