Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài, giao tiếp, nhiều gia đình cho trẻ em giải khuây bằng điện thoại hoặc máy tính để chơi game, lướt mạng xã hội, xem phim… Không ít trẻ tiêu tốn quá nhiều thời gian trong thế giới ảo, dẫn đến những tác động không hay. Phụ huynh cần có sự quan tâm, hướng dẫn, quản lý con về thời gian, nội dung truy cập để có thể vừa vui chơi vừa học hỏi kiến thức bổ ích.
Những ngày giãn cách, nhiều trẻ giải trí bằng việc chơi game, lướt web. Phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn để con sử dụng điện thoại lành mạnh, an toàn.
Chị Ngọc Châu ở quận Cái Răng có con trai 17 tuổi và con gái 11 tuổi. Năm nay, các con cùng nghỉ hè sớm để phòng dịch. Dù ở nhà nhưng phải làm việc online, nấu ăn, dọn dẹp… nên chị Châu không có thời gian nhiều cho con. Trước đây, con chị đã mê điện thoại và thời điểm này lại càng nghiện hơn. Sáng dậy là hai anh em ôm máy chơi game hoặc xem youtube, mẹ nhắc nhở nhiều lần mới ăn sáng, sau đó tiếp tục với điện thoại hoặc xem tivi có kết nối mạng tới trưa, ăn ngủ xong rồi lại làm bạn với các thiết bị này đến 22 giờ đêm. Mỗi lần chị Châu tịch thu điện thoại, các con phản ứng dữ dội, la hét, giận không ăn cơm… Chị Châu để ý thấy mấy tuần nay con gái tính tình đổi khác, hay cáu gắt, còn bắt chước các clip nói tục, hát nhạc nhảm, nhảy múa các động tác không phù hợp… Chị Châu kể: “Trước đó, tôi mua 2 bộ sách giáo khoa, nhiều truyện, bộ lắp ráp… để con chơi, tranh thủ đọc trước nội dung các môn học, nhưng nói cỡ nào tụi nhỏ cũng không chịu làm theo. Công việc của mình thì gấp gáp mà nhìn con ôm máy suốt, không chịu nổi, la con quá thì không khí căng thẳng”.
Qua tham khảo bạn bè, chị Châu kết nối cho con trai học online môn Anh văn, hướng dẫn con một số trang dạy tập thể dục, du lịch, nấu ăn vì con chị thích các lĩnh vực này, đỡ phần nào chơi game. Còn con gái, chị kiên quyết mỗi buổi cho sử dụng điện thoại khoảng 2 giờ. Chị sắp xếp công việc để dành thời gian hướng dẫn các con làm việc nhà, rủ con dọn dẹp, trang trí phòng ngủ, ai làm giỏi được thưởng… Nhờ chị kiên trì thuyết phục kèm giải thích tác hại của việc nghiện điện thoại và xem các nội dung không phù hợp nên bước đầu các con chịu hợp tác.
Chị Hồng Thắm ở quận Bình Thủy có con trai học lớp 3. Trước đây, mỗi buổi chiều và cuối tuần bé được cha mẹ chở đi chơi, giờ phải ở nhà suốt nên cũng chỉ làm bạn với tivi, điện thoại. Đi ngủ thì thôi, còn những lúc khác hễ chị Thắm tắt wifi, kêu đọc sách, tô màu thì bé giận dỗi, làm mình mẩy. Kiểm tra, chị thấy con chỉ xem phim hoạt hình bạo lực, hài nhảm, có khi chơi game rồi mở loa nói với bạn toàn chuyện bắn súng, rượt đuổi… Thấy tình hình không ổn, chị Thắm bàn với chồng hướng dẫn con cách làm clip. Chị Thắm cho biết: “Con thích gì quay đó, từ chuyện con mèo ăn ngủ, cái cây ra hoa, đồ đạc trong nhà đến cảnh mẹ làm việc… Ban đầu quay hình rồi nhờ cha lồng nhạc, sau đó con tự thuyết minh, có khi còn múa hát minh họa. Các clip đăng lên được khen ngợi nên con thích lắm, mày mò nhiều đề tài, chịu khó đọc sách tìm hiểu thêm. Tận dụng cơ hội này, chồng tôi chỉ con vi tính, vẽ, cắt ghép hình ảnh. Nhờ vậy mà con biết thêm nhiều kỹ năng, bớt chơi game, giảm thời lượng coi tivi”.
Để có thời gian làm việc và chăm sóc người thân bị bệnh, hơn nửa tháng nay, chị Trúc Hân ở quận Ninh Kiều cho con gái 11 tuổi và con trai 6 tuổi sử dụng máy tính bảng giải trí. Chị có nhắc con không vào các trang web lạ, nội dung xấu, các con cứ “vâng, dạ” nên chị an tâm, không kiểm tra. Mỗi bữa cơm, các con cố ăn thật nhanh rồi chạy lên phòng ôm máy. Cách đây mấy hôm, chị hàng xóm sát vách nhà điện hỏi chị Hân gia đình có việc gì mà bữa giờ con gái đi mua card điện thoại hoài. Tìm hiểu, chị Hân phát hiện con tham gia chơi game với nhóm bạn, lấy hơn 1 triệu đồng tiền bỏ ống heo nạp card để mua các đồ chơi trong game, có đêm con gái canh mẹ ngủ rồi lén chơi game tới 4 giờ sáng. Con còn lập nick kết bạn, chat với nhiều người không rõ lai lịch trên mạng. Cũng may chị Hân biết sự việc, ngăn chặn kịp thời. Bây giờ chị Hân lập thời khóa biểu hằng ngày quy định giờ con được chơi điện thoại, xem các chương trình thiếu nhi trên tivi, phụ mẹ việc nhà, coi sách giáo khoa để nhớ kiến thức…, không giao máy luôn cho con như trước.
Nghỉ hè thời COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội, trẻ em ở suốt trong nhà, ngột ngạt, thiếu sân chơi nên điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi trở thành vật “bất ly thân”. Bên cạnh đó, một số phụ huynh bận bịu công việc nên để trẻ giải trí bằng các thiết bị di động, miễn sao khỏi làm phiền người lớn. Điều này thật tai hại vì sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến thể chất như hại mắt, vẹo cột sống, béo phì do thiếu vận động mà còn dẫn đến không ít hệ lụy khác về mặt tinh thần. Nhiều trẻ tò mò tiếp cận những nội dung không phù hợp hoặc thông tin xấu, có trường hợp bị bắt nạt, bị kẻ xấu dụ dỗ, xâm hại trực tuyến… Để bảo vệ con, phụ huynh cần có quy định rõ về thời gian dùng máy tính, điện thoại, hướng dẫn con sử dụng và phòng ngừa tác động xấu từ game, mạng xã hội, cùng con khai thác những lợi ích của internet và công nghệ bằng việc học hỏi kiến thức ở các lĩnh vực… để việc giải trí vừa vui vừa đảm bảo an toàn, lành mạnh.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH