06/04/2008 - 12:22

Những mảnh đời vô thừa nhận

Cuộc sống của chị em Mohammed sẽ không còn tù túng sau khi được Liban cấp giấy tờ tùy thân.

Chị em Mohammed đều là người Palestine nhưng họ không có hộ chiếu cũng không chứng minh thư. Và họ thậm chí không được cấp qui chế tị nạn. Về mặt luật pháp, họ dường như không tồn tại. Gia đình Mohammed nằm trong số 3.000 người Palestine thuộc diện “không chứng minh nhân dân” ở Liban. Nhiều người trong số họ không đủ tiêu chuẩn nhận hàng cứu trợ và không được phép rời khỏi trại tị nạn, tìm việc làm hay thậm chí đăng ký kết hôn.

Cậu sinh viên 21 tuổi Mohammed kể do không có giấy tờ tùy thân nên năm ngoái em không được thi tốt nghiệp trung học. “Không có chứng minh thư, em không thể làm được bất cứ điều gì”, Mohammed nói. Còn cô chị Maysa thì than thở: “Chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn. Không đi lại được, không lập gia đình, không công việc. Chúng tôi sống trong trại tị nạn không khác gì nhà tù”. Trong khi đó, bà Aida, mẹ của họ trước nay luôn sống trong hối tiếc. “Đó là vấn đề của chồng tôi”.

Chồng của Aida là một trong những người Palestine “không chứng minh thư” đầu tiên lưu lạc đến Liban vào những năm 1970. Hoàn cảnh của gia đình Aida rất khác với phần đông trong tổng số 400.000 dân Palestine đang tị nạn ở Liban. Hầu hết đều là con cháu các gia đình đã kéo đến đây khi Nhà nước Israel thành lập năm 1948. Trong khi đó, cộng đồng người Palestine “không chứng minh nhân dân” đến đây hơn 20 năm sau theo ngã Jordanie. Nhiều người trong số này đến Liban để hoạt động cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) sau khi PLO bị cấm cửa ở Jordanie năm 1971.

“Họ không thể bước chân ra khỏi trại tị nạn. Không thể làm việc chính thức. Không thể đăng ký kết hôn, khai sinh và khai tử. Họ cũng không thể mua sắm xe cộ”, Mireille Chiha thuộc Hội đồng Tị nạn Đan Mạch, tổ chức trợ giúp những gia đình như của Aida từ trước tới nay, nói.

Trong trại tị nạn Ein al-Hilweh lớn nhất ở Liban, Ragheb Bitar hồi tưởng lại thời gian kháng chiến chống Israel. 20 năm qua, người đàn ông luống tuổi này không thể bước chân ra ngoài hàng rào khu trại tị nạn. “Những người không có giấy tờ tùy nhân như chúng tôi không khác nào tù nhân. Trước đây hoàn cảnh buộc tôi phải cầm súng chiến đấu. Nếu tình trạng này tiếp tục, tôi sẽ bảo con cháu mình trở thành chiến binh như tôi thuở trước”, Bitar tâm sự.

Khả năng dân tị nạn Palestine “không chứng minh thư” như Bitar nổi loạn đang gây lo lắng cho chính quyền Liban. Sau khi tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn chính thức trước năm 1970, từ đó đến nay, đất nước nhỏ bé này tiếp tục gồng mình thu nhận thêm hàng ngàn người Palestine chạy nạn. Tuy nhiên, tình trạng này đang sắp thay đổi.

Ông Khali Makkawi đại diện cho chính phủ Liban cho biết dân tị nạn “không chứng minh thư” sắp tới sẽ được hưởng qui chế như những người khác. “Họ sẽ được phép tự do đi lại, và có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn giống như những người Palestine khác ở Liban”, Makkawi cho biết. Quá trình làm giấy tờ tùy thân cho cộng đồng người Palestine “không chứng minh thư” sẽ bắt đầu trong vài tuần tới. Tại sao có sự thay đổi này?

Đó là một phần do chính phủ Liban đã chấp nhận thực tế rằng những người này cũng là dân tị nạn, và ngoài Liban họ không còn nơi nào khác để đi. Makkawi nói thêm nguy cơ bất ổn an ninh là có thật nếu hàng ngàn người sống trong trại tị nạn không được thừa nhận nhân thân. Tuy nhiên, sự đổi thay này vẫn không giải quyết được vấn đề lớn hơn, đó là số phận của 400.000 người tị nạn ở Liban vẫn bấp bênh, sau gần 60 năm.

ĐÔNG NGUYÊN
(Theo BBC)

ĐÔNG NGUYÊN (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết