30/07/2024 - 08:35

Những loại thuốc không nên uống với cà phê 

Mặc dù cà phê là thức uống mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng các chuyên gia khuyến cáo việc uống thuốc chung với cà phê có thể làm giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc, gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe. Dưới đây là những loại thuốc nên tránh dùng chung với cà phê:

Thuốc dị ứng và cảm lạnh không kê đơn

Tiến sĩ HaVy Ngo-Hamilton tại Ðại học Minnesota (Mỹ) cho biết nhiều loại thuốc thuộc nhóm này chứa chất kích thích pseudoephedrine, có tác dụng thu hẹp các mạch máu trong khoang mũi để giảm sưng và nghẹt mũi. Nhưng trong quá trình phát huy tác dụng, pseudoephedrine cũng kích thích các tế bào trong não chịu trách nhiệm cho phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Vì thế, uống cà phê chung với thuốc này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến người dùng cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Tốt nhất là nên dùng thuốc này trước 2 tiếng hoặc sau 4 tiếng uống cà phê.

Thuốc điều trị tiểu đường

Thông thường, insulin không tương tác trực tiếp với thành phần caffeine trong cà phê. Nhưng khi uống chung với cà phê, nó sẽ làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt là nếu cà phê pha thêm kem và đường. “Lượng đường trong máu sẽ tăng đột biến và điều đó làm cho thuốc trở nên kém hiệu quả hơn”, Tiến sĩ Ngo-Hamilton cho biết. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, bất cứ thức uống nào chứa caffeine đều có thể làm tăng lượng insulin và mức đường huyết.

Thuốc kháng sinh

Tiến sĩ Jennifer Bourgeois, chuyên gia dược phẩm tại công ty SingleCare (Mỹ), cho biết các thuốc kháng sinh có thể ức chế quá trình chuyển hóa caffeine, dẫn đến tăng nồng độ caffeine trong máu. Ðiển hình như ciprofloxacin, thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng xoang. Dùng thuốc này với cà phê có thể khiến tim đập nhanh và tăng cảm giác bồn chồn.

Thuốc làm loãng máu

Tiến sĩ Ngo-Hamilton cho biết caffeine có thể ức chế sự phân hủy của thuốc làm loãng máu, khiến thuốc lưu lại trong cơ thể nhiều hơn. Ðiều này đặc biệt nguy hiểm vì dùng nhiều thuốc loãng máu có thể dẫn đến chảy máu quá nhiều, ngay cả khi bị thương rất nhẹ. Riêng với warfarin, bệnh nhân nên đợi ít nhất 6-8 tiếng sau khi dùng mới được uống cà phê vì loại thuốc loãng máu này tương tác mạnh với caffeine.

Thuốc huyết áp

Nhóm thuốc này có tác dụng hạ huyết áp và ngăn chặn tác dụng của hoóc-môn epinephrine hoặc adrenaline, nhằm cải thiện lưu lượng máu và giảm nhịp tim. “Thuốc chẹn beta có tác dụng làm giảm nhịp tim để tim không phải làm việc quá sức. Nhưng sau khi uống cà phê hoặc bất kỳ thức uống nào có chứa caffeine, nó sẽ làm tăng nhịp tim và cuối cùng làm tăng huyết áp. Tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyên nên dùng thuốc huyết áp trước 2 tiếng hoặc sau 4 tiếng uống cà phê.

Thuốc tuyến giáp

Tuy Levothyroxine là thuốc kê đơn phổ biến để điều trị suy giáp, nhưng việc dùng nó với bất kỳ thực phẩm hoặc thức uống nào chứa caffeine dễ làm giảm lượng thuốc được cơ thể hấp thụ. Theo một đánh giá hồi năm 2020, caffeine làm giảm tới 50% tỷ lệ hấp thụ Levothyroxine. Tiến sĩ William Franklin, người sáng lập kiêm giám đốc y khoa của Victory Medical (Mỹ), khuyên nên dùng Levothyroxine vào lúc bụng đói và đợi ít nhất 30 phút mới dùng caffeine.

Thuốc điều trị bệnh Alzheimer

Thuốc điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer, được gọi là chất ức chế cholinesterase, ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine, một hóa chất giúp hình thành trí nhớ và tư duy. Tuy nhiên, uống thuốc này cùng với cà phê sẽ thắt chặt hàng rào máu - não, khiến thuốc khó đến não hơn và cuối cùng làm giảm hiệu quả của thuốc. Vì thế, bệnh nhân nên uống thuốc trước hoặc sau khi uống cà phê 2 tiếng.

Thuốc trị loãng xương

Việc dùng nhóm thuốc này với cà phê có thể khiến cơ thể không hấp thụ đúng cách, dẫn tới giảm hiệu quả của thuốc. Uống thuốc điều trị loãng xương như risendronate và ibandronate với cà phê còn làm tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh nhân nên đợi khoảng 2 tiếng sau khi dùng thuốc mới uống cà phê hoặc dùng bữa.

Thuốc hen suyễn

Bệnh nhân hen suyễn thường phải dùng thuốc giãn phế quản để thư giãn và mở rộng đường thở. Tuy nhiên, việc hòa trộn các loại thuốc giãn phế quản, như aminophylline và theophylline, với cà phê có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của thuốc như cáu kỉnh và bồn chồn. Người bệnh nên uống thuốc trước hoặc sau khi dùng cà phê 4 tiếng.l

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

 

Chia sẻ bài viết