20/04/2009 - 20:25

Đồng bằng sông Cửu Long

Những khuyến nghị giảm tổn thất sau thu hoạch

Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực sấy, xay xát lúa gạo xuất khẩu: Để làm khô 10 triệu tấn lúa hàng hóa (xay xát thành 5 triệu tấn gạo xuất khẩu), hằng năm ĐBSCL tổn thất không dưới 3.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu có nguồn vốn hỗ trợ kích cầu khoảng 3.000 – 4.000 tỉ đồng để thực hiện mục tiêu sấy khô và xây dựng kho bảo quản lúa thì chỉ trong 1-2 năm, tổn thất do xay xát lúa có độ ẩm cao hơn 18% sẽ được khắc phục và tạo tiền đề cho việc sấy khô, tồn trữ trong tương lai…

Thất thoát lớn

Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa của Việt Nam khoảng 35,87 triệu tấn. Tại ĐBSCL, ngoài phần cân đối tiêu dùng nội địa, mỗi năm tạo ra hơn 10 triệu tấn lúa hàng hóa phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Con số này có thể sẽ cao hơn nếu tổn thất sau thu hoạch được khắc phục và việc tồn trữ tính toán một cách bài bản, căn cơ hơn.

Tại buổi tọa đàm “Lợi ích tồn trữ lúa gạo hàng hóa và hiệu quả kinh doanh” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ do Câu lạc bộ Nông gia thuộc Báo Sài Gòn Tiếp thị, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức, hiện trạng ảnh hưởng đến việc cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhất là gây thất thoát lúa ở ĐBSCL đã được nhìn nhận. Đó chính là: Nền đất yếu ở ĐBSCL và vùng Đồng Tháp Mười làm hạn chế việc sử dụng máy gặt đập liên hợp, nhất là trong vụ hè thu. Giao thông nội đồng chưa được đầu tư, hạn điền chưa hợp lý, nông dân canh tác trên từng thửa ruộng nhỏ làm hạn chế tiến trình cơ giới hóa. Giống lúa nội địa thân cao nhưng không đủ cứng, các giống lúa dễ đổ ngã khi đến kỳ thu hoạch gây khó khăn cho máy gặt...

Sau khi thu hoạch, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL tận dụng sân nhà để phơi gây thất thoát và không đảm bảo chất lượng hạt lúa khi đem xay xát. Ảnh: VĂN CÔNG 

Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất sau thu hoạch được xác định tập trung ở khâu chế biến gạo từ lúa có ẩm độ cao. Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên gia trong lĩnh vực sấy, xay xát lúa gạo xuất khẩu, Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho rằng: Nghịch lý khi dùng lúa ướt xay gạo rồi sấy để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đã khiến phẩm chất gạo kém, giá thấp và giảm năng lực cạnh tranh. Bởi hạt thóc chưa đủ độ cứng khi xay xát dễ gây rạn nứt, ảnh hưởng đến tỷ lệ gạo trọng nguyên ở các khâu chế biến tiếp theo. Trong khi đó, cám ẩm, dễ ô xy hóa, chất lượng cám giảm nhanh; phải làm cám khô, bảo quản khó, ảnh hưởng đến các công đoạn như làm thức ăn gia súc, trích lấy dầu... Ngoài ra, lúa có độ ẩm cao khi đưa vào xay xát khiến công suất máy xay xát giảm 30-40%, tiêu hao năng lượng 1,4 lần và tổn hao phụ tùng máy móc, cao su, lưới khoảng 1,5 lần so với lúa khô.

Trữ lúa sẽ có lời...

Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ở thời kỳ trước, mỗi năm trồng một vụ lúa, nhiều người trữ lúa gạo đến giáp hạt (12 tháng). Ngày nay, nông dân và doanh nghiệp trữ gạo lúa mùa ngon (ví dụ như Tài Nguyên) lúc nào bán cũng có lời, lúa thơm lài Campuchia cũng được trữ bán quanh năm. Chính vì thế, nếu sấy lúa đúng chuẩn, lúc thu hoạch rộ, giá lúa rẻ, nông dân có thể trữ đợi giá cao”.

Theo thống kê 13 năm của Sở Tài chính TP Cần Thơ, giá lúa cao nhất trong năm rơi vào tháng 11, 12 và tháng 1, 2 của năm sau. “Thái Lan làm chủ khâu sấy và giữ gạo phẩm chất cao để xuất khẩu ổn định (5-10% tấm), nên luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng quanh năm, tạo niềm tin và luôn có giá cao hơn gạo Việt Nam. Tại sao mình không làm được?” - ông Cua nói.

Nhưng vấn đề ở đây, việc tồn trữ lúa ở ĐBSCL phải được thực hiện như thế nào? Tại ĐBSCL, từ tháng 8-1997 đến tháng 2 – 2004, trong báo cáo hoàn chỉnh dự án sau thu hoạch và chế biến gạo, ông Bjarnes Christensen, Cố vấn trưởng Dự án có những khuyến nghị kiên định như sau: Chỉ tồn trữ lúa dài hạn (6-9 tháng), kể cả lúa lương thực và lúa giống sản xuất trong vụ đông xuân. Lúa phải được xử lý về độ ẩm còn 14,5% trong hệ thống kho đúng quy cách (có thông gió và khống chế nhiệt độ). Chỉ trữ lúa chất lượng cao và lúa đặc sản. Bên cạnh đó, điều kiện để có lúa trữ tốt phải sử dụng giống đúng phẩm cấp, quản lý tổng hợp đồng ruộng, thu hoạch đúng độ chín, không phơi lúa ngoài đồng. Vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho rằng: “Với cách xuất khẩu gạo phổ biến như hiện nay, doanh nghiệp mua gạo nguyên liệu đến từ các nơi tại kho của mình để lau bóng. Tức doanh nghiệp không cần ký kết hợp đồng mua lúa với nông dân, nhưng cũng có nguyên liệu (gạo lức) để chế biến xuất khẩu do thương lái cung ứng. Mua lúa không có lợi cho doanh nghiệp vì phải tốn thêm chi phí cho khâu kiểm phẩm chất lúa, gánh chịu rủi ro “rớt tỷ lệ” (tỷ lệ thu hồi gạo lức thấp do hạt lúa răn, gãy, độ ẩm cao...), tốn kém kho chứa lúa và không phải giải quyết một lượng lớn phụ phẩm gồm trấu, tấm, cám...”. Chính vì thế, góp phần nâng cao chất lượng hạt lúa dự trữ cũng cần huy động thương lái tham gia vào khía cạnh chất lượng (chọn mua lúa tồn trữ ít tạp chất, rạn nứt, hạt đen, hạt hư...). Ngoài ra, cần có các biện pháp cần thiết của cơ quan có trách nhiệm kiểm định lương thực, thực phẩm quy định chất lượng gạo chế biến; không khuyến khích hoặc đưa ra lộ trình cấm chế biến gạo từ lúa có độ ẩm trên 17%, song song với việc đầu tư năng lực sấy lúa và tồn trữ lúa khô độ ẩm nhỏ hơn 5% cho các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu.

Đầu tư như thế nào?

Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, khẳng định: “Tồn trữ lúa tốt là một phương thức kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư kho vựa”.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã “đặt hàng” Bộ NN&PTNT triển khai đề án xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo hiện đại với tổng sức chứa lên tới 4 triệu tấn gạo để trình Thủ tướng phê duyệt. Tại ĐBSCL, ngày 19-2, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã chính thức làm chủ đầu tư kho lương thực sức chứa 200.000 tấn tại chợ đầu mối lúa gạo (Thốt Nốt). Đây là những tín hiệu vui cho việc nâng cao chất lượng, giá trị hạt lúa ở ĐBSCL...

Ngoài những vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Thể Hà, Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, tính toán: Với khoảng 3.000 tỉ đồng (tương đương với thiệt hại sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL) đủ để đầu tư 5.000 hệ thống sấy lúa (1 hệ thống sấy lúa gồm 2 máy sấy SRA 10 và kho bảo quản 400 tấn lúa) có công suất 20 – 40 tấn/ngày ở các địa phương như Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, vùng Đồng Tháp Mười (thuộc Tiền Giang và Long An). Với việc đầu tư này, chỉ sau 1 hoặc 2 năm, tổn thất do xay xát lúa có độ ẩm cao hơn 18% sẽ được khắc phục, tạo tiền đề cho việc sấy khô, tồn trữ lúa trong tương lai.

Theo ông Bùi Lưu Phong, Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, tính toán: Hiện nay, Chính phủ đã và đang triển khai giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế. Nếu có nguồn vốn kích cầu khoảng 3.000 – 4.000 tỉ đồng sẽ đầu tư cải thiện hệ thống sấy lúa từ 20 – 40 tấn/ngày lên xây dựng 125 - 150 hệ thống xay xát lúa có công suất từ 20 tấn lúa/giờ trở lên ở Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và Nam Sông Hậu thuộc vùng ĐBSCL. Đặc biệt, hệ thống cung cấp năng lượng đồng hành từ trấu, thậm chí năng lượng trấu, nhiệt thừa từ lò hơi có thể gánh vác một phần năng lượng dùng để sấy lúa. Nếu làm được vấn đề này, đến năm 2020 ĐBSCL sẽ hoàn thành hiện đại hóa ngành chế biến lúa gạo từ lợi ích do giảm thiệt hại sau thu hoạch đem lại...

Hà Triều

Chia sẻ bài viết