30/04/2014 - 10:41

Những huyền thoại Mẹ

Bài 3: Mất mát, hy sinh để có hòa bình

"Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỷ
Gót Cà Mau đầu tận ải Nam Quan
Cửu Long Giang, buông dài làn sóng tóc
Dựa Trường Sơn, đứng gác Thái Bình Dương"

                      (Bà Mẹ Việt Nam, Huỳnh Văn Nghệ, chiến khu Đ cuối 1946)

Mẹ Nguyễn Thị Nguyệt bên bàn thờ các con hy sinh.

Những vần thơ của "thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ phần nào chuyển tải khí chất và tinh thần của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó, có Mẹ Nguyễn Thị Nguyệt- ngụ tại phường An Bình, quận Ninh Kiều.
17- 18 tuổi, Mẹ tham gia cách mạng từ những ngày chống Pháp. Cuộc đời Mẹ từ đó trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Mẹ vẫn vững một niềm tin vào chiến thắng của cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc. Từng người con của Mẹ sinh ra, nuôi dưỡng, lớn lên, Mẹ lại tự hào dắt tay con trao cho cách mạng.

Mẹ Nguyễn Thị Nguyệt sinh năm 1927, năm nay đã bước vào tuổi 87, cũng là 70 năm Mẹ theo Đảng, theo Bác Hồ. Gặp mẹ, ấn tượng đầu tiên và sâu đậm nhất là sự khí khái, lạc quan và thấu hiểu của một người đã trải qua những năm tháng gian khổ nhất của hai cuộc chiến. Những nỗi đau, những vất vả của cuộc đời Mẹ trong năm tháng chiến tranh được Mẹ kể bằng giọng nhẹ như không, như đó là con đường, là sự chọn lựa tất yếu của mọi con dân nước Việt trong thời đất nước oằn mình dưới bom đạn, dưới gông cùm nô lệ. Đan xen trong câu chuyện Mẹ kể về gia đình là chuyện con gái, con trai của những người hàng xóm, bà con họ hàng mà Mẹ quen biết đã chết tức tưởi, vô lý trước sự tàn bạo của giặc. Mẹ nhớ: "Má của Mẹ cũng chết không kịp trối, thân thể còn lại chỉ một mảnh xương, vì bị giặc dội bom khi đang đi trên đường cái quan".

Với niềm tin chỉ có đấu tranh giải phóng dân tộc, mới có cuộc sống hòa bình, yên vui, từ năm 17-18 tuổi, Mẹ đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Mẹ vừa làm cứu thương, y tá tại khu VIII, vừa hoạt động thành ở Châu Đốc với nhiệm vụ tổ chức rải truyền đơn, làm công tác dân vận trong lòng địch, dưới vỏ bọc buôn bán nhỏ. Cơ sở bị lộ, Mẹ bị địch bắt giam khoảng nửa năm với bao đòn roi, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Đỉnh điểm là giặc xử tử một đồng chí cùng bị bắt với Mẹ để khủng bố. Mẹ vẫn một mực không khai báo, không chỉ điểm. Mẹ kể: "Chúng thường trói Mẹ vào một gốc cây phía sau nhà giam. Rồi một lần quân ta tấn công vào nhà giam địch, Mẹ vượt ngục theo các anh vào vùng căn cứ".

Mẹ được tổ chức đưa về vùng Ba Chúc làm công tác dân vận dưới vỏ bọc cô giáo dạy học xóa mù chữ cho người dân ở đó. Một năm sau mẹ được giao thêm công tác phụ nữ, nhằm tập hợp chị em, vận động bà con tham gia đấu tranh chính trị, tiếp tế cho cách mạng. Khoảng thời gian này, qua một đồng chí cùng công tác chung, Mẹ đã gặp gỡ và kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Hoặc, tham gia cách mạng từ thời tiền kháng chiến. Lúc gặp nhau, ông đang là cán bộ hoạt động tại vùng Long Châu Tiền (ngày nay là một phần của tỉnh An Giang, một phần thuộc tỉnh Đồng Tháp- PV). Họ kết hôn trong những năm toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Rồi Mẹ sanh người con đầu năm 23 tuổi, chuyển ra vùng Hồng Ngự sinh sống, vừa để bảo vệ các con vừa làm giao liên cho cách mạng.

"Vì nhiệm vụ, ba của sắp nhỏ đi công tác 2-3 năm mới về một lần. Mỗi lần về thì có thêm một đứa con ra đời", Mẹ cười nhớ lại. Kể về khoảng thời gian đó, Mẹ không muốn nhắc lại những khổ cực hay thiệt thòi Mẹ gánh chịu, mà chỉ muốn nhớ về những khoảnh khắc đầm ấm, hạnh phúc mỗi khi gia đình đoàn tụ. Lần lượt 10 người con ra đời, Mẹ thường tay dắt con lớn, tay ẵm con nhỏ, qua lại giữa các vùng để truyền tin tức, đưa thư từ cho cách mạng. Mẹ chưa bao giờ bị lộ bởi luôn cẩn thận ngụy trang, thư từ được giấu khéo léo trong ngăn 2, ngăn 3 của những vật dụng đem theo.

Những người con của Mẹ dần lớn lên, lại bước tiếp trên con đường mà Mẹ đã chọn. Lần lượt 9 người con của Mẹ tham gia kháng chiến từ khi mới 12-13 tuổi. Hầu hết các anh chị làm giao liên, hoặc được tổ chức cho đi học. Mẹ tiễn từng người con đến với cách mạng. Nếu cơ sở gần, Mẹ còn dắt tay con đến tận nơi để "giao quân". Mẹ nói: "Ai cũng sống và chết một lần, sống và chết sao cho có ích, có ý nghĩa mới là chuyện đáng phải suy nghĩ và chọn lựa". Đến giờ Mẹ vẫn nhớ chuyện ngày xưa người con thứ ba của Mẹ không hề nao núng khi máy bay địch quần thảo trên đầu, vẫn bình tĩnh, cơ trí, tiếp tục bước đi trên đường giao liên, bởi lúc đó mà chạy trốn thì khác nào làm bia cho giặc.

"Chiến tranh, phải có mất mát hy sinh mới có hòa bình"- Mẹ nói bằng sự thấu hiểu khi nhắc đến hai người con đã hy sinh: chị Nguyễn Thị Tươi và anh Nguyễn Văn Trường. Chị Tươi là con thứ tư của Mẹ, cũng tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, là cán bộ Y tế huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Chị mất năm 20 tuổi, trong một lần giặc dội bom ngay hầm trú ẩn. Mẹ nhận xác con, dù lòng đau đến mấy cũng không để hiện ra bên ngoài, vì sợ ảnh hưởng ý chí chiến đấu của những người xung quanh. Còn người con thứ sáu của Mẹ, anh Trường mất tại Chiến khu Đ khi làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ. Năm ấy, anh vừa tròn 16 tuổi. Mẹ nói: "Đến giờ con Mẹ vẫn còn nằm trên đó, bởi mộ bia mấy năm sau bị giặc san bằng. Bây giờ, ngoài tấm bia chung có ghi tên con Mẹ cùng với những chiến sĩ khác, trên những nấm mồ chỉ ghi là vô danh, không biết chính xác đâu là mộ của thằng Sáu". Mẹ chỉ kể vậy thôi, chứ Mẹ cũng thấy an lòng vì con của Mẹ nằm cùng đồng đội, những người Mẹ đều coi như con của mình.

Vợ chồng Mẹ Nguyễn Thị Nguyệt cùng các con chuyển về Cần Thơ sinh sống không lâu sau ngày hòa bình thống nhất đất nước. Giờ chồng Mẹ cũng đã đi xa, các con của Mẹ đều đã tốt nghiệp đại học. Các cháu nội ngoại của Mẹ có người là thạc sĩ. Chia tay chúng tôi, Mẹ hẹn "30-4 đến nhà Mẹ ăn Tết Độc Lập". Với Mẹ, đó là cái Tết vui nhất và ý nghĩa nhất bởi đó là niềm vui của cả dân tộc!

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết