06/09/2020 - 08:13

Những hướng mở cho bóng đá Cần Thơ 

Sau khi kết thúc mùa giải hạng Nhất quốc gia 2020, đội XSKT Cần Thơ sẽ được chuyển giao về cơ quan chủ quản mới, trong khi hệ thống đào tạo bóng đá trẻ cần được tổ chức lại hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sân bãi tập luyện, cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho bóng đá cũng cần được quan tâm đầu tư... Rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho bóng đá Cần Thơ đã được nêu lên trong buổi tọa đàm tìm giải pháp phát triển bóng đá Cần Thơ, vừa diễn ra tại Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) thành phố.

Buổi tập của các cầu thủ XSKT Cần Thơ trên sân Cần Thơ.

Buổi tập của các cầu thủ XSKT Cần Thơ trên sân Cần Thơ.

Đánh giá về thực trạng, ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) TP Cần Thơ, thừa nhận bóng đá Cần Thơ hiện nay chưa có HLV nhiều kinh nghiệm trong đào tạo trẻ để hoạch định chiến lược công tác này. Lực lượng HLV bóng đá trẻ hiện còn thiếu và yếu so với các trung tâm đào tạo của quốc gia. Trình độ HLV không đồng đều về chuyên môn, ít có HLV từng là cầu thủ thi đấu đỉnh cao, nhiều kinh nghiệm trong thi đấu thực tế và đào tạo. Trình độ lực lượng VĐV năng khiếu tại các CLB không đồng đều, ít có nhân tố trẻ nổi trội để tuyển chọn. Về cơ sở vật chất, Trung tâm TDTT chưa có sân tập cỏ tự nhiên cho các tuyến, trong khi điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu, không thể đáp ứng nếu tập trung đông VĐV cùng thời điểm. Các đội năng khiếu và trẻ ít có điều kiện thi đấu cọ sát để nâng cao chuyên môn.

Ở cấp độ đội tuyển, CLB Bóng đá Cần Thơ được thành lập vào năm 2004 trực thuộc Sở TDTT Cần Thơ và chuyển giao sang Công ty TNHH NN MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ vào năm 2010. Đội bóng mang tên XSKT Cần Thơ thi đấu tại các giải chuyên nghiệp Việt Nam từ đó đến nay, với nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ và nguồn tài trợ quảng cáo. Theo ông Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc điều hành CLB Bóng đá Cần Thơ, điều quan trọng đối với một CLB chuyên nghiệp là phải có trung tâm đào tạo trẻ hoặc học viện từ U11 đến U19; có tối thiểu một sân tập đủ tiêu chuẩn… Tuy nhiên, Cần Thơ còn đang thiếu các tiêu chí này. Hiện CLB Bóng đá Cần Thơ chỉ quản lý đội tuyển XSKT Cần Thơ, với 5 người trong Ban huấn luyện và 27 cầu thủ. Giám đốc kỹ thuật CLB Bóng đá Cần Thơ Nguyễn Hữu Đang cho biết thêm: Hiện tại giải hạng Nhất quốc gia đã thi đấu được 9 vòng giai đoạn lượt đi và đội XSKT Cần Thơ đang tạm xếp cuối bảng. Do dịch COVID-19, nên giải đấu đang tạm dừng. Nếu tiếp tục thi đấu trở lại, đội XSKT Cần Thơ sẽ thi đấu thêm 7 vòng đấu cuối với mục tiêu trụ hạng. Nếu trụ hạng thành công, đội Cần Thơ phải mạnh dạn thay đổi cho các cầu thủ trẻ của Cần Thơ được đưa lên đội tuyển tập luyện chuẩn bị thi đấu mùa giải hạng Nhất năm 2021. Mỗi tuyến trẻ cần phải có 3 HLV phụ trách công tác huấn luyện và 1 HLV phụ trách huấn luyện thủ môn.

Hai nguyên giám đốc Sở TDTT Cần Thơ là ông Lê Văn Cường và ông Đào Huy Tâm đều cho rằng thành phố cần tạo quỹ đất, xây dựng sân tập luyện phục vụ cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Về hệ thống các tuyến đội bóng đá, cần phải thống nhất tổ chức quản lý từ đội tuyển đến các đội năng khiếu, đội trẻ và quan trọng là thống nhất chương trình huấn luyện theo từng lứa tuổi. Đội ngũ HLV phải có nghiệp vụ về bóng đá chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề nghiệp.

Ông Lâm Quang Thành, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho rằng việc chọn mô hình giúp bóng đá Cần Thơ phát triển hiệu quả là vấn đề khó, nhưng phải có định hướng, tầm nhìn rõ ràng. Từ đó, Cần Thơ mới có cơ chế chính sách phát triển bóng đá hợp lý. Trước tiên phải có chính sách thu hút nhân tài, HLV giỏi, quảng cáo tiếp thị, kinh doanh thể thao… Bóng đá chuyên nghiệp phải tốn nhiều tiền nhưng sử dụng phải chặt chẽ. Ông Võ Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm TDTT TP Hồ Chí Minh, cho rằng bóng đá Cần Thơ phải xác định được mục tiêu để có giải pháp thực hiện, vạch ra lộ trình trọng tâm từng lứa U, đăng cai giải đấu để tạo cơ hội phát triển trình độ chuyên môn. Điều này đòi hỏi phải có sự quyết tâm và tâm huyết từ đội ngũ.

Tham dự buổi tọa đàm, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Mục tiêu trước mắt là đội XSKT Cần Thơ trụ hạng thành công tại giải hạng Nhất 2020. Định hướng trong tương lai gần theo chủ trương là chuyển giao đội bóng Cần Thơ. Hiện có 2 hướng: một là chuyển về Trung tâm TDTT thành phố - một đơn vị sự nghiệp. Ở mô hình này, ngân sách sẽ cấp kinh phí cho đội bóng và trung tâm có phương án khai thác hiệu quả Sân vận động Cần Thơ, nhận tài trợ. Thứ hai là chuyển qua Liên đoàn Bóng đá Cần Thơ - một tổ chức xã hội. Liên đoàn nhận được tài trợ, nhưng với mô hình này việc khai thác sân vận động bị hạn chế. Còn về định hướng lâu dài, Cần Thơ cần có những giải pháp căn cơ để phát triển bóng đá chuyên nghiệp, mang bản sắc địa phương, có đề án khai thác hiệu quả Sân vận động Cần Thơ.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết