09/11/2021 - 13:05

Những điều cần biết về tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi 

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11-2021. Cần Thơ đang chờ Bộ Y tế cấp vaccine để tiêm. Vaccine tiêm cho trẻ là Comirnaty của hãng Pfizer - BioNTech (Mỹ-Ðức) sản xuất.

Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Ðể từng bước tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng COVID-19, dựa vào kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, Bộ Y tế mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ rút vaccine Pfizer.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11-2021. Trong tháng 11, sẽ triển khai tiêm mũi 1, dự kiến triển khai dần cho các tỉnh theo tiến độ tiêm cho người lớn, tiến độ cung ứng vaccine. Ðầu tháng 12-2021, sẽ cố gắng mở rộng việc tiêm cho trẻ trên toàn quốc và sẽ ưu tiên cho địa phương đang có dịch, đang bị giãn cách xã hội, có mật độ dân cư tập trung, nguy cơ lây nhiễm cao. Tỉnh nào chưa đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cho người lớn thì vẫn tiếp tục ưu tiên cho nhóm này trước.

Vaccine Comirnaty của Pfizer - BioNTech được Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp vào tháng 12-2020 và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng đầy đủ vào ngày 23-8-2021. Tại Việt Nam, vaccine này được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy vaccine Comirnaty của Pfizer - BioNTech có hiệu quả chống lại nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 95%.

Vaccine được chỉ định tiêm phòng cho người từ 12 tuổi trở lên. Lọ vaccine chứa 6 liều. Liều lượng, đường tiêm: 0,3ml, tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 1 từ 3-4 tuần. Vaccine được bảo quản ở nhiệt độ 20C đến 80C. Lưu ý, vaccine đã rã đông, không làm đông băng trở lại.

Các phản ứng sau tiêm chủng: Phản ứng rất phổ biến (≥ 10%): đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm. Phản ứng phổ biến (từ 1/100 đến dưới 1/10): Buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm. Phản ứng không phổ biến (≥1/1.000 đến <1/100): Nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm. Phản ứng hiếm gặp (≥1/10.000 đến < 1/1.000): Bell’s palsy (liệt mặt ngoại biên cấp tính). Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim: là biến chứng hiếm gặp được ghi nhận ở một số quốc gia.

Theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, buổi tiêm chủng tổ chức theo các bước sau: Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón. Khai báo y tế, đo thân nhiệt; hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm chủng; sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn trước khi tiêm chủng. Tiêm chủng và theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Trì hoãn tiêm chủng khi có 1 trong các yếu tố sau đây: đang mắc bệnh cấp tính, mãn tính tiến triển.

Chuyển trẻ đến khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện đối với trường hợp: mắc bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu... nghe tim phổi bất thường; có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì.

Chống chỉ định tiêm chủng đối với trường hợp: Có tiền sử phản ứng dị ứng (phản vệ) với bất cứ thành phần nào của vaccine Comirnaty Pfizer - BioNTech COVID-19. Ðặc biệt, không nên sử dụng cho những người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với polyethylene glycol (PEG) hoặc các phân tử liên quan.

Những người có phản ứng dị ứng ngay lập tức (ví dụ: phản vệ, nổi mày đay, phù mạch, suy hô hấp) với liều đầu tiên của vaccine này sẽ không tiêm liều tiếp theo. Thận trọng khi tiêm chủng trong một số trường hợp: có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. Theo Viện Vệ dịch tễ Trung ương, sau tiêm, người thân theo dõi các cháu trong 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Lưu ý, trong vòng 3 ngày sau tiêm không vận động mạnh.

Khi thấy một trong các dấu hiệu sau: tê quanh môi hoặc lưỡi; da phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; tức ngực, hồi hộp, ngất; nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; khó thở, thở rít, khò khè, tím tái; chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 390C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt, thì cần liên hệ với Ðội cấp cứu lưu dộng hoặc đến ngay bệnh viện.

Những điều cần lưu ý: Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì tiếp tục theo dõi. Nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,50C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Ðo lại nhiệt độ sau 30 phút. Sốt từ 38,50C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết