 |
Mario Monti - niềm hy vọng mới của nước Ý. Ảnh: Reuters |
Các thị trường chứng khoán và tiền tệ ở châu Á trong phiên giao dịch sáng hôm qua 14-11 đã tăng nhẹ như là một dấu hiệu tin tưởng vào khả năng ổn định trở lại của đồng euro khi chính trường Hy Lạp và Ý tạm gác chia rẽ đảng phái để tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.
Thủ tướng tạm quyền Hy Lạp Lucas Papademos ngày 14-11 đã đệ trình kế hoạch hành động của ông lên quốc hội. Ba cuộc thăm dò dư luận khác nhau cho thấy liên minh cầm quyền mới của nhà kỹ trị 64 tuổi này được đa số người dân Hy Lạp đánh giá tích cực. Trọng trách của cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nội các mới này là triển khai chương trình tiếp nhận gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro của Liên minh châu Âu (EU) trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2 năm sau.
Có thể nói, chính phủ mới ở Hy Lạp dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Papademos đang “chạy đua với thời gian” nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến vỡ nợ của nước này. Ngày 12-11, Thủ tướng Papademos đã có các cuộc hội đàm khẩn cấp với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, hai nền kinh tế đầu tàu của Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) xung quanh gói cứu trợ mới của châu Âu dành cho Hy Lạp. Việc thuyết phục các đối tác châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân các khoản vay tiếp theo trị giá 8 tỉ euro trong gói cứu trợ thứ nhất cũng là ưu tiên hàng đầu của nội các mới ở Hy Lạp. Nếu không nhận được các khoản vay này trong tháng 11 để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, Athens sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản hoặc phải rời khỏi Eurozone. Tại cuộc hội đàm, cả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều thúc ép Hy Lạp sớm thi hành đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận cứu trợ của EU và IMF, và khẳng định đó là điều kiện bắt buộc để Hy Lạp có thể được giải ngân trong khuôn khổ gói cứu trợ mới của EU-IMF.
Trong khi thị trường chứng khoán châu Á có dấu hiệu lạc quan thì ở châu Âu diễn ra theo chiều hướng ngược lại sau khi 3 tỉ euro trái phiếu thời hạn 5 năm của chính phủ Ý sáng 14-11 tăng lên 6,29% (so với 5,32% hồi tháng 10), mức cao nhất từ tháng 6-2007. |
Trong khi đó tại Ý, Tổng thống Giorgio Napolitano ngày 14-11 cũng đã chính thức chỉ định cựu Ủy viên châu Âu Mario Monti làm thủ tướng tạm quyền của nước này sau khi Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức hôm 12-11. Quyết định này được Tổng thống Napolitano đưa ra sau một ngày tham vấn với lãnh đạo các chính đảng ở Ý và đã được sự đồng ý của ông Monti. Ông Monti giờ đây được giao trọng trách thành lập một chính phủ mới để chèo lái đất nước thoát khỏi tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Dự kiến Thủ tướng tạm quyền Monti sẽ sớm đệ trình lên quốc hội danh sách các thành viên trong chính phủ kỹ trị của ông cùng với một “chiến lược cứu nguy” nền kinh tế để quốc hội xem xét thông qua. Tiến trình này có thể mất một vài ngày. Một số nguồn tin nói rằng ông Monti có thể đề cử ông Guido Tabellini giáo sư kinh tế tại Đại học Bocconi, làm bộ trưởng kinh tế và tài chính, cựu Thủ tướng Giuliano Amato làm ngoại trưởng, cùng một số nhân vật như Enzo Moavero làm chánh văn phòng nội các, Cesare Mirabelli làm bộ trưởng tư pháp, Lorenzo Ornaghi làm bộ trưởng giáo dục.
Theo báo chí Ý và châu Âu, với cuộc tổng tuyển cử kế tiếp sẽ diễn ra vào đầu năm 2013, chính phủ kỹ trị mới của ông Monti sẽ có khoảng 18 tháng để thông qua các biện pháp cải cách đầy đau đớn nhằm cắt giảm nợ công và thúc đẩy tăng trưởng, và điều này cần có sự ủng hộ của đa số tại quốc hội. Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu không đạt được những thành công nhất định nhằm duy trì được đa số ủng hộ trong quốc hội, chính phủ của ông Monti có thể sẽ không thể đứng vững đến thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử mới. Dẫu vậy, sự xuất hiện của Monti trên chính trường Ý cũng đã mang lại luồng sinh khí mới cho nước Ý. Nhà kinh tế tự do xuất sắc 68 tuổi này tuyên bố Ý với tư cách là một trong những nước sáng lập EU phải trở thành là một “trụ cột sức mạnh, chứ không phải mắt xích yếu trong EU”.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)