27/04/2010 - 21:29

Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010

Những dấu ấn tốt đẹp

Trong những ngày qua, ở TP Cần Thơ rộn ràng không khí tưng bừng lễ hội chào mừng các sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ, kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam. Đặc biệt, từ ngày 24 đến 27-4, Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 đã tạo nên một sân chơi sôi động cho các địa phương, doanh nghiệp, nông dân, ngư dân… và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp...

* Tôn vinh giá trị ngành thủy sản

Theo Ban tổ chức, sau 4 ngày diễn ra, Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 đã thành công tốt đẹp. Nhiều hoạt động của lễ hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Đặc biệt, ngoài việc khẳng định những đóng góp to lớn của ngành thủy sản trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đến dự và phát biểu trong đêm khai mạc Festival, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Ngành thủy sản đạt được những thắng lợi to lớn như thời gian qua, trước hết là nhờ sự nỗ lực, sáng tạo, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của gần 4 triệu bà con nông dân, ngư dân, những người đã trực tiếp nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Ngoài ra, đó cũng là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, của ngành, của các địa phương; đặc biệt là sự hợp tác liên kết của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, của doanh nghiệp... Đồng thời, Thủ tướng đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người hoạt động trong ngành thủy sản, đặc biệt là bà con nông dân, ngư dân.

Tại Festival này, hơn 30 tập thể, doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân, ngư dân được tôn vinh. Bởi nhờ những đóng góp tiêu biểu của họ đã góp phần phát triển ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An, TP Cần Thơ, là một trong các cá nhân điển hình được tôn vinh tại Festival thủy sản lần này, bày tỏ: Đây là việc làm có rất ý nghĩa đối với những người hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Bởi từ trước đến nay, những người nuôi trồng thủy sản không mong muốn làm để được khen thưởng. Nhưng đến nay đã được sự quan tâm, ghi nhận của Nhà nước. Chắc chắn rằng, những cá nhân, tập thể được tôn vinh thời gian tới sẽ phấn đấu hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để thủy sản Việt Nam ngày càng phát triển.

Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 đã khẳng định được các thế mạnh và tiềm năng to lớn của ngành thủy sản Việt Nam. Festival này đã giới thiệu đến du khách gần xa về các hình ảnh và các sản phẩm thủy sản, các mô hình nuôi thủy sản và các loại thủy, hải sản của của các vùng, miền trong cả nước. Qua đó, giúp cho mọi người có một cái nhìn tổng thể và có hệ thống về ngành thủy sản Việt Nam. Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 cũng đã đề ra được các định hướng cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đó là phát triển thủy sản theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững và hiện đại gắn với việc xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu sản phẩm...

* Cầu nối giữa các địa phương, doanh nghiệp

Hội chợ Thủy sản Việt Nam 2010 thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm các sản phẩm thủy, hải sản. Ảnh: T. Long 

Tại Hội chợ Thủy sản Việt Nam năm 2010, có rất nhiều gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp thu hút đông đảo khách tham quan. Trong đó, có các gian hàng trưng bày, bày bán và giới thiệu các loại cá kiểng. Anh Võ Trí Toàn, Chủ Trại cá cảnh Ba Sanh ở TP Hồ Chí Minh, cho biết: Đến Hội chợ lần này, chúng tôi trưng bày và giới thiệu 4/100 loại cá kiểng sản xuất và cung ứng ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó là cá massage (cá bác sĩ), cá chép koi, cá hồng quang, cá tài phát hồng kỳ. Gian hàng Trại cá cảnh Ba Sanh thu hút được sự quan tâm của rất nhiều khách tham quan. Còn anh Lê Đình Dương, Phó Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Seameco, Công ty cổ phần Công nghiệp Thủy sản, (thuộc Tổng Công ty Hải sản Biển Đông,TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi là một đơn vị chuyên đóng, sửa chữa tàu cá và cung cấp các thiết bị phục vụ khai thác hải sản xa bờ, các dịch vụ hậu cần... Tại Hội chợ này, lượng khách ghé thăm gian hàng của chúng tôi rất đông. Nhiều người quan tâm tìm hiểu về các phương tiện và trang thiết bị phục vụ khai thác và đánh bắt hải sản xa bờ”. Trong khi đó, nhiều gian hàng của các công ty sản xuất các loại thức ăn thủy sản cũng đã thu hút rất đông khách tham quan, tìm hiểu sản phẩm. Kỹ sư Hồ Đắc Mỹ, Phụ trách kỹ thuật thủy sản, Công ty TNHH một thành viên Proconco Cần Thơ, cho biết: “Công ty là đơn vị chuyên sản xuất các loại thức ăn thủy sản như: tôm sú, cá da trơn và gần đây có thêm các loại thức ăn cho cá có vẩy như: rô phi, rô đồng, điêu hồng... Mục đích đến Hội chợ lần này, công ty muốn quảng bá thêm về các sản phẩm thức ăn, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của công ty để giúp người nuôi thủy sản đạt được thành công... Qua các ngày tham dự Hội chợ, tôi thấy lượng khách đến tham quan gian hàng và tìm hiểu các sản phẩm của công ty rất đông. Trong đó, có các vị khách nước ngoài đến từ các nước như: Thụy Điển, Hà Lan, Cộng hòa Séc... và rất nhiều đoàn khách trong nước đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước như: An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang...”.

Bà Lê Thị Kim Thu, Giám đốc Công ty Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ (EFC), Phó ban Tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010, cho biết: Thành công của Hội chợ chính là thu hút được rất nhiều khách tham quan, mua sắm; đặc biệt vào thứ bảy và chủ nhật, Hội chợ thu hút 70.000 – 80.000 lượt khách. Hội chợ cũng thể hiện cầu nối giữa các địa phương, các doanh nhiệp trong nước trong việc xây dựng các mô hình phát triển ngành thủy sản, qua đó nhiều doanh nghiệp đã ký kết được nhiều hợp đồng với các đối tác trong nước. Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội chợ, các hội thi hóa trang, tiếng hát ngành thủy sản hay các đăng ký kỷ lục Guinness Việt Nam đều đạt được kết quả như mong muốn. Đó là thể hiện và giới thiệu những giá trị, những đóng góp của thủy sản cho sự phát triển chung của cả nước.

* Để Festival Thủy sản Việt Nam thiết thực hơn

Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 đã đạt được những mục tiêu, mong muốn ban đầu là một sự kiện lớn về kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm tôn vinh những giá trị về ngành thủy sản của cả nước; tạo cơ hội hợp tác giữa người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và doanh nghiệp - giao thương giữa các doanh nghiệp thủy sản. Đây là ngày hội của nông dân, ngư dân, nhà khoa học, doanh nghiệp thủy sản, doanh nhân...; là thông điệp gửi đến các tỉnh, thành trong nước và bạn bè trên thế giới về vùng ĐBSCL và TP Cần Thơ năng động với văn hóa sông nước miệt vườn, văn hóa nghệ thuật, sự phong phú về du lịch; là điểm đến hấp dẫn của du khách. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần được xem xét, rút kinh nghiệm để Festival Thủy sản Việt Nam trở thành sự kiện thường niên của quốc gia được tổ chức tại TP Cần Thơ thiết thực hơn.

Nhiều doanh nghiệp tham dự Hội chợ Thủy sản Việt Nam năm 2010 nhận xét rằng: Do đây là Hội chợ chuyên ngành về thủy sản nên có rất nhiều nông, ngư dân đến để tìm hiểu về sản phẩm mới và cập nhật thông tin thị trường, những kiến thức và những ứng dụng khoa học mới của ngành thủy sản. Nhưng do Hội chợ diễn ra trùng với Hội chợ Thủy sản ở Bỉ nên vắng nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn của các vùng, miền trong cả nước. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đến với Hội chợ chủ yếu tiếp cận với người dân để quảng bá thương hiệu, chứ chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận với đối tác làm ăn là các doanh nghiệp.

Hội thảo “Thủy sản Việt Nam: Tiềm năng – Hội nhập và Phát triển” là một trong những hoạt động được mong đợi nhất tại Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010. Bởi mục tiêu của Hội thảo nhằm đưa ra những vấn đề bức xúc và những giải pháp, định hướng nhằm phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương, nông dân, ngư dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản tìm kiếm các giải pháp, hình thức tối ưu về nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy sản trong và ngoài nước; trong việc xây dựng thương hiệu thủy sản và mời gọi đầu tư... Tuy nhiên, theo nhận định của đại biểu tham dự: Hội thảo còn nặng về việc đọc các tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, chưa dành nhiều thời gian cho những thảo luận nhằm giải quyết các vấn đề mắc mứu đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam. Nông dân, ngư dân chưa có nhiều cơ hội để nói lên những khó khăn, những mong muốn và kiến nghị của họ trong việc giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của ngành thủy sản có liên quan và tác động mạnh mẽ đến họ. Đó là những bức xúc của người nuôi thủy sản về giá cả thức ăn chăn nuôi đầu vào quá cao; nhà nông và ngư dân khó tiếp cận vốn; mức thu nhập của nhiều lao động nghề cá còn thấp; nghề nuôi thủy sản đang gặp nhiều bấp bênh do giá cả đầu ra không ổn định và ngày càng có nhiều rủi ro do dịch bệnh và ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm môi trường nước, con giống kém chất lượng, chi phí sản xuất tăng cao, phương tiện phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ còn hạn chế...

***

Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 tại TP Cần Thơ đã khép lại. Các hoạt động trong khuôn khổ Festival này đã tạo được tiếng vang nhất định. Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Thành công của Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 tạo điều kiện cho các Festival Thủy sản Việt Nam những lần sau đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống của nhân dân và tạo thế chủ động cho phát triển ngành thủy sản trong tiến trình hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế.

Hà Triều – Khánh Trung

Chia sẻ bài viết