20/03/2008 - 22:37

Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng - dầu

Những chuyến ra khơi chồng chất nỗi lo

Chưa bao giờ ngư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại lo lắng nhiều như hiện nay. Bởi mấy năm gần đây, nguồn lợi thủy hải sản bị sụt giảm; nhiên liệu và các thực phẩm thiết yếu phục vụ cho nghề biển liên tục tăng giá. Trong khi đó, giá thủy hải sản lại không tăng hoặc tăng nhẹ; đồng USD đang mất giá làm xuất khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu thủy hải sản. Trước sức ép đó, những chuyến ra khơi của hàng chục ngàn ngư dân vùng ĐBSCL giờ mang nặng nỗi lo lỗ lã; nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền!

Nặng nề những chuyến ra khơi

Gần một tháng qua, kể từ khi giá dầu tăng luôn làm cho nhiều ngư dân phải đau đầu, cân nhắc trước khi cho tàu rời bến. Ông Phan Văn Cẩm, ở ấp Chợ, xã Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có 4 chiếc tàu khai thác hải sản xa bờ, công suất từ 250 - 350 CV/chiếc. Mỗi chuyến khai thác 10 - 12 ngày, ông phải mang theo 12.000 lít dầu. Trước đây, giá dầu 10.200 đồng/lít, sau khi trừ các chi phí ông Cẩm còn lời khoảng 60 triệu đồng/chuyến (chưa chia cho ngư phủ). Khi giá dầu tăng lên 13.900 đồng/lít, chi phí dầu tăng thêm 50 triệu đồng/chuyến. Ông Cẩm nói: “Điều trớ trêu là giá các loại hải sản không tăng hoặc có tăng nhưng không đáng là bao. Trong khi đâu phải lúc nào đi biển cũng thuận lợi. Có lúc tàu ra ngư trường đánh bắt được 1 - 2 ngày thì biển động, phải quay vào bờ; có khi không thuận mùa, đánh bắt không được nhiều thậm chí không thể ra khơi nhất là vào mùa mưa bão”.

 Nhiều tàu đánh cá đang “nằm ụ” ở kênh 3, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGUYÊN THANH

Trước Tết Nguyên đán, 4 chiếc tàu của anh Nguyễn Văn Hạnh ở ấp Định An, xã Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) thu lời được trên 80 triệu đồng (chưa chia cho ngư phủ) sau mỗi chuyến ra khơi. Sau Tết Nguyên đán, đội tàu anh Hạnh ra khơi ngay vào thời điểm giá dầu tăng. Nhưng ra đến ngư trường đánh bắt 2 ngày, gặp biển động nên sản lượng không nhiều, còn giá cả sản phẩm lại không tăng. “Tôi ước tính, so với chuyến trước, chuyến này phải bù lỗ phần giá dầu thôi đã trên 70 triệu đồng. Đã vậy, sau chuyến đi trước Tết Nguyên đán, tôi có vay Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Trà Cú trên 600 triệu đồng để tu bổ tàu, các trang thiết bị, ngư cụ và vốn lưu động. Chi phí như thế, giá cả các loại hải sản thì không tăng lên, chuyến này chỉ kiếm huề vốn chứ khó mà lời được” - anh Hạnh than.

30%, 60% tàu nằm bờ và sẽ còn nữa...

Theo tính toán của ngư dân, với giá dầu tăng lên như hiện nay, mỗi chuyến đi biển của cặp cào đôi (35-40 ngày) sẽ tăng thêm 180-220 triệu đồng. Lương thực, thực phẩm, ngư cụ... cũng tăng thêm 20%. Tàu có công suất dưới 90 CV hoặc tương đương khai thác ngắn hạn trên biển chi phí tăng thêm cho mỗi chuyến từ 6 đến 7 triệu đồng so với trước thời điểm áp dụng giá xăng dầu gần đây. Cái khó là ngư dân không thể chủ động điều chỉnh giá sản phẩm khai thác được.

Theo bà con ngư dân, giá các mặt hàng hải sản sau Tết Nguyên đán đến nay chỉ tăng từ 250 đồng đến 800 đồng/kg. Mức tăng này không thể bù đắp được chi phí tăng giá dầu, và các hàng hóa thiết yếu khác. Trước tình hình này, nhiều chủ tàu đánh cá rơi vào tình trạng: “Ra khơi hay nằm bờ cũng đều thiệt hại cho chủ tàu. Khai thác thì dễ bị lỗ. Nằm bờ thì cũng chẳng hơn gì, vì máy móc, tàu thuyền bị xuống cấp rất nhanh. Ai có vốn thì nằm nhà “chờ thủ”. Nếu đã mang nợ ngân hàng phải ra khơi, chấp nhận thua lỗ mà có đồng vốn để xoay xở...” -ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tàu ở Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết.

Chủ tàu gặp khó khăn, cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các ngư phủ. Anh Trần Văn On, ngư phủ của tàu ST 90990 TS, Sóc Trăng, than thở: “Nhà có 4 miệng ăn, tất cả đều phụ thuộc vào những chuyến đi biển của tôi. Nếu các chủ tàu kéo dài tình trạng nằm bờ, độ chừng nửa tháng nữa là nhà tôi xem như hết gạo. Lên bờ thì không biết làm nghề gì để sống, bởi đã quen đi biển gần 20 năm nay rồi. Tội nhất là 2 đứa con của tôi, chắc phải nghỉ học để đi bán vé số kiếm sống quá”. Không chỉ riêng gia anh On, nhiều ngư phủ cũng đang “sất bất sang bang” để tìm việc làm lo cho cuộc sống thường nhật của gia đình. Anh Đồ Văn Út, ở ấp Bến Tranh, xã Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh), cho biết: “Bây giờ, ở huyện Trà Cú này có nhiều ngư dân muốn bỏ nghề, ai cũng ngán ngẫm cái nghề đi biển”.

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang, cho biết: “Ngành thủy sản Kiên Giang, cũng như các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt những khó khăn, mà trước hết ngư dân phải chịu đựng. Giá dầu tăng cao làm tăng nguy cơ nằm bờ của nhiều tàu đánh bắt xa bờ. Đồng USD giảm là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Từ đó, việc thu mua nguyên liệu của ngư dân cũng sẽ hạn chế về số lượng, giá không cao. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu sau mỗi chuyến đi biển...”.

Theo ước tính của ngành thủy sản, tại các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng... đã có khoảng 30% - 60% tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ sau chuyến biển đầu năm. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng và tăng hơn nữa trong thời gian tới...

Cần trợ lực cho ngư dân

Nhiều tàu cá phải nằm bờ do chi phí mỗi chuyến biển ngày một tăng, chắc chắn ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của nghề đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Ông Lâm Tấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú (Trà Vinh), lo lắng: “Trà Cú hiện có 252 phương tiện đánh bắt thủy sản, phần lớn là đội tàu có công suất lớn (trong đó đội tàu đánh bắt xa bờ 52 chiếc), nhưng hiện nay đã có khoảng 60% số tàu nằm bờ. Đến thời điểm này, huyện vẫn đang chờ chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT chỉ đạo. Thú thật, chúng tôi nôn nóng vì nghề khai thác biển đóng góp đáng kể cho sản lượng thủy sản chung của huyện và của tỉnh”.

Trước những bức xúc và khó khăn của ngư dân như hiện nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có kế hoạch trợ lực riêng cho ngư dân. Điển hình như Trà Vinh, trong khi chờ Bộ NN&PTNT có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ giá xăng dầu, hỗ trợ chi phí khác,... cho ngư dân, trước mắt Sở Thủy sản tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Ngân hàng thương mại khoanh nợ cũ cho ngư dân và có kế hoạch cho vay vốn đối với các ngư dân hội đủ các điều kiện theo qui định, nhằm giúp duy trì và phát triển nghề khai thác biển. Sở Thủy sản tỉnh này cũng đã tập trung chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp các địa phương ven biển chuyển giao các lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao tay nghề đánh bắt, mở các lớp thuyền - máy trưởng miễn phí cho ngư dân. Đồng thời, tổ chức thành lập các Tổ khai thác trên biển giúp ngư dân hỗ trợ nhau trong sản xuất như: áp dụng phương pháp mỗi Tổ hợp tác khai thác cử ra 1 tàu làm tàu dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào đất liền và vận chuyển dầu - các vật phẩm thiết yếu từ đất liền ra biển để giảm chi phí đánh bắt cho từng hộ ngư dân của tổ; hỗ trợ nhau khi tàu khác bị hỏng máy, gặp nạn hoặc mưa bão...

Có thể nói, bước chủ động của Trà Vinh là một hướng mở cho nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản ở ĐBSCL. Tuy nhiên, trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay, cần có sự trợ lực mạnh mẽ và mau chóng từ Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương để những chuyến ra khơi của người dân khu vực ĐBSCL giảm bớt nỗi lo, để những sản phẩm từ việc khai thác, đánh bắt tiếp tục đóng góp thích đáng vào sự phát triển kinh tế của địa phương, của vùng và cả nước nói chung.

Nhóm PV-CTV

Từ 2008 đến 2010, Chính phủ sẽ hỗ trợ 70 triệu đồng/tàu/năm đối với ngư dân mua mới, đóng mới tàu (máy mới 100%, đạt các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật theo quy định của Bộ NN-PTNT, đã hoàn thành thủ tục đăng kiểm, đăng ký, có giấy phép khai thác hải sản (đối với tàu đánh bắt hải sản), hoặc giấy đăng ký kinh doanh (đối với tàu làm dịch vụ), hoàn thành việc mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên) có công suất từ 90CV trở lên.

Đối với tàu đánh bắt hải sản có công suất máy từ 40CV trở lên, hoặc tàu dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác hải sản, hỗ trợ ngư dân thay máy tàu sang loại máy mới tiêu hao ít nhiên liệu hơn, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/máy/năm (đối với máy tàu có công suất từ 40CV đến dưới 90CV) và 18 triệu đồng/máy/năm (đối với máy tàu có công suất từ 90CV trở lên).

Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên làm việc theo hợp đồng lao động trên các tàu cá có công suất máy từ 40CV trở lên và tàu dịch vụ nếu đủ các điều kiện theo quy định.

Năm 2008, Nhà nước sẽ hỗ trợ về dầu cho ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản, hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản có đủ các điều kiện với các mức hỗ trợ cho 1 chuyến đi đánh bắt hải sản là 8 triệu đồng, 3 lần/năm (đối với tàu có công suất máy từ 90CV trở lên); 5 triệu đồng, 4 lần/năm (đối với tàu có công suất máy từ 40CV đến dưới 90CV) và 3 triệu đồng, 5 lần/năm (đối với tàu có công suất máy dưới 40CV).

(Quyết định số 289/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 03 năm 2008 về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân)

Chia sẻ bài viết