15/10/2023 - 16:28

Những chuyện đã cũ ở xứ mình 

Nguyễn Hữu Hiệp

Người viết bài này xin gửi quý độc giả, nhất là các bạn trẻ, những câu chuyện để qua đó biết được phần nào bối cảnh sinh hoạt đồng quê trong công cuộc xuôi Nam mở cõi của ngày trước. Phải đâu lớp lớp cha ông mình chỉ ngày ngày vật lộn với "hùm tha sấu bắt", hoặc chiến đấu một mất một còn với bọn "cường sơn thảo khấu", mà còn phải vận dụng cả vốn sống để sinh tồn trước những chuyện mê tín dị đoan. Nhắc lại những góc khuất mà theo cuộc sống ngày càng phát triển, ông bà mình đã dần thoát khỏi, từ đó quý độc giả sẽ cảm nhận được một phần những gian khổ của tiền nhân.

Bộ tranh "Người xưa đi mở đất" của cố họa sĩ Tô Dự, tái hiện không gian và công lao khẩn hoang của người xưa. Ảnh: TL

Chiêu bài bùa phép và "thư" ếm

Thời xưa nếu chuyện bùa phép được nghe nói nhiều, thì "thư ếm" dường như chỉ xuất hiện ở vùng đầu nguồn Nam Bộ. Có thể nói đây là một chiêu bài vô cùng lợi hại của một số "thầy" làm ăn bất chính! Chiêu thức thường thấy là "thầy" cùng những người "phụ diễn" bày ra chuyện những người đó bị ếm một vật thể vào bụng. Họ giả bộ ợ ợ ngáp ngáp, rên khóc, kêu la đau đớn và luôn miệng lạy thầy làm phép lấy ra dùm. "Thầy" nhảy múa và truyền phán như quỷ thần nhập xác, một mặt lấy ra những vật thể lạ (phổ biến là miếng da trâu, hay khúc củi bửa, hoặc một cây đinh to...) khiến những người nhẹ dạ cả tin thi nhau đồn thổi không công. Trên An Hà nhựt báo số 048 ra ngày 13 tháng 12 năm 1917, tức cách nay đã trên 100 năm, có bài viết tựa đề "Ðạo hỏa phó than" không chỉ tố giác về nạn này mà còn cho đó là hành vi dã man.

Xin ghi lại bài viết trên: "Nhiều chỗ dị đoan còn tin theo sự dã man dối thế. Lâu lâu có xác ông này bà kia lên nói ông chi đó, bà chi đó nhập vào ợ ngáp tưng bừng túi bụi. Như tại Ba Tiêu hay là Ða Lộc (Trà Vinh) có một người đàn ông xưng là xác của ông Quan Công. Nội xứ tin Quan Công lắm nên trân trọng người xác. Xác này nghèo, bị lên hoài không làm gì được mà bạch thủ. Hay là tại cậu này làm biếng, kiếm chước nuôi thân cho dễ. Chắc vậy chớ gì! Trong xứ đó hay đãi ăn uống, châu cấp cho anh ta, lại nhờ đồ cúng kiếng ăn không hết. Cho đến đỗi mỗi năm người ta hùn tiền mà đóng giấy thuế thân cho nữa. Thường niên lối chừng tháng sa mưa giông, hay sanh dịch khí, thì anh ta ợ ngáp lên liền. Xưng rằng ông bên Tàu qua đuổi dịch cho An Nam. Ðó rồi thiên hạ rùng rùng, thứ nhứt là đờn bà, đổ than dài ngoài đường, quạt lửa lên cho đỏ, kế xác ông bắt từ đầu này chạy tới đầu kia đôi ba bận. Ai ai cũng đều tin nói rằng lên thiệt nên không sợ nóng. Chư tôn nghĩ coi! Nó đã kiếm chước làm ăn mà sợ làm sao? Mình khi không nên sợ nóng, chớ nó có sở lợi, có sợ bao giờ? Thí dụ như quạt nóng bằng một trăm cái đó, mà lúc ai rượt chém giết mình, mình chạy tới đó cùng đường, cũng phải chạy nhầu qua đống than ấy mà trốn. Trong đời chuyện gì cũng có người ta làm, kẻ việc kia việc nọ đều bởi sở lợi sanh nhai mà ra. Thôi! Nói Quan Công lên thiệt, bắt đút đầu trong lu nước đầy chừng nửa giờ coi có ngột không? Chẳng luận chi đứng trong lửa im lìm mà cháy". (Bài viết không thấy ghi tên tác giả).

Thế là bọn "thầy" chuyên hành nghề bằng những mánh lới lừa bịp vừa nói, mà điển hình là nghề "bỏ thư" từ từ biến mất. Ðó là chuyện của ngày trước, của cái thuở cuộc sống còn khó khăn, việc học hành hạn chế. Ngày nay cuộc sống văn minh, những chiêu lừa ấy không còn đất sống.

Sự thật "Ngải ăn thịt người"

Truyền rằng thuở xưa ở vùng Ðồng Tháp Mười, ai đi vô gần đám ngải của thầy bùa mỗ có màu da đen mốc trồng, gọi ngải co thì tự nhiên phải đi lẩn quẩn hoài chỗ đó, không rời xa được. Ði một hồi vô luôn trong đám ngải, cuối cùng phải quỵ xuống nằm co bất tỉnh để ngải quấn (nên gọi "ngải co"). Nó ăn hết thịt, chỉ còn bộ xương!

Quả là khó tin, nhưng xin nghe thêm lời kể dưới đây mới có thể kết luận thiệt/ hư: Chuyện rằng, ông Út ngụ xã Bình Hòa, gần xã Cần Ðăng, huyện Châu Thành, An Giang, có kể trên kênh "Thất Sơn huyền bí" rằng, ở miền Ðông có một người đàn bà, gọi là bà Năm ở kinh Nước Vàng biết làm bùa, trồng ngải, rất nổi tiếng. Bà đã đứng tuổi, rất giàu, có trồng một loại cỏ lạ sau nhà, cứ khoảng mươi ngày thì bà đem một con gà còn sống quăng vô đám cỏ lạ ấy, một lát sau đám cỏ chuyển động, tất cả ngọn cỏ đều hướng về chỗ bà vừa quăng con gà vào, liền sau đó tất cả lông con gà bay lên xoáy tròn như trốt hốt. Những người ở gần đó quan sát kỹ, thấy tất cả các ngọn cỏ đều quấn lấy con gà, lát sau con gà tiêu biến hoàn toàn! Hỏi, bà Năm cho biết đó là loại cỏ ăn thịt, bất cứ con vật nào, kể cả người, hễ men men lại gần thì sẽ bị chóng mặt, đi lảo đảo lảo đảo mấy vòng rồi tự nhiên nhắm thẳng giữa đám cỏ mà lủi vào, quỵ ngã, để rồi cuối cùng sẽ bị cỏ ngải ấy ăn tươi nuốt sống, tan xác luôn.

Hỏi ra mới biết chẳng qua bà Năm "tung chiêu" để ngăn bọn cường sơn thảo khấu hung hãn giữa đồng sâu!

*  * *

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện thuở cha ông ta đi mở cõi. Những câu chuyện đó có gian khổ của tiền nhân khai hoang lập ấp, cũng có những chuyện về tập quán, tín ngưỡng thuở con người chưa lý giải hết các hiện tượng tự nhiên và xã hội giữa vùng đất xa lạ. Những câu chuyện này giúp thế hệ sau hiểu thêm công sức của ông cha cho đất và người
hôm nay.

Chia sẻ bài viết