23/05/2012 - 21:17

ĐỌC “XE MÁY TIẾU NGẠO”

Những chuyện “cười ra nước mắt” xung quanh một phương tiện đi lại phổ biến

“Xe máy tiếu ngạo” là tập tản văn mới nhất của Nguyễn Trương Quý, Nhà Xuất bản Trẻ phát hành quí II-2012. Qua những bài viết hài hước nhẹ nhàng về xe máy, cuốn sách đem đến cho người đọc những kiến thức thú vị, những cái nhìn khá toàn diện về một phương tiện đi lại phổ biến nhất ở Việt Nam.

Nếu ở thế kỷ trước, xe máy là một tài sản có giá trị chỉ có người giàu mới sở hữu được thì ngày nay xe máy là một phương tiện rất thông dụng. Chuyện đổi xe theo đời, theo mốt cũng rất phổ biến. Có người đổi xe mới để tiện lợi hơn trong đi lại, công việc, nhưng cũng có người đổi xe theo tâm lý ganh đua hoặc cho hợp thời trang... Chính tác giả cũng từng đổi một chiếc Vespa để chứng tỏ mình là người “sành điệu” như thiên hạ, nhưng rồi không chịu nổi việc sửa xe liên miên nên đành bán đi để mua chiếc xe khác tiện lợi hơn (Đời xe máy).

Mua hoặc đổi một chiếc xe máy là chuyện đơn giản nhưng để cải thiện ý thức của người đi xe máy nói riêng và người tham gia giao thông nói chung là cả một vấn đề. Chỉ cần một va quẹt nhỏ, người ta có thể cãi vã, đánh nhau giữa đường, gây ùn tắc giao thông... (Di căn xe máy). Đặc biệt, việc chọn biển số đẹp cho xe cũng sinh ra lắm chuyện bi hài, đến nỗi người ta phải thốt lên: “Dù thời nay chọn số bằng máy tính, ấy vậy mà người ta vẫn cần có “cò”. Việc sính biển đẹp, tâm lý có kiêng có lành đã khiến cho đội quân môi giới này vẫn sống như thường” (Số má của xe- trang 25).

Tập tản văn phản ánh muôn mặt đời thường xung quanh chiếc xe máy: từ sự gắn bó lâu bền của người lái xe với chiếc xe được ví von là “Mối tình trâu sắt”, những người thợ sửa xe (Sửa xe nghe nhân tình thế), tâm lý người đi xe máy (Mình nghĩ gì khi đi xe máy)... đến sự xuất hiện chiếc xe máy đầu tiên cùng các số liệu, sự kiện liên quan đến việc đi xe máy tại Việt Nam (Trăm năm xe máy)...

Tác giả đã khéo léo xâu chuỗi các tư liệu, sự kiện thành những câu chuyện mang tính khái quát cao. Cách dẫn dắt chuyện lý thú cùng với giọng điệu hài hước pha chút châm biếm, giễu cợt kiểu như: “Thực tế đường phố Hà Nội đã “đào luyện” nên tôi và cả mấy triệu cư dân của nó trở nên những người lái xe máy giỏi nhất hành tinh” (Mình nghĩ gì khi đi xe máy- trang 33) khiến người đọc có cảm giác như đang tán gẫu cùng tác giả.

“Xe máy tiếu ngạo” là một tập tản văn khá hấp dẫn của Nguyễn Trương Quý sau bộ ba cuốn tản văn về Hà Nội: “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Tự nhiên như người Hà Nội” và “Hà Nội là Hà Nội”.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết