17/04/2022 - 08:37

Những câu hỏi thường gặp sau khi mắc COVID-19 

H.HOA (thực hiện)

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện (BV) Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ đã triển khai phòng khám hậu COVID-19. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với TS.BS Võ Phạm Minh Thư, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Ðơn vị Hô hấp, BV Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ về những thắc mắc của người dân sau khi đã khỏi COVID-19.

Thưa bác sĩ, sau khi mắc COVID-19, những ai cần đi khám hậu COVID-19?

- Người bệnh nhiễm COVID-19 trong vòng 4 tuần tính từ ngày có xét nghiệm dương tính, vẫn trong giai đoạn cấp tính của bệnh nên có thể có một số triệu chứng như: ho khan, ho đàm, khó thở, nặng ngực... Nếu diễn biến các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc có biểu hiện nặng như khó thở, đau ngực, ho ra máu, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Từ 4 đến 12 tuần kế tiếp được gọi là giai đoạn COVID kéo dài (hay tiến triển). Người bệnh có thể gặp các triệu chứng đã xuất hiện trong giai đoạn cấp hoặc xuất hiện triệu chứng mới. Sau 12 tuần, nếu vẫn còn những triệu chứng như ho, khó thở, hụt hơi, nặng ngực…, người bệnh cần đến cơ sở y tế có phòng khám hậu COVID-19 để được tư vấn và điều trị phù hợp.

 Nhiều người không biết mình đã từng nhiễm COVID-19, bác sĩ có lời khuyên thế nào cho những người này, thưa bác sĩ?

- Mọi người đều có nguy cơ mắc COVID-19, nhưng vì nhiều lý do, có thể những xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính, dẫn đến bỏ sót chẩn đoán nhiễm virus, đặc biệt khi không có triệu chứng. Nếu phát hiện những thay đổi như ho, khó thở hoặc nặng ngực, loạn nhịp tim, người dân nên đến khám tại cơ sở y tế để tầm soát nguyên nhân.

Với những người đang điều trị hậu COVID-19 ngoại trú, người có bệnh nền đã khỏi COVID-19 thì khi nào cần đi khám lại?

- Tùy theo vấn đề hậu COVID-19 đã được bác sĩ chẩn đoán khi thăm khám lần đầu, người bệnh sẽ có lịch hẹn cụ thể khi cần thiết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi có các biểu hiện bất thường cấp tính khác (đau thắt ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, yếu nửa người…) chưa thể xác định do hậu COVID-19 hay do bệnh lý đồng mắc khác thì người bệnh cần đến khám lại.

Người mắc các bệnh mạn tính cần tuân thủ việc tái khám định kỳ cho chính bệnh lý đang theo dõi điều trị ngoại trú. Do đó, sau khi mắc COVID-19, cần thiết tái khám để ổn định các bệnh lý nền cũng như điều chỉnh những bất thường do COVID-19 gây ra.

Hoạt động khám hậu COVID-19 tại BV Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ như thế nào, thưa bác sĩ?

- BV Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ triển khai Phòng khám Hậu COVID-19 tại phòng khám số 22 Khoa Khám bệnh hơn 3 tháng qua. Phòng khám hoạt động trong khung giờ từ 7 giờ đến 11 giờ, 13 giờ đến 17 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 6.

Ða số các triệu chứng của người bệnh COVID-19 sẽ thuyên giảm và hạn chế việc xét nghiệm, thăm dò không cần thiết. Tuy nhiên, nếu có tình trạng nặng khi nhiễm bệnh (đặc biệt có can thiệp thở oxy hay thở máy), có các bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh phổi mạn, bệnh tim mạch, ung thư…, người bệnh cần được đánh giá ban đầu để xem các bất thường là do sự không ổn định của các bệnh lý có trước hay mới xuất hiện hoặc tồn tại dai dẳng liên quan đến COVID-19. Mức độ thăm khám, xét nghiệm và chế độ tái khám cần theo chỉ định của bác sĩ. Các bác sĩ sẽ phân loại vấn đề sức khoẻ và chỉ định các thăm dò cần thiết. Các thăm dò cơ bản gồm có:

+ Xét nghiệm máu: công thức máu, điện giải đồ, chức năng gan, thận, đánh giá tình trạng viêm (C-reactive protein, tốc độ máu lắng, ferritin), TSH, FT4.

+ X-quang phổi.

Khám, xét nghiệm chuyên sâu theo triệu chứng hậu COVID-19 cần được bác sĩ chỉ định một hoặc các cận lâm sàng phù hợp theo biểu hiện và mức độ các vấn đề sức khoẻ của người bệnh như:

+ Bất thường về đông máu: D-dimer, fibrinogen. Tùy theo vị trí tắc mạch nghi ngờ, có thể thực hiện siêu âm mạch máu, siêu âm ổ bụng.

+ Tổn thương cơ tim (có thể biểu hiện đau ngực, đánh trống ngực, khó thở, phù chân): Troponin, BNP, điện tâm đồ, siêu âm tim.

+ Ảnh hưởng hệ hô hấp (có thể biểu hiện khó thở, hụt hơi, ho kéo dài): đo chức năng hô hấp, nghiệm pháp đi bộ 6 phút, X-quang phổi (đã làm thăm dò cơ bản), chụp cắt lớp vi tính ngực (khi cần), xét nghiệm đàm (khi cần, thực hiện xét nghiệm gene Xpert miễn phí do chương trình chống lao quốc gia hỗ trợ khi có nghi ngờ lao), nội soi hầu họng.

+ Biểu hiện đau khớp kéo dài: kháng thể kháng nhân, yếu tố dạng thấp…

+ Biểu hiện rối loạn tâm thần kinh - cơ, rối loạn giấc ngủ: đa ký giấc ngủ, đa ký hô hấp, điện não.

Các gói khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc khác theo các bệnh lý đồng mắc, lứa tuổi, giới tính của người bệnh sẽ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ và yêu cầu của người bệnh. Xét nghiệm đánh giá tái dương tính, tái nhiễm khi cần.

Xin cảm ơn bác sĩ !

Chia sẻ bài viết