23/06/2022 - 10:47

Những câu chuyện gây bức bối của phim truyền hình Việt 

Phim truyền hình nước ta ngày càng được đầu tư về nội dung, diễn xuất. Tuy nhiên việc chuộng xây dựng những tình huống bi kịch, đưa nhân vật đến tận cùng bất hạnh khiến phim dễ sa đà vào vòng lẩn quẩn, gây ức chế với người xem.

Khánh (Lan Phương) luôn phải sống trong nước mắt một cách khó hiểu trong “Thương ngày nắng về”.

Khánh (Lan Phương) luôn phải sống trong nước mắt một cách khó hiểu trong “Thương ngày nắng về”.

Có thể kể đến những phim truyền hình tạo nên tranh luận sôi nổi gần đây: “Gạo nếp gạo tẻ”, “Cây táo nở hoa”, “Hương vị tình thân”, “Hướng dương ngược nắng”, “Thương ngày nắng về”, “Bão ngầm”… Những phim này đều có nội dung ban đầu rất hấp dẫn, nhưng càng về sau trở nên lan man, dài dòng, chồng chất bi kịch khiến người xem ức chế. Cụ thể như “Cây táo nở hoa” ban đầu được đánh giá cao bởi câu chuyện ấm lòng về tình thương, chở che của người anh dành cho đàn em. Tuy nhiên, sự bảo bọc thái quá, bất chấp đúng sai của nhân vật Ngọc khiến câu chuyện đi vào ngõ cụt, diễn biến tâm lý của từng nhân vật cũng dần trở nên nặng nề không lối thoát. Tương tự, “Hương vị tình thân” (2021) cũng xây dựng các tình huống khiến người xem khó thở không kém; bởi sự oan khuất, bị bức đến đường cùng và phải gánh biết bao tủi nhục của ông Sinh vừa nặng nề vừa vô lý.

Phim truyền hình Việt trong những năm gần đây đều khai thác theo xu hướng bi kịch hóa đến mức câu chuyện không còn ánh sáng, dễ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Các nhân vật chính hay phụ đều bị đẩy đến tình huống phẫn ức không thể nói, giày xéo tâm lý đến cùng cực, với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Ví dụ điển hình là “Thương ngày nắng về” - tác phẩm lên sóng giờ vàng VTV. Phần một tạo được nhiều cảm xúc đẹp về tình thân, tình yêu nhưng đến phần hai của năm 2022, câu chuyện trở nên bức bối với nhiều tình huống khó chấp nhận. Như những bi kịch xoay quanh nhân vật Khánh. Cô suốt ngày luôn bị mẹ chồng la mắng dù không làm gì sai, còn chị chồng lại luôn âm mưu bày kế để Khánh bị chồng ly hôn. Đỉnh điểm là Khánh bị chị chồng gài bẫy vào khách sạn, dựng thành bằng chứng cô ngoại tình. Từ đó đẩy Khánh ra đường với hai bàn tay trắng dù rằng ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng cô. Mặc dù việc xây dựng tình huống bi kịch nhằm cuốn khán giả theo mạch phim, tuy nhiên việc lạm dụng lại gây phản ứng ngược. Người xem ức chế với nhân vật quá nhu nhược, đồng thời cũng cảm thấy mệt mỏi theo tâm lý của nhân vật.

Không chỉ các phim về đề tài gia đình rơi vào tình trạng này mà các dòng phim khác cũng xảy ra tương tự. Như phim hình sự “Bão ngầm” ban đầu cũng rất hấp dẫn bởi câu chuyện đầy bất ngờ, nhưng càng từ nửa cuối phim trở đi càng trở nên bức bối. Trong đó, tranh cãi nhất là chuyện Hạ Lam dần yêu kẻ bị tình nghi là tội phạm. Vốn dĩ, Hạ Lam được ban chuyên án cài vào công ty của ông Đức để thu thập chứng cứ phạm tội của ông ta nhưng cô lại quên mất nhiệm vụ mà nảy sinh tình cảm với Hùng - em trai ông Đức. Hạ Lam mang thai và tình nguyện từ bỏ chuyên án để bảo vệ tình yêu. Tuy phim đạt được mục đích là phát triển câu chuyện theo cách mà khán giả không thể ngờ; nhưng gần như đã phá vỡ thông điệp của phim. Hạ Lam ban đầu là nhân vật có lý tưởng bảo vệ công lý, cũng là một chiến sĩ với lòng can đảm, không hiểu sao nhân vật này lại rời bỏ tình yêu với Đại úy Hải Triều vì một hiểu lầm, rồi sa chân vào con đường tình yêu với một tội phạm. Nhân vật Hạ Lam gây nên những tranh cãi trên các diễn đàn, mạng xã hội khi bàn luận về phim. Dù biên kịch có lý giải nguyên nhân ra sao thì khán giả vẫn khó lòng chấp nhận.

Phim truyền hình Việt đã có bước tiến so với trước kia về chất lượng kịch bản, tuy nhiên, nếu lạm dụng kịch tính bất chấp những giá trị chân, thiện, mỹ của tác phẩm, khán giả cũng sẽ quay lưng.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết