14/11/2018 - 21:03

Những cách làm hay trong tuyên truyền pháp luật 

Sau 5 năm thực hiện Ngày pháp luật Việt Nam (2013-2018), Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PHPBGDPL) thành phố chỉ đạo Hội đồng PHPBGDPL các quận, huyện triển khai nhiều cách làm, mô hình hay trong công tác tuyên truyền. Các mô hình quán cà phê pháp luật, điểm hẹn pháp luật, câu lạc bộ pháp luật… đi vào đời sống, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sống và làm việc theo pháp luật.

Thanh niên huyện Thới Lai tham gia giao lưu tìm hiểu pháp luật.

Sân khấu hóa là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật nổi bật trên địa bàn huyện Thới Lai. Từ năm 2011, huyện Thới Lai đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa và nhận được phản hồi tốt từ người dân. Theo đó, hội thi từng năm sẽ gắn với những chủ đề nổi bật, thiết thực và gần gũi với đời sống, bám sát nội dung cơ bản của Hiến pháp và các luật, như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giao thông đường bộ… Bà Võ Thị Ngọc Sương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thới Lai, chia sẻ: “Năm đầu khi mới thực hiện mô hình này, cán bộ tư pháp còn bỡ ngỡ. Lâu dần, hội thi trở nên quen thuộc. Những tiểu phẩm vừa có nội dung tuyên truyền pháp luật vừa xen lẫn yếu tố hài hước, giải trí nên người dân trông chờ, xem như món ăn tinh thần. Qua từng năm, lượng khán giả đến xem, cổ vũ cho hội thi cũng như tìm hiểu về pháp luật ngày càng tăng, có khi trên 1.500 người. Đó là động lực để huyện Thới Lai duy trì và phát huy những mô hình tuyên truyền pháp luật phù hợp thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ”.

Trong công tác tuyên truyền pháp luật, thanh niên, sinh viên học sinh là những đối tượng được đặc biệt quan tâm. Nhiều năm nay, Công an TP Cần Thơ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thành công 8 chương trình giao lưu giáo dục ý thức công dân “Khi tôi 18” và sinh hoạt “Ngày pháp luật” tại các điểm trường: THPT Nguyễn Việt Hồng, THPT Lưu Hữu Phước, Cao đẳng Nghề Cần Thơ, Đại học Cần Thơ… Hoạt động tuyên truyền được triển khai với hình thức tọa đàm; gặp gỡ đối thoại trực tiếp, giải đáp những thắc mắc của học sinh, sinh viên; sân khân khấu hóa... Đồng chí Huỳnh Trí Sĩ, Trưởng Phòng Hồ sơ Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Thông qua chương trình này, Công an thành phố còn tặng sổ tiết kiệm cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và nhiều phần quà ý nghĩa khác để hỗ trợ các em trong việc học tập. Ngoài ra, Công an thành phố còn đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền pháp luật cải tạo, giáo dục bị can, phạm nhân tại trại tạm giam, nhà tạm giữ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng, hạn chế tình trạng tái phạm...”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn thành phố còn gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chế độ bồi dưỡng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa quam tâm đúng mức đến công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật… 

Trước thực tế đó, bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, đề xuất cần xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có chất lượng. Theo đó, tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, có lòng nhiệt tình say mê với công tác tuyên truyền pháp luật. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và định hướng nội dung giáo dục pháp luật cho đội ngũ. Tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải gắn với thực tiễn, để một mặt nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, mặt khác, giúp họ có khả năng vận dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở vì đây là hình thức vừa có tác dụng giáo dục cao vừa phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.  

Bài, ảnh: P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết