Với hàng ngàn dân di cư muốn thoát khỏi Afghanistan và khu vực Trung Đông nhiều bất ổn, việc vận chuyển đối tượng này qua khu vực Balkan vào Liên minh châu Âu phát triển rất mạnh, thậm chí "béo bở" hơn so với buôn lậu ma túy và vũ khí các quan chức thực thi pháp luật cho biết.
"Nghề" trị giá hàng tỉ USD
Theo Đại tá Gerald Tatzgern, người đứng đầu lực lượng cảnh sát chống buôn người tại Áo, chỉ riêng tại Hy Lạp đã có 200 đường dây buôn lậu người như vậy. "Nó đã phát triển thành một ngành kinh doanh trị giá hàng tỉ USD" Johanna Mikl-Leitner, Bộ trưởng Nội vụ Áo cho biết. Bà cũng nói thêm rằng những kẻ buôn lậu đã thâm nhập khắp khu vực châu Âu, tại Bulgaria, Hungary, Macedonia, Romania và Serbia. Sự hiện diện của họ rất dễ thấy tại nhà ga xe lửa Keleti ở Budapest, nơi hàng ngàn người có ý định nhập cư vào các nước phương Tây nhưng đã bị các quan chức Hungary chặn lại. Những kẻ vận chuyển lậu len lỏi giữa đám đông, lặng lẽ chào mời đưa người đến Áo, với mức giá hàng trăm đô-la.
Rob Wainwright, người đứng đầu cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), cho biết khoảng 30.000 người đã tham gia vào các băng nhóm buôn lậu người và chỉ trong năm nay, Europol đã phát giác 1.400 trường hợp. Còn theo giới chức châu Âu, các nhóm buôn lậu tại khu vực Balkan có quy mô và mức độ phức tạp khác nhau. Thông thường, họ là các nhóm tội phạm có tổ chức tại địa phương, tìm mọi cách để kiếm tiền. Họ thường thuê đại diện tại Afghanistan hoặc Syria để tìm kiếm khách hàng tiềm năng ở nước sở tại.
Bà Izabella Cooper, phát ngôn viên của Cơ quan giám sát biên giới châu Âu (Frontex), cho biết với một người di cư có rất nhiều tiền, những kẻ buôn lậu có thể cung cấp cho họ một hộ chiếu giả hoặc chứng minh thư bị đánh cắp, cùng với vé máy bay đến một quốc gia châu Âu đã chọn. Trong khi đó, những người ít tiền hơn thì tìm đường di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức thông qua một người môi giới, được "sang tay" bởi các băng nhóm buôn người khác nhau và đi đến đâu trả tiền đến đó theo Livia Styp-Rekowska, chuyên gia cao cấp về vấn đề nhập cư và kiểm soát biên giới thuộc Tổ chức Di trú Quốc tế.
Theo Thời báo New York, tình trạng di cư bất hợp pháp cũng song hành với nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ bị thương, tử nạn trên đường đi hoặc bị các nhóm buôn người lừa gạt.
EU muốn có đòn ngăn chặn mạnh tay
Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini ngày 3-9 cho biết liên minh này có thể đẩy mạnh hành động chống những kẻ buôn người ở Địa Trung Hải trong vài tuần tới, tịch thu và phá hủy tàu thuyền để đập tan mạng lưới của họ.
Hồi tháng 7, EU đã tiến hành bước đi đầu tiên là thu thập tin tình báo cho chiến dịch EU NavFor Med dùng lực lượng hải quân chống nhập cư lậu qua Địa Trung Hải. Bà Mogherini cho biết hành động này đã đáp ứng tất cả các mục tiêu đề ra. "Tôi đã đề nghị bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên thảo luận về việc chuyển tiếp sang giai đoạn hai, đó là bắt giữ và tiêu hủy tàu thuyền" bà Mogherini nói. Trong hai ngày 4 và 5-9, khi các ngoại trưởng EU nhóm họp tại Luxembourg, vấn đề này sẽ được đề xuất thông qua và tiến hành ngay.
Giai đoạn thứ ba trong chiến dịch quân sự này là cho phép EU NavFor Med hành động chống lại những kẻ buôn lậu trong lãnh hải của Libya. Tuy nhiên, bước đi này đòi hỏi phải có ít nhất một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và được sự chấp thuận của chính phủ Libya.
THANH TRÚC (Theo New York Times và CNA)