02/04/2024 - 08:13

Nhóm múa rối nước “độc nhất vô nhị” ở miền Tây 

Từ đam mê múa rối nước truyền thống, anh Phạm Tấn Vũ ở TP Bến Tre, tỉnh  Bến Tre, đã lập đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh “độc nhất vô nhị” ở miền Tây.

Mỗi khi đoàn Dừa Xanh biểu diễn đều thu hút rất đông thiếu nhi, học sinh đến xem.

Thỏa đam mê

Anh Vũ làm cán bộ bảo tàng Bến Tre nhưng rất đam mê múa rối nước. Tuy nhiên ở miền Tây, bộ môn nghệ thuật này đang dần bị lãng quên, nên năm 2019 anh quyết tâm tìm những người cùng đam mê, kinh nghiệm để lập nhóm múa rối nước. Trong thời gian nuôi dưỡng ý tưởng, anh tình cờ gặp nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa - một diễn viên xuất thân từ Ðoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre, có kinh nghiệm lại đam mê nghệ thuật múa rối nước. Vì vậy, khi anh Vũ nhờ hỗ trợ, ông Hòa nhận lời ngay. “Chú Hòa có kinh nghiệm nhiều năm múa rối nước, tôi thì có sở thích, đam mê và mong muốn phát triển bộ môn nghệ thuật này tại địa phương nên hai chú cháu hợp tác thực hiện” - anh Vũ nói.

Ðể đủ số lượng rối múa, anh Vũ và ông Hòa phải tự xuất tiền túi hơn 100 triệu đồng mua gần 30 con rối từ Hà Nội đem về. Sau đó tiến hành “chiêu mộ” thành viên là những người cùng đam mê để huấn luyện và lập đoàn. Hiện đoàn có 20 thành viên, chủ yếu là giáo viên, kỹ sư… có cùng đam mê múa rối nước.

Trong đoàn, anh Vũ đảm trách công tác quản lý, nghệ nhân Tiến Hòa phụ trách kịch bản, kỹ thuật biểu diễn. Mỗi thành viên khi gia nhập đoàn đều được đào tạo khoảng 2 tháng. “Các thành viên khi vào đoàn sẽ được hướng dẫn những bài múa cơ bản với rối cá, vịt, cáo… Nhưng để múa những con rối to, dài như con rồng, điều khiển có hồn từ uốn lượn, phun nước, lửa đòi hỏi sức dẻo dai kết hợp kỹ thuật lẫn kỹ xảo nên cần thời gian học hỏi, trau dồi, cũng như khả năng lĩnh hội riêng” - anh Vũ cho biết.

Biến tấu phù hợp với đời sống cư dân Nam bộ

Thời gian qua, những con rối được đặt mua tại làng rối Việt Nam ở Hà Nội, khi đưa về biểu diễn phục vụ trên quê hương Ðồng Khởi đều đã được cải biên một phần, từ hình thức đến các tiết mục, để phù hợp với đời sống người dân Nam bộ. Tên gọi các con rối được giữ nguyên theo truyền thống Bắc bộ, nhưng về phần trang phục được sửa thành áo bà ba, quấn khăn rằn... Lời thoại của con rối cũng được lồng các điệu lý Nam bộ như lý chim xanh, lý con khỉ, lý kéo chài, hò thẻ mực. Ðặc biệt, đoàn có tiết mục “Lục Vân Tiên đánh Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga”, dựa theo truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Ðình Chiểu, người con của quê hương Bến Tre hay vở Thánh Gióng đánh giặc… đều được tái hiện đầy sống động.

“Rối miền Bắc được sơn bóng, nhưng nhận thấy sơn xài lâu ngày bị bong nên tôi đặt may trang phục cho rối, vừa đẹp không khác gì sơn, lại có hồn, thướt tha hơn và cũng dễ thay mới. Có những vở diễn thay vì ngoài Bắc kêu là rối tiểu chúc phúc thì chúng tôi biến tấu thành bác Ba Phi, đưa hình ảnh người nông dân Nam bộ chất phác, thật thà vào vở diễn” - anh Vũ cho biết.

Sau 5 năm hoạt động, đoàn múa rối xứ dừa đã lưu diễn tại hầu hết các tỉnh miền Tây, từ trường học đến các sự kiện vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm. Bình quân mỗi tháng đoàn có hơn 10 suất diễn, vở dài nhất 12 phút, ngắn nhất 3 phút, mỗi “sô” diễn thù lao dao động 3,5-4 triệu đồng. Ðoàn còn linh hoạt biểu diễn các tiết mục theo mùa vụ, như Trung thu có sự tích chú Cuội, Noel có ông già Noel hay dịp Tết sẽ diễn sự tích ông Táo… Ðặc biệt, đoàn còn dựng các điệu múa mang đậm bản sắc địa phương như múa gáo dừa, đem lại nhiều sự thích thú cho người xem.

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa cho biết ông từng theo học lớp đào tạo về nghệ thuật múa rối nước tại Hà Nội. Sau đó về đầu quân cho Ðoàn Múa rối nước Hậu Giang, rồi đến Thảo Cầm Viên (TP Hồ Chí Minh). Năm 1990, ông trở về quê nhà làm việc tại Nhà Văn hóa (Trung tâm Văn hóa - Ðiện ảnh ngày nay). Thời điểm đó, Nhà văn hóa có tổ chức hoạt động biểu diễn múa rối nước, nhưng được một thời gian vì điều kiện hạn chế nên hoạt động biểu diễn cũng khép lại đến nay. Sự kết hợp với anh Vũ đã đem môn nghệ thuật đặc sắc này trở lại phục vụ mọi người.

Theo ông Hòa, khó nhất trong biểu diễn múa rối nước là kỹ thuật, những người điều khiển rối phải nắm chắc đường dây cơ bản và phối hợp nhịp nhàng, thể hiện được nội dung câu chuyện. Ðoàn cũng đang hướng đến xây dựng các tiểu phẩm mang nét riêng của Bến Tre như: cuộc đời nhà thơ yêu nước Nguyễn Ðình Chiểu, câu chuyện về đoàn tàu không số cùng những câu chuyện thiếu nhi.

Tham gia đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh từ lúc 17 tuổi và là thành viên trẻ nhất, anh Lê Thanh Hải cho biết anh từng học qua múa lân, đánh trống, vừa biết chơi một số nhạc cụ dân tộc nên được mời vào đoàn. Hầu hết các thành viên trong đoàn đều có việc làm ổn định nên chỉ hoạt động thời vụ vào mỗi cuối tuần hoặc các dịp lễ, Tết. Hiện nhóm có 3 sân khấu cố định và lưu động được đặt tại khu du lịch hoặc đặt tuor theo ý khách, đoàn sẽ dựng rạp để biểu diễn.l    

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Chia sẻ bài viết