20/08/2008 - 21:02

Nhiều thành phố dùng nước thải trong nông nghiệp

Nông dân Ghana sử dụng nước thải chứa trong ao để tưới cây. Ảnh: IWMI

Kết quả khảo sát 53 thành phố trên thế giới của Viện Quản lý nguồn nước quốc tế (IWMI), cho thấy hầu hết các thành phố đang sử dụng nước thải không qua xử lý hoặc chỉ được xử lý một phần để tưới hoa màu. Trong 80% thành phố được khảo sát, hơn phân nửa diện tích đất nông nghiệp được tưới bằng nước thải thô hoặc pha loãng. Theo IWMI, sử dụng nước thải trong sản xuất nông nghiệp không còn giới hạn ở một vài quốc gia nghèo nhất mà là thực trạng phổ biến ở các nước đang phát triển, không chỉ ở tiểu vùng Sahara của châu Phi mà cả ở châu Á và châu Mỹ la-tinh.

Theo báo cáo của IWMI được công bố tại Hội nghị cấp cao Tuần lễ nước đang diễn ra ở Stockholm (Thụy Điển), nước thải thường được dùng nhiều nhất để sản xuất rau cải và ngũ cốc, gây nên những lo ngại về nguy cơ sức khỏe cho người tiêu dùng, đặc biệt là những loại rau cải ăn sống, cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá lương thực tăng và những lo ngại về tình trạng khan hiếm nước, IWMI cho rằng việc sử dụng nước thải cũng mang lại lợi ích cho nông dân. Chẳng hạn, nhờ sử dụng nước thải, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở những nơi thiếu nước hoặc không có nguồn nước sạch, không bị ngưng trệ, nông dân không bị thất nghiệp. Ngoài ra, người trồng không cần phải tốn tiền mua phân bón do bản thân nước thải đã có không ít dưỡng chất có lợi cho cây. Ước tính, có 5,6 triệu nông dân ở các nước đang phát triển sử dụng nước thải để canh tác kiếm sống.

IWMI cho rằng cộng đồng quốc tế cần có những chính sách và phương pháp xử lý nước thải an toàn, nhằm giảm thiểu nguy cơ sức khỏe và môi trường song song với duy trì những lợi ích về mặt kinh tế của việc sử dụng nước thải trong nông nghiệp. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, những nước chưa có điều kiện xử lý nước thải triệt để có thể áp dụng những phương pháp ít tốn kém như: sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, rửa nông sản tươi đúng cách hoặc trữ nước thải trong ao hồ để chất thải rắn cũng như trứng giun lắng đọng xuống đáy. Qua đó hạn chế nguy cơ nông sản bị nhiễm khuẩn và tạp chất.

V.T (Theo Xinhua, BBC)

Chia sẻ bài viết