14/10/2021 - 20:58

Nhiều nước trông cậy vaccine nội địa 

Theo Hãng tin Guardian, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới chủ động sử dụng vaccine COVID-19 sản xuất trong nước giữa thời điểm chương trình COVAX có thể bỏ lỡ mục tiêu phân phối 2 tỉ liều trên toàn cầu vào cuối năm nay.

Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sản xuất vaccine Sinovac ở Ai Cập. Ảnh: Getty Images

Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sản xuất vaccine Sinovac ở Ai Cập. Ảnh: Getty Images

Theo dự báo mới nhất, cơ chế của Liên Hiệp Quốc đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ có thể ​​cung cấp 1,4 tỉ liều vaccine trong năm 2021. Việc thiếu hụt gần 1/3 so với dự kiến phần lớn là do hạn chế trong quy trình xuất khẩu, cũng như nhu cầu ở các quốc gia sản xuất vaccine chủ chốt ngày càng tăng. Ðơn cử như Ấn Ðộ, nước này đến nay chỉ đáp ứng 28 trong số 40 triệu liều đã cam kết trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta tăng vọt trên khắp quốc gia Nam Á.

Việc Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đẩy mạnh tiêm liều tăng cường cũng góp phần dẫn tới suy giảm nguồn cung vaccine COVID-19 của các hãng nổi tiếng trên thế giới cho các nước đang phát triển. Thay vì tiếp tục chỉ trích, Tiến sĩ Leana Wen tại Ðại học George Washington (Mỹ) cho rằng điều cần làm là kêu gọi các nước giàu tăng cường hơn nữa hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp xây dựng năng lực, mở rộng quy mô sản xuất vaccine trên toàn thế giới.

Hiện tại, nhiều nước thu nhập thấp và trung bình ngoài chọn mua vaccine ít tên tuổi hơn cũng bắt đầu tự sản xuất vaccine dựa trên khả năng tự có hoặc thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các hãng dược phẩm nổi tiếng của Mỹ, châu Âu hoặc Trung Quốc. Chẳng hạn như Ai Cập, nước này đang thử nghiệm trên người vaccine tự phát triển Covi Vax. Cairo còn đang đàm phán với Moderna (Mỹ) để sản xuất vaccine trong nước sau thành công sản xuất vaccine Sinovac của Trung Quốc. Ai Cập dự định sản xuất hơn 1 tỉ liều/năm, qua đó trở thành “nhà sản xuất vaccine lớn nhất ở châu Phi và Trung Ðông”. Một số quốc gia khác trong khu vực, như Morocco cũng khởi động dự án sản xuất vaccine Sinopharm của Trung Quốc tại địa phương.

Trong khi đó, Cuba đã nộp đơn xin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn đối với vaccine COVID-19 do đảo quốc này điều chế. Còn tại Brazil, một số viện nghiên cứu trong nước đang đặt cược vào việc phát triển vaccine “cây nhà lá vườn” khi số ca tử vong do COVID-19 ở quốc gia Nam Mỹ vượt mốc 600.000 người và cao thứ 2 trên thế giới. Hiện tại, Viện Butantan ở São Paulo đang thử nghiệm lâm sàng vaccine ButanVac do Trường Y Icahn (Mỹ) và một tập đoàn quốc tế phát triển. Năm ngoái, trung tâm này cũng hỗ trợ thử nghiệm quy mô lớn trên người đối với vaccine CoronaVac do công ty Trung Quốc Sinovac Biotech sản xuất để đổi lấy cam kết chuyển giao công nghệ. Cùng thời điểm, Quỹ Oswaldo Cruz liên kết với Bộ Y tế Brazil bắt đầu đàm phán để sản xuất vaccine của Hãng dược AstraZeneca (Anh/Thụy Ðiển) với nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Không chỉ thu hẹp khoảng cách tiêm chủng ở nhiều nước nghèo, tự sản xuất vaccine cũng giúp một số quốc gia giàu có đảm bảo nỗ lực chống dịch. Năm ngoái, Saudi Arabia đã đẩy nhanh tiến trình thử nghiệm trên người đối với một loại vaccine do các nhà khoa học nước này nghiên cứu. Ở khu vực Ðông Nam Á, Singapore hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đối với 3 loại vaccine mRNA do Công ty Arcturus Therapeutics (Mỹ) phát triển.

Tính đến ngày 14-10 đã có hơn 6,6 tỉ liều vaccine được tiêm tại 184 quốc gia trên thế giới, trong đó đứng đầu là Trung Quốc với 2,2 tỉ liều, Ấn Độ 968 triệu và Mỹ 404 triệu liều.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết